Từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 71 HTX. Trong đó, tỉnh Lào Cai (cũ) hỗ trợ thành lập 14 HTX; tỉnh Yên Bái (cũ) hỗ trợ thành lập 57 HTX, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên trên 1.400 với khoảng 41.600 thành viên; 3 liên hiệp HTX, trên 8.400 tổ hợp tác với gần 64.000 thành viên.
“Bệ đỡ” quan trọng của kinh tế địa phương
Các HTX hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực, trong đó có trên 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chiếm gần 60% tổng số HTX toàn tỉnh.
Trong quá trình sản xuất, nhiều HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào công tác quản lý, vận hành, sản xuất và quảng bá tiêu thụ sản phẩm; chủ động quan tâm thị trường, liên doanh liên kết, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước tạo ra những vùng sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng cao, nhiều sản phẩm của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Qua đó nâng cao doanh thu, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương.
![]() |
Nhiều HTX đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương tỉnh Lào Cai. |
Có thể nói, ngành nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế tập thể, HTX đã trở thành “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế Lào Cai, đóng góp trên 12% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 18.000 lao động ở khu vực nông thôn và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản hàng năm đạt 10.000 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê trước 1/7/2025, tỉnh Yên Bái (cũ) đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo giai đoạn 2021-2024, với tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, vượt xa chỉ tiêu do Trung ương giao.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái đã giảm mạnh từ 18,07% năm 2021 xuống chỉ còn 5,68% vào cuối năm 2024. Mức giảm này tương đương 12,39%, trung bình mỗi năm giảm 4,13%. So với mục tiêu giảm 3,3% mỗi năm của tỉnh và 3% mỗi năm của Trung ương, Yên Bái đã có bước tiến vượt bậc.
Đặc biệt, tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, nơi có tỷ lệ nghèo đói cao, tình hình cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của hai huyện này đã giảm từ 59,09% (cuối năm 2021) xuống còn 33,4% (cuối năm 2024), tương ứng mức giảm bình quân 8,56% mỗi năm. Trong đó, huyện Trạm Tấu giảm trung bình 6,89%/năm và huyện Mù Cang Chải giảm trung bình 9,45%/năm.
Còn tại tỉnh Lào Cai (cũ), năm 2024 có 20.411 hộ nghèo, chiếm 11,24% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và 18.058 hộ cận nghèo, chiếm 9,94% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. So với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,7%, tương ứng giảm 6.380 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm 0,31%, tương ứng giảm 317 hộ.
Mô hình HTX được đánh giá cao
Một số mô hình HTX tiêu biểu ở Lào Cai bao gồm: HTX nông nghiệp xã Bản Mế trồng tam thất, HTX Thành Sơn sản xuất miến dong, và các HTX tham gia vào chuỗi giá trị nông sản hoặc sản xuất sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn. Đây là những HTX đều có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống của người dân.
Với việc sử dụng nguồn bột nguyên liệu 100% nguyên chất từ củ đao riềng đỏ; quy trình chế biến theo phương pháp thủ công, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, miến đao Thành Sơn của HTX Thanh Sơn đã giúp hơn 400 hộ dân địa phương, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Giáy… có thêm thu nhập, bằng việc trồng cây đao đỏ cung cấp nguyên liệu cho HTX Thành Sơn, nhờ đó nhiều hộ từng bước thoát nghèo.
Không chỉ vậy, sản phẩm miến đao Thành Sơn được cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử, sản phẩm được đóng gói trong bao bì và có dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.
Hay như HTX Quế Văn Yên chuyên thu mua, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây quế. Với sự sáng tạo và nhạy bén, đến nay HTX đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, độc đáo từ cây quế được thị trường đón nhận, và là đơn vị top đầu của tỉnh góp phần đưa Quế Văn Yên trở thành sản phẩm chủ lực của Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái. Hiện, Hợp tác xã Quế Văn Yên có doanh thu và lợi nhuận tốt, tạo nhiều việc làm cho các thành viên và người lao động với mức thu nhập từ 7,5 đến 10 triệu đồng/người/tháng, góp phần giúp người dân làm giàu từ chính đặc sản Quế của quê hương mình.
![]() |
Các sản phẩm của HTX Quế Văn Yên được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh. |
Còn HTX kinh doanh sản xuất tổng hợp Hưng Thùy đang thành công với việc thu mua, chế biến, kinh doanh các sản vật vùng miền của huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái cũ) đó là khoai sọ nương và măng ớt. Khi đã chứng minh được mô hình liên kết trồng khoai sọ và thu mua măng rừng mang lại hiệu quả so với trồng các loại cây màu khác tại địa phương, HTX đã bắt tay vào mở rộng sản xuất và tiến hành xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời tăng cường thu mua nông sản cho bà con, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầy đủ bao bì, nhãn mác…
Đặc biệt, từ khi 2 sản phẩm khoai sọ nương và măng ớt đạt chuẩn OCOP 3 sao, mức tiêu thụ sản phẩm gấp 2-3 lần trước, mang lại thu nhập gia tăng cho HTX và thành viên. Từ đó, tạo động lực cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây tham gia tích cực vào HTX cùng nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu.
Tiếp tục hỗ trợ phát huy mô hình HTX
Nhìn chung số lượng HTX trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phát triển nhanh về số lượng, song quy mô, sức cạnh tranh, khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một số mô hình liên doanh, liên kết chưa bền vững, chất lượng sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT) nói chung, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nói riêng, Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam cùng các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí, vai trò của KTTT trong phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, vận động thành lập mới HTX; nhân rộng những mô hình HTX hoạt động hiệu quả để lan tỏa tới toàn khu vực, cộng đồng và xã hội; thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTX để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ cho các HTX tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi về phát triển KTTT của Trung ương, của tỉnh… Đồng thời làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX.
Ngoài ra, hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực chuyển đổi số, tiếp cận thị trường và kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm.
Linh Đan