Ở xã Mò Ó (cũ) có HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn đang tìm hướng đi riêng để đưa nông sản, cây dược liệu bản địa vươn ra thị trường. Nhờ biết cách liên kết, hợp tác với đơn vị sản xuất có kinh nghiệm và lựa chọn dòng sản phẩm riêng, các thành viên HTX đã sản xuất được một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, bước đầu được thị trường đón nhận.
Cùng HTX mở hướng đi riêng
Sản phẩm chủ yếu của HTX là bột sắn (khoai mì), bột đậu xanh, một số loại trà gừng cam sả, trinh nữ hoàng cung và trà làm từ rễ cây rừng của đồng bào dân tộc thiểu số dành cho phụ nữ sau sinh.
![]() |
HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn mở hướng đi riêng với cây sắn giúp người dân địa phương cải thiện sinh kế. |
Chị Trần Thị Nhung, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn, cho biết ở địa phương có giống sắn nếp truyền thống nên HTX đã mạnh dạn đưa vào sản xuất và chế biến bột khoai mì trở thành một trong những sản phẩm chính mang nét riêng, được người tiêu dùng đón nhận.
Ngoài được sử dụng máy móc, trang thiết bị để sơ chế, đóng gói sản phẩm, theo chị Nhung, HTX còn hỗ trợ các thành viên phát triển thị trường với mong muốn cùng nhau xây dựng một quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng để đưa sản phẩm nông sản, cây dược liệu, những bài thuốc truyền thống ở vùng rừng núi vươn ra thị trường, từ đó tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
HTX này được đánh giá đã góp phần tích cực vào việc thay đổi nếp nghĩ cách làm và cải thiện sinh kế cho nhiều phụ nữ ở địa phương. Nhất là đã tạo thu nhập cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và mở rộng kinh tế tập thể tại địa phương.
Còn ở địa bàn xã Hướng Hiệp (cũ) có HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp với các thành viên là đồng bào Vân Kiều. HTX hiện đã có đàn vật nuôi hàng trăm con, chủ yếu là lợn bản địa và dê núi. Đây là những giống vật nuôi quen thuộc với điều kiện khí hậu của địa phương.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, HTX này đã hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm từ cung ứng đến đồng hành, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân địa phương. Trong đó nổi bật là các sản phẩm lợn bản địa, dê núi được nuôi theo hướng tự nhiên, hữu cơ, chăn thả có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị sản phẩm cao, rất được thị trường ưa chuộng.
Người dân phấn khởi tham gia liên kết
Là một trong những hộ chăn nuôi của HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp, bà Hồ Thị Chài ở thôn Làng Cát, xã Hướng Hiệp (cũ) cho biết: Từ khi được HTX hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ lợn giống, người dân rất phấn khởi. Hiện tại, bà con đang tập trung theo hướng chăn nuôi sạch, tự nhiên, không sử dụng các loại bột tăng trọng.
![]() |
Người dân ở xã Hướng Hiệp (mới) đặt niềm tin tăng thêm thu nhập nhờ liên kết chăn nuôi cùng có HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp. |
Trong quá trình chăn nuôi, nếu đàn lợn bị ốm hoặc có vấn đề gì thì chỉ cần điện thoại là có cán bộ của HTX về xử lý ngay. Do vậy, bà con rất tin tưởng vì vừa có con giống bảo đảm, vừa được hỗ trợ chăm sóc thú y miễn phí. Nhờ đó, trong thôn đã có gia đình bán được 20 con lợn, mang lại thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Còn theo anh Hồ Văn Công, ở thôn Làng Cát, không chỉ được hỗ trợ lợn giống, hướng dẫn kỹ thuật, khi đàn lợn giống đẻ HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp sẽ thu mua toàn bộ với giá từ 100.000-130.000 đồng/kg. Đối với những gia đình khó khăn thuộc diện hộ nghèo thiếu vốn, HTX còn cho nợ chi phí con giống, sau khi chăn nuôi thành công sẽ trả lại vốn cho HTX, vì thế nên bà con rất vui và yên tâm.
Trong khi đó, tại địa bàn thị trấn Krông Klang (cũ), để cải thiện sinh kế cho người dân thì thời gian qua đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp, ngành nghề, thương mại, dịch vụ. Nhất là tập trung phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương.
Trước đây, từng có thời điểm, một bộ phận người dân thị trấn Krông Klang mất niềm tin vào nghề nông. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, niềm tin trong bà con đã quay lại cùng với những đổi thay tích cực.
Như chia sẻ của ông Hồ Xa Tôn, nếu không được cán bộ địa phương vận động, hướng dẫn chuyển đổi giống cây trồng, gia đình ông khó có niềm vui hôm nay. Cũng nhờ các cán bộ địa phương, ông Tôn mới kiên trì giữ vườn cao su với diện tích 3ha trong khi nhiều hộ dân khác đã đốn bỏ.
Hoặc như gia đình anh Hồ Ước cũng đã vươn lên từ khó khăn nhờ sự tiếp sức của chính quyền địa phương. Trước đây, gia đình anh Ước sống bám rẫy nương. Vốn chăm chỉ lao động, lại có cả đất vườn lẫn đất đồi để phát triển kinh tế, thế nhưng việc làm ăn của gia đình anh không mấy thuận lợi. Điều đó khiến anh rất buồn, rồi mất dần niềm tin vào nghề nông.
Đúng thời điểm ấy, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền thị trấn Krông Klang (cũ) đã tạo nên sự đổi thay cho gia đình anh Ước. Không chỉ có cơ hội tập huấn, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh còn được hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi để xây dựng trang trại tổng hợp.
Vươn lên cùng nghề nông
Thời gian qua, thị trấn Krông Klang (cũ) đã có nhiều giải pháp giúp nông dân vượt khó, giảm nghèo bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế mới. Hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; trao tặng cây, con giống; thăm hỏi, trao quà...được tổ chức thường xuyên.
![]() |
Với triển vọng phát triển kinh tế hợp tác sẽ tạo thêm động lực vươn lên cho người dân ở xã Hướng Hiệp (mới) sau sáp nhập. |
Đặc biệt là ngày có càng nhiều hộ dân tình nguyện tham gia vào các tổ, hội nghề nghiệp, tổ hợp tác để giúp nhau phát triển kinh tế. Từ đây, những khó khăn, thử thách mà nghề nông đặt ra cũng vơi bớt. Người dân chuyên tâm với nghề nông để vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.
Anh Nguyễn Văn Chiến, trú tại thị trấn Krông Klang (cũ), cho biết: “Vượt khó nhờ nghề nông nên vợ chồng tôi cũng như nhiều nông dân khác ý thức sâu sắc hơn việc hỗ trợ những người khác. Chúng tôi mong muốn được chung tay làm đổi thay xã Hướng Hiệp (mới) sau sáp nhập”.
Với triển vọng kinh tế hợp tác ở các xã cũ như Mò Ó, Hướng Hiệp hay những chuyển biến về sản xuất nông nghiệp ở Krông Klang (cũ), điều hy vọng là sẽ tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững cho người dân ở xã mới sau sáp nhập là Hướng Hiệp.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua đã có những hoạt động để hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Đakrông (cũ) nói chung và ở địa bàn xã Hướng Hiệp (mới) nói riêng. Đặc biệt là phối hợp cùng với chính quyền địa phương tập huấn, xây dựng mô hình HTX phù hợp để thu hút nhiều người dân tham gia.
Thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về mô hình HTX kiểu mới, mô hình HTX liên kết gắn với chuỗi giá trị. Từ đó giúp cho người dân ở vùng đất Hướng Hiệp (mới) thay đổi nhận thức và tham gia nhiều hơn vào HTX mà điển hình là HTX Nông nghiệp sinh thái Tây Thạch Hãn hay HTX Nông nghiệp Hướng Hiệp.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị cũng thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho các HTX ở xã Hướng Hiệp (mới) phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Và nhất là hỗ trợ các HTX ứng dụng mạng xã hội (zalo, facebook...) nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX và tham gia kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm.
Thanh Loan