Theo quan sát, trong giai đoạn tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, cổ phiếu DRH ghi nhận nhiều phiên tăng trần liên tiếp, với thanh khoản tăng cao.
![]() |
Cổ phiếu DRH đứt mạch tăng trần 4 phiên liên tiếp. |
Tuy nhiên, đằng sau diễn biến tích cực của cổ phiếu, tình hình tài chính và kinh doanh của DRH Holdings lại cho thấy nhiều điểm đáng lo ngại.
Trong quý I/2025, công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 25,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 4,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm 622 triệu đồng, đồng thời chi phí lãi vay tăng gấp hơn 3 lần, lên tới 33,9 tỷ đồng.
Trước đó, trong hai năm tài chính gần nhất, DRH Holdings cũng lần lượt báo lỗ 103,7 tỷ đồng (năm 2023) và 203,1 tỷ đồng (năm 2024), phản ánh chuỗi thời kỳ hoạt động kém hiệu quả kéo dài.
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của DRH Holdings đạt 3.947,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm hơn 72% với 2.845 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (1.550 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.269 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, tổng nợ phải trả của công ty là 2.666,5 tỷ đồng, tăng 2,79%, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đến 99%, tương đương 2.652 tỷ đồng.
Trở lại hiện tại, “sức nóng” của cổ phiếu DRH “hạ nhiệt” ngay sau thông tin Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo xử phạt vi phạm hành chính đối với DRH Holdings do hàng loạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực công bố thông tin, sử dụng vốn huy động và giao dịch với bên liên quan, với tổng số tiền 790 triệu đồng.
Theo UBCKNN, DRH Holdings đã vi phạm quy định về công bố thông tin ở cả ba cấp độ: Không công bố, công bố không đúng hạn và công bố thiếu nội dung.
Cụ thể, doanh nghiệp không công bố hàng loạt tài liệu bắt buộc như báo cáo tài chính kiểm toán các năm 2022–2023, báo cáo thường niên, các bản giải trình chênh lệch lợi nhuận so với kỳ trước, cũng như nghị quyết quan trọng của HĐQT liên quan đến góp vốn vào các đơn vị liên kết. Việc công bố trễ hoặc thiếu sót các báo cáo này khiến nhà đầu tư không thể tiếp cận thông tin đầy đủ và kịp thời, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ minh bạch – nền tảng quan trọng của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, trong báo cáo tình hình quản trị năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận thiếu số lượng cuộc họp HĐQT và không đề cập tới một số nghị quyết quan trọng, dù thực tế đã có biên bản đầy đủ. Đây là hành vi công bố thông tin thiếu chính xác, phản ánh sự lỏng lẻo trong giám sát nội bộ và lưu trữ hồ sơ quản trị.
Nghiêm trọng hơn cả là các vi phạm liên quan đến sử dụng vốn thu được từ hai đợt huy động lớn:
Đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022: Trong tổng số 220 tỷ đồng dự kiến để mua cổ phiếu KSB, doanh nghiệp đã sử dụng 100,48 tỷ đồng cho mục đích khác, cụ thể là ủy thác đầu tư cho một cá nhân. Việc thay đổi phương án sử dụng vốn không hề được HĐQT thông qua hay báo cáo lại với ĐHĐCĐ gần nhất, vi phạm nghiêm trọng quy định về quản trị tài chính doanh nghiệp đại chúng.
Đợt phát hành 410 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (mã DRHH2224001): doanh nghiệp đã sử dụng hơn 106 tỷ đồng cho dự án Khu nhà ở Long Phước (Quận 9, TP.HCM), trái với phương án công bố trước đó là tài trợ dự án Aurora Residences. Điều này không chỉ vi phạm nghĩa vụ công bố mà còn làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch trong phân bổ vốn của doanh nghiệp.
DRH Holdings còn bị phát hiện đã ký hợp đồng cho vay tổng cộng 120 tỷ đồng với CTCP Kinh doanh và Phát triển Bất động sản Đông Sài Gòn – đơn vị có người đại diện pháp luật là cổ đông của DRH Holdings tại thời điểm giao dịch. Tuy nhiên, hợp đồng này không được HĐQT thông qua, vi phạm quy định về giao dịch với bên liên quan – hành vi tiềm ẩn xung đột lợi ích nghiêm trọng trong hoạt động quản trị doanh nghiệp.
Ngoài mức phạt tiền, UBCKNN yêu cầu DRH thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật. Trong đó, đáng chú ý nhất là: Buộc thông qua ĐHĐCĐ về thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu năm 2022. Doanh nghiệp đã thực hiện việc này trong ĐHĐCĐ ngày 27/6/2025, thông qua báo cáo tình hình sử dụng vốn thực tế.
Buộc hoàn trả tiền mua chứng khoán và tiền lãi phát sinh cho nhà đầu tư nếu họ yêu cầu, áp dụng đối với đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2022. Đây là biện pháp mạnh chưa từng phổ biến, cho thấy mức độ rủi ro nghiêm trọng liên quan đến tính chính danh của đợt huy động.
Châu Anh