Đặc biệt, nhờ cải tiến kỹ thuật sản xuất và thông qua mô hình hoạt động của HTX Sản xuất bánh đa nem Thổ Hà đã giúp tìm đầu ra, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình tại làng quê này.
Nối nghiệp cha ông, giữ lửa nghề
Làng Thổ Hà nằm ven dòng sông Cầu, cách Hà Nội khoảng 45km. Theo người dân, nghề làm bánh đa nem của làng có tuổi đời hàng trăm năm được gìn giữ và phát triển. Làng Thổ Hà trước kia nổi tiếng với nghề gốm. Đây từng là một trong những trung tâm làm gốm nổi tiếng nhất của người Việt vào thế kỷ 14. Tuy nhiên, nghề gốm dần mai một, chỉ còn nghề làm bánh đa vẫn được người dân truyền từ đời này qua đời khác.
![]() |
Điểm đặc biệt của bánh đa nem Thổ Hà nằm ở quy trình sản xuất thủ công tỉ mỉ. Mỗi người con của làng nghề đều có “bí quyết” để làm ra những chiếc bánh đa nem nức tiếng gần xa. |
Ông Trịnh Đắc Mạnh – Giám đốc HTX Sản xuất bánh đa nem Thổ Hà (xã Vân Hà), một người sinh ra lớn lên tại làng nghề, cho biết nghề làm bánh đa nem của làng có từ lâu, khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, khi lớn lên, anh đã thấy người trong làng làm nghề này. Những ngày đầu chưa có điện và máy móc hiện đại, ông bà, bố mẹ của ông vẫn còn tráng từng chiếc bánh bằng tay, ngồi tỉ mẩn làm cho thật tròn trên bếp lò...
“Giống như những người con của làng, tôi cũng học, cũng làm theo người lớn đến bây giờ. Nay tôi bao nhiêu tuổi thì đồng nghĩa cũng chừng ấy năm nghề ngấm vào tôi” – ông Mạnh chia sẻ.
Ngày nay, khi có điện và máy móc, việc tráng bánh đa nem đã nhàn hơn rất nhiều, năng suất cao hơn, đồng thời sản phẩm đẹp hơn bởi quy trình sử dụng máy thay vì tráng thủ công. Tuy nhiên, dù đã có nhiều máy móc thay thế nhưng với những người dân ở làng nghề Thổ Hà, chỉ trừ ngày mưa, còn lại ngày nào họ cũng dậy từ 3 giờ sáng để kịp làm và phơi nắng những mẻ bánh đa nem.
Cũng theo chia sẻ của ông Mạnh, làm bánh đa nem, ngoài yếu tố đảm bảo chất lượng, vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP cũng là yếu tố quan trọng để giữ vững thương hiệu, uy tín của bánh đa nem Thổ Hà trên thị trường. Đối với quy trình sản xuất bánh đa nem từ khâu chọn, bảo quản nguyên liệu ban đầu đến khâu sản xuất, phơi nắng, đóng gói đều phải tuân thủ quy định về vệ sinh ATTP, đủ tiêu chí lành, sạch, dai, giòn khi khách hàng sử dụng sản phẩm. Các sản phẩm của HTX đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền và tham gia chương trình OCOP.
Dù làm qua nhiều công đoạn là thế, nhưng nhiều năm nay, bánh đa nem Thổ Hà vẫn giữ nguyên một mức giá. Thương lái từ nhiều nơi đến làng mua bánh đa nem khoảng 27.000- 30.000 đồng/100 chiếc.
Vào những dịp gần tết, bánh đa nem của Thổ Hà làm ra không đủ đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Thời gian bánh bán chạy nhất bắt đầu từ tháng 9 năm nay cho đến hết tháng 2 năm sau. Trung bình mỗi ngày, một hộ sản xuất khoảng 250-300 kg gạo, mang lại thu nhập trung bình khoảng 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Bánh đa nem “xuất ngoại”
Làm hàng đã vất vả nhưng bán hàng và câu chuyện “đầu ra” ổn định với người làm nghề quả thực cũng là câu chuyện khó khăn không kém. Và việc ra đời của HTX đã mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
![]() |
Nhiều bậc cao niên trong làng mong muốn truyền lại nghề cho thế hệ trẻ, để làng nghề bánh đa nem Thổ Hà tiếp tục được gìn giữ và phát triển. |
Nếu như trước đây, gia đình bà Tới và nhiều gia đình khác phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì nay đã khác. Từ ngày gia đình bà tham gia vào HTX Bánh đa nem Thổ Hà, sản phẩm của gia đình bà Tới cứ làm ra tới đâu đều được thu mua tới đó, năng suất tăng cao. Nhờ vậy, từ năm 2019, bà Tới đã mạnh dạn đầu tư máy tráng bánh với mô hình khép kín, bảo đảm vệ sinh, chất lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đặc biệt, khi công nghệ phát triển nhờ kết nối các nền tảng mạng xã hội, bánh đa nem của HTX Bánh đa nem Thổ Hà đã và đang từng bước mở rộng thị trường tại nhiều tỉnh, thành trong nước và thị trường quốc tế.
Chị Trịnh Thị Phượng, một thành viên khác của HTX Sản xuất bánh đa nem Thổ Hà chia sẻ, trước đây sản phẩm bánh đa nem Thổ Hà chỉ được giao bán ở chợ và không có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc thì nay người tiêu dùng đã dễ dàng tìm thấy sản phẩm này trên kệ hàng của nhiều siêu thị lớn như Big C, Metro, Vinmart…
"Là một người con của làng, sau khi học xong tôi từng có ý định ra ngoài an cư lập nghiệp, nhưng vì yêu nghề truyền thống, tôi quyết định ở lại làng tiếp tục nối truyền nghề này. Nếu như các ông bà có nhiều kinh nghiệm làm bánh ngon, thì thế hệ trẻ lại là người nhạy bén với công nghệ thông tin và máy móc hiện đại và kết nối thị trường đầu ra” – chị Phượng nói.
Nhờ đó, sản phẩm bánh đa nem làng Thổ Hà, ngoài tiêu thụ trong nước, nay đã có nhiều chủ đại lý ký hợp đồng để xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Có thể thấy, qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây đã dày công gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này, biến nó thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của địa phương. Làng nghề này đã tạo việc làm cho hàng trăm người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Trịnh Đắc Mạnh tâm sự, cũng có nhiều người trẻ tuổi rời làng đi làm ăn ở những vùng đất khác. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ lại quay trở về làng tiếp tục nghề làm bánh đa nem như cha anh họ đã, đang làm. Ông Mạnh cũng như những người gắn bó với nghề thấy vậy vui lắm, bởi nghề này sẽ được tiếp nối, giữ gìn.
Hàng nghìn lao động được đảm bảo công ăn việc làm
Những năm qua, công tác phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũ (nay là tỉnh Bắc Ninh) được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý sản phẩm, được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao như: Mỳ gạo của làng nghề Thủ Dương (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn cũ); sản phẩm rượu làng Vân, sản phẩm bánh đa nem của làng nghề Thổ Hà (xã Vân Hà, thị xã Việt Yên cũ); sản phẩm bánh đa của làng nghề Sau (phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang cũ); sản phẩm mỳ gạo của làng nghề Châu Sơn, (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên cũ)...
Hiện nay, mặc dù số hộ làm nghề tại một số địa phương giảm so với trước đây, song cùng với sự phát triển chung của xã hội, quy mô của các hộ làm nghề có chiều hướng mở rộng. Từ chỗ chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn, nghề chế biến thực phẩm tại nhiều nơi đã dần trở thành nghề chính có thương hiệu và mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ làm nghề.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang cũ từng đánh giá, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản hoạt động khá hiệu quả, hàng năm thu hút khoảng 5.400 lao động tham gia sản xuất, thu nhập bình quân của lao động từ 5,5 - 10 triệu đồng/lao động/tháng, doanh thu bình quân các làng nghề đạt 606,3 tỷ đồng/năm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển các thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức đưa nghề thủ công truyền thống - nghề làm bánh đa nem Thổ Hà (xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũ, nay thuộc phường Vân Hà, tỉnh Bắc Ninh) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự ghi nhận quan trọng với một nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời tại vùng Kinh Bắc. Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội để nghề làm bánh đa nem được hỗ trợ bảo tồn, phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh bánh đa công nghiệp giá rẻ tràn lan, việc khẳng định chất lượng sản phẩm truyền thống càng trở nên cấp thiết. Ngày nay, làng Thổ Hà có hàng trăm hộ làm nghề bánh đa nem. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã chọn làng nghề trăm tuổi này là một điểm tham quan, du lịch khi đến với Kinh Bắc. |
Hồng Hương