Gạo nếp gà gáy là một giống lúa nếp đặc sản của xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập cũ, nay là xã Sơn Lương, tỉnh Phú Thọ. Giống lúa này nổi tiếng với hạt gạo to, tròn, trắng, mẩy. Từ khi lúa chưa chín đã có hương thơm ngào ngạt. Đặc biệt, loại nếp này chỉ cần thời gian đồ ngắn là cho thành phẩm hạt xôi thơm, dẻo, ăn không bị ngấy, không dính tay.
Giống lúa quý trong đời sống người Mường
![]() |
Hạt gạo nếp gà gáy to, tròn, trắng, khi đồ xôi cho ra thành phẩm dẻo, thơm. Ảnh: Hợp tác xã Sản xuất gạo nếp gà gáy Mỹ Lung và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp |
Không chỉ là đặc sản, nếp gà gáy còn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Yên Lập, đặc biệt là người Mường. Thậm chí có cả một câu chuyện dân gian thú vị về nguồn gốc, tên gọi của giống nếp quý này.
Khác với các loại lúa nếp khác, nếp gà gáy là giống dài ngày, trồng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, việc chăm sóc cũng rất khó. Có lẽ vì vậy mà từng có thời gian sản phẩm này có nguy cơ mất giống, số lượng ít chỉ còn khoảng 4 - 5 ha tại Mường Lung. Chỉ những gia đình khá giả hoặc vào vào dịp Tết đặc biệt như lễ cơm mới của người Mường thì người dân mới ăn loại gạo này.
Dự án phục tráng gạo nếp gà gáy được thực hiện từ năm 2005 - 2011, giúp diện tích và năng suất nếp gà gáy tăng lên 70 ha. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, diện tích trồng lại giảm xuống. Chỉ đến khi người dân địa phương ý thức được giá trị và tiềm năng kinh tế của giống nếp quý, việc khôi phục giống lúa quý mới chính thức thành công, thu hút nhiều hộ dân tham gia, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Cụ thể, năm 2010, sản phẩm lúa nếp gà gáy Mỹ Lung được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể thì đến năm 2019, đoạt Cúp Vàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Năm 2021, sản phẩm gạo nếp gà gáy Mỹ Lung được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 với nội dung “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp gà gáy Mỹ Lung của tỉnh Phú Thọ”.
Năm 2022, sản phẩm gạo nếp gà gáy Mỹ Lung của Hợp tác xã Sản xuất gạo nếp gà gáy Mỹ Lung và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp được công nhận đạt hạng OCOP 4 sao.
Hợp tác xã góp phần khôi phục và phát triển giống lúa đặc sản
Một trong những bước ngoặt quan trọng trong sự phục hưng thành công giống lúa quý là sự ra đời của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gạo nếp gà gáy Mỹ Lung và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Chính từ đây, hướng đi mới bền vững đã được mở ra.
Theo lời ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc hợp tác xã, hợp tác xã đã cùng bà con nông dân bàn bạc và quyết tâm quy hoạch cánh đồng riêng để trồng gạo nếp, gìn giữ một sản vật quý. Đồng thời, nghiên cứu đặc tính của giống cây để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất.
![]() |
Bước ngoặt quan trọng của mô hình nếp Gà gáy Mỹ Lung là sự ra đời của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gạo nếp gà gáy Mỹ Lung và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp. |
Hiện nay hợp tác xã là đơn vị cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra và tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa cho nhiều hộ trồng gạo nếp gà gáy. Đặc biệt, hợp tác xã hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm sinh học, phân vi sinh, hạn chế thuốc hóa học nhằm hướng đến sản xuất sạch, bền vững.
Để tạo niềm tin nơi người tiêu dùng, hợp tác xã đã đầu tư đóng gói sản phẩm chỉn chu với các loại 1 kg, 2 kg và 5 kg, có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, mã vạch, logo, cúp vàng và hướng dẫn sử dụng.
Hợp tác xã tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số như Facebook, Zalo, kết nối thị trường trong và ngoài tỉnh.
Những nỗ lực không ngừng nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt của hợp tác xã đã được ghi nhận kịp thời. Cuối năm 2024, hợp tác xã vinh dự được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trao Giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ Nhất - tôn vinh 100 sản phẩm tiêu biểu của các hợp tác xã trên toàn quốc.
Mô hình kinh tế hiệu quả, hướng đến giảm nghèo bền vững
Không chỉ góp phần khôi phục và giữ gìn giống lúa quý, mô hình trồng nếp gà gáy Mỹ Lung còn mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân xã Sơn Lương.
Hiện nay, năng suất nếp gà gáy trung bình đạt 3 - 4 tấn/ha, giá bán dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, tương đương doanh thu khoảng 90 - 100 triệu đồng/ha/năm - cao gấp 3 lần so với giống lúa thông thường. Người dân trồng nếp gà gáy không chỉ có thu nhập ổn định mà còn dần thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp giá trị.
Việc áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, giảm dần việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu cũng góp phần cải thiện chất lượng đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
![]() |
Sản phẩm gạo nếp gà gáy Mỹ Lung được nâng hạng OCOP 4 sao hồi cuối năm 2022. |
Gạo nếp gà gáy Mỹ Lung hiện không đủ cung ứng cho thị trường - đó là tín hiệu vui, nhưng cũng là thách thức đặt ra cho địa phương trong việc quy hoạch vùng trồng, mở rộng sản xuất đi đôi với giữ gìn chất lượng giống và bảo tồn giá trị văn hóa gắn với sản phẩm.
Đồng hành cùng hợp tác xã và địa phương, Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Thọ cùng Liên minh hợp tác xã Việt Nam hàng năm luôn có những hoạt động hỗ trợ thiết thực, bổ ích. Đơn cử, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Liên minh hợp tác xã tỉnh đã hỗ trợ truyền thông cho 275 lượt hợp tác xã với trên 8.000 lượt sản phẩm tham gia hơn 110 hội chợ, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ 60 hợp tác xã về bao bì, nhãn mác sản phẩm, hỗ trợ 45 hợp tác xã xây dựng mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao.
Từ đó, các mô hình như Hợp tác xã Sản xuất gạo nếp gà gáy Mỹ Lung và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp thêm vững vàng trên chặng đường góp phần bảo tồn giá trị bản địa, mở ra triển vọng giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi Phú Thọ. Đây là một hướng đi hiệu quả cần được tiếp tục nhân rộng và hỗ trợ đúng mức trong thời gian tới.
Minh Khôi