Hòa chung dòng chảy chuyển mình của đất nước, từ ngày 1/7/2025, tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận và bộ máy chính quyền 2 cấp chính thức vận hành, mở ra các lợi thế phát triển chưa từng có, đưa Khánh Hòa vững bước tiến vào thời kỳ phát triển mới. Sau ngày 1/7, tỉnh Khánh Hòa có diện tích tự nhiên hơn 8.500km2; quy mô dân số hơn 2,2 triệu người và có 65 đơn vị hành chính trực thuộc, hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Phát huy giá trị bản địa từ nghề đan thủ công
Một trong những mô hình HTX điển hình tại Khánh Hòa là HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (nay thuộc phường Ninh Hòa). Tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có như mây, lục bình, cói, cỏ tranh, lá chuối…, HTX đã phát triển hàng chục dòng sản phẩm đan thủ công như giỏ xách, mũ, sọt, khay đựng, thảm, ghế, kệ, tủ, thùng giặt. Mỗi sản phẩm đều là kết tinh của sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và kinh nghiệm dày dặn của người thợ, không chỉ có tính thẩm mỹ cao mà còn thân thiện với môi trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
"Hiện nay, HTX Vĩnh Phước tạo việc làm cho khoảng 500 lao động nữ, trong đó có 90 công nhân làm việc trực tiếp tại HTX. Số còn lại nhận nguyên liệu về gia công tại nhà, giúp họ linh hoạt sắp xếp thời gian, tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập. Mức thu nhập ổn định từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng là nguồn lực quan trọng cải thiện đời sống, nhất là với phụ nữ nội trợ hoặc người lao động nông thôn" - giám đốc HTX, ông Ngô Văn Nhân cho biết.
![]() |
Nghề đan thủ công giúp cho các lao động trung niên tại địa phương có thêm thu nhập ổn định. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, người có nhiều năm kinh nghiệm làm nghề đan, cho biết: “Để tạo nên một sản phẩm đẹp đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, nắm vững các kỹ thuật như đan nong mốt, đan léo, đan hoa thị… Công đoạn từ đan đáy, đan thân đến hoàn thiện miệng đều cần sự tỉ mỉ và cảm nhận tinh tế.” Chính nhờ sự tỉ mỉ đó, sản phẩm của HTX đã vươn ra thị trường quốc tế, xuất khẩu sang các nước như Anh, Pháp, Nhật Bản…
Các hộ tham gia gia công đều được HTX hướng dẫn kỹ thuật và phân phối nguyên liệu tận nơi. Bà Lê Thị Thùy Dung, tranh thủ nội trợ và đan thủ công tại nhà đã 5 năm, chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày tôi kiếm thêm khoảng 150.000 đồng nhờ nhận làm thảm, khung giỏ, chuồng thú cưng… Công việc này vừa nhẹ nhàng, vừa linh hoạt.”
HTX Vĩnh Phước là minh chứng rõ nét cho việc HTX không chỉ tạo việc làm mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại địa phương, đặc biệt với lao động nữ nông thôn.
HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm OCOP
Nếu như HTX Vĩnh Phước phát huy giá trị bản địa thì HTX Rau an toàn Ninh Đông (nay thuộc phường Ninh Hòa) lại là điển hình về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiện đại, gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP.
Thành lập từ năm 2017, HTX hiện có 10 thành viên, canh tác 5ha đất trồng các loại rau, đậu, củ quả và rau gia vị. Bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 45 tấn rau an toàn, mang lại doanh thu hàng năm hơn 8 tỷ đồng. Các sản phẩm rau đã đạt chứng nhận VietGAP và đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.
HTX Ninh Đông đặc biệt chú trọng quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, đảm bảo thời gian cách ly ngắn, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy thời gian canh tác dài hơn rau thông thường 10–15 ngày, nhưng giá bán cao hơn từ 1.500 – 2.000 đồng/kg, nhờ vậy vẫn mang lại thu nhập ổn định cho thành viên.
![]() |
Hỗ trợ kinh phí mua máy móc cho HTX. |
Không chỉ hoạt động sản xuất, HTX còn tích cực thực hiện các chương trình xã hội như trao quà cho người già, neo đơn, khen thưởng học sinh nghèo hiếu học…, góp phần xây dựng cộng đồng gắn kết, nhân văn.
Tháng 5/2024, Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ HTX đầu tư máy móc thiết bị (máy cày) với tổng giá trị hỗ trợ 110 triệu đồng trong khuôn khổ đề án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là bước đi cụ thể nhằm nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trước ngày 1/7/2025, thị xã Ninh Hòa có 26 đơn vị hành chính cấp xã (7 phường, 19 xã). Sau khi sáp nhập, địa phương còn 8 đơn vị (3 phường, 5 xã). Năm 2023, Ninh Hòa có 38 sản phẩm của 14 chủ thể tham gia phân hạng OCOP. Các sản phẩm đa dạng từ rong nho, yến sào, trầm hương đến thực phẩm chế biến, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp. Các sản phẩm này được tạo điều kiện tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Năm 2024, địa phương này tiếp tục có 25 sản phẩm đăng ký mới, 3 sản phẩm đăng ký nâng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao. Các sản phẩm được chọn đầu tư phát triển đều có đặc trưng văn hóa – địa phương, gắn với tri thức bản địa, nghề truyền thống và tiềm năng vùng miền.
KTTT cần phát huy thế mạnh sau sáp nhập
Trước ngày 1/7/2025, toàn tỉnh Khánh Hòa có 221 HTX, 1 Liên hiệp HTX, 4 Quỹ tín dụng nhân dân, 25 doanh nghiệp thành viên với tổng vốn điều lệ hơn 1.406 tỷ đồng, thu hút gần 14.000 lao động thường xuyên, tạo thu nhập bình quân từ 45 – 55 triệu đồng/người/năm. Sau khi sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, tổng số HTX tại tỉnh Khánh Hòa là khoảng 360 HTX.
Các HTX hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, xây dựng, du lịch… Trong đó, có hàng trăm chuỗi liên kết nông sản và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang phát huy hiệu quả, góp phần ổn định thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an sinh và giữ vững trật tự xã hội.
Trước những yêu cầu ngày càng cao trong phát triển kinh tế - xã hội, khu vực KTTT tỉnh Khánh Hòa đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Trong bối cảnh mới, theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa: Đơn vị tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển KTTT gắn với kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn và nuôi biển công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu bền vững cho HTX. Trong bối cảnh sáp nhập Khánh Hòa – Ninh Thuận, việc tổ chức lại mô hình HTX sẽ được thực hiện linh hoạt, phù hợp với đặc điểm vùng miền, đảm bảo sự phát triển hài hòa, không bỏ sót tiềm năng địa phương.
Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực kết nối với các tổ chức tín dụng, Qũy hỗ trợ phát triển HTX (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) để tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ các HTX. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ pháp lý và đào tạo nhân lực cho HTX...
Từ những mô hình HTX phát triển hiệu quả, cụ thể như HTX Vĩnh Phước, HTX Ninh Đông đến những chương trình hỗ trợ OCOP, có thể thấy KTTT tỉnh Khánh Hòa đang đi đúng hướng, phát triển sâu rộng, góp phần giải quyết bài toán sinh kế, nâng cao đời sống người dân. Sự đồng hành của chính quyền, các ngành chức năng và đặc biệt là vai trò trung tâm của Liên minh HTX sẽ là yếu tố then chốt để các HTX tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định vị thế trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập.
Ngọc Huyền