Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp sạch, tuần hoàn là một xu thế tất yếu. Tại Thái Nguyên, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã và đang chứng minh hiệu quả vượt trội, trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Từ các mô hình điểm sáng
Một trong những đơn vị đi đầu về sản xuất sạch phải kể đến là HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc. Với lợi thế vùng dược liệu rộng lớn (4ha sâm Bố Chính, 3ha Cát sâm, trên 20ha Ba Kích) và quy mô chăn nuôi lớn (5.000 con gà ri, ri lai, 4.000 con gà H’Mông và 3 trại nuôi ốc nhồi trên diện tích 1ha), HTX đã mạnh dạn thực hiện Dự án ứng dụng khoa học phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp dược liệu tuần hoàn theo hướng hữu cơ, tạo năng lượng xanh.
Cây dược liệu của HTX được trồng trong điều kiện tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, hay phân bón hóa học. HTX đã áp dụng quy trình ủ phân gà và các phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để bón cho cây dược liệu. Đặc biệt, phần phụ của sâm Bố Chính (lá, rễ con, thân…) được phối trộn với các nguyên liệu địa phương như ngô, sắn… làm thức ăn chăn gà, từ đó nâng cao chất lượng thịt gà và mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
![]() |
Sản xuất dược liệu theo quy trình sạch, khép kín giúp nâng cao giá trị kinh tế. |
Đặc biệt, HTX Thiên Phúc đã liên kết, chuyển giao quy trình sản xuất cho 15 tổ hợp tác với 50 hộ dân, chủ yếu là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. HTX cam kết thu mua dược liệu, gà cho nông dân thực hiện đúng quy trình; đồng thời phối hợp với địa phương để mua phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Điều này không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập mà còn tạo ra một chu trình sản xuất khép kín, bền vững.
Ngoài Thiên Phúc, HTX Chăn nuôi bò và Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My cũng là một điểm sáng khác trong sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh. Với mô hình chăn nuôi đa dạng, kết hợp trâu, bò sinh sản và vỗ béo, lợn, gà, trùn quế, HTX đã tạo ra một vòng tròn tuần hoàn khép kín, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Hiện nay, HTX chăn nuôi trên 150 con bò và 300 con lợn thịt/lứa. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý bằng chế phẩm sinh học để nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà, đảm bảo quy trình VietGAHP. Sự thành công này có được nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ chính quyền địa phương và lực lượng khuyến nông tỉnh về kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y…
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, HTX Thanh niên 26/3 (Bắc Kạn cũ) đã kết hợp nuôi trâu bò thịt, ốc nhồi, trồng chè cành và một số loại rau quả đặc sản.... Thay vì sản xuất nhỏ lẻ truyền thống, HTX đã áp dụng quy trình sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ ở mọi khâu chăn nuôi, trồng trọt và tận dụng phế phụ phẩm chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng.
Dù gặp nhiều khó khăn về vốn, kinh nghiệm nhưng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt này đã mang lại hiệu quả bước đầu với doanh thu bình quân vài tỷ đồng mỗi năm. HTX 26/3 không chỉ giúp các thành viên tiêu thụ sản phẩm ổn định, mà còn nâng cao thu nhập đáng kể cho bà con. Đặc biệt, việc chú trọng vào chất lượng và thương hiệu đã giúp sản phẩm của HTX có mặt tại nhiều thị trường lớn, mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho địa phương.
Đến những định hướng phù hợp
Thực tế đã chứng minh, sản xuất nông nghiệp sạch có thể tạo ra sự bứt phá khi nông dân, thành viên HTX mạnh dạn áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ vào sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi); đầu tư nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới tiết kiệm; xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi hiện đại, thông minh…
Nhận thức rõ tiềm năng và tầm quan trọng của nông nghiệp sạch, trong thời gian qua, Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, HTX chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Tỉnh đã triển khai những mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp. Nhiều mô hình, dự án hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do các HTX làm chủ ngày càng được mở rộng cả về quy mô và diện tích.
![]() |
Sản xuất bền vững đã được áp dụng tại nhiều HTX chè. |
Một trong những đơn vị cụ thể hóa chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh phải kể đến là Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên. Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu thành lập HTX nông nghiệp sạch, đảm bảo đúng quy định pháp luật và định hướng phát triển bền vững. Các lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; kỹ năng quản lý, điều hành HTX; xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cũng được tổ chức hàng năm nhằm hỗ trợ người dân, HTX sản xuất theo đúng quy trình và thuận lợi trong việc đạt các chứng nhận sản xuất bền vững.
Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cũng là cầu nối giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, công nghệ mới, chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học. Chẳng hạn, sự hỗ trợ từ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Viện cây ăn quả miền Nam, Viện Dược liệu Việt Nam cho HTX Thiên Phúc là minh chứng rõ ràng cho vai trò kết nối này. Hay HTX miến Việt Cường đã tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách, Quỹ Phát triển HTX để đầu tư máy móc, phục vụ sản xuất miến theo quy trình sạch, hiện đại và nâng cao được sản lượng.
Những ví dụ này này minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên trong việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thúc đẩy giảm nghèo
Đặc biệt, việc phát triển theo quy trình bền vững đang được rất nhiều HTX ở Thái Nguyên quan tâm, từ đó, giúp thành viên, người lao động nâng cao thu nhập, thúc đẩy giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Như tại HTX Chè Tân Hương đã đi đầu mô hình chè sạch, bền vững bằng việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế UTZ, đảm bảo quy trình khép kín từ trồng – chăm sóc – chế biến, có truy xuất nguồn gốc. HTX áp dụng máy móc hiện đại (máy hút chân không, sao chè bằng gas), áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh. Với hàng chục ha chè đạt chuẩn UTZ, doanh thu hàng năm của HTX luôn trên 10 tỷ đồng, giúp người lao động có thu nhập bình quân 5 triệu/người/tháng. Đặc biệt, HTX còn chú trọng hỗ trợ thành viên đổi mới kỹ thuật, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho người dân.
Hay tại HTX rau an toàn Hùng Sơn đang duy trì vùng trồng trên 30 ha rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX có 10 hộ thành viên và gần 90 hộ liên kết. Cơ sở vật chất được HTX đầu tư bài bản như nhà lưới, hệ thống tưới, máy móc, cùng các lớp tập huấn kỹ thuật thường xuyên. Từ đó, HTX đã tạo được thu nhập ổn định cho thành viên và đáp ứng được nhu cầu về rau sạch của thị trường.
Hay HTX Chè Hảo Đạt đã chuyển đổi 10 ha chè theo VietGAP, ngoài ra còn sản xuất chè hữu cơ và thực hiện bao tiêu trên 700 tấn chè búp/năm. Mô hình này đã tạo thu nhập khoảng 6 triệu/người/tháng cho người lao động và các sản phẩm của HTX đang được tiêu thụ tốt ở trong và ngoài tỉnh.
Rõ ràng, nhiều HTX đang trở thành điểm sáng trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp Thái Nguyên theo hướng sạch – xanh – bền vững. Không chỉ tạo ra sản phẩm đạt chuẩn (UTZ, VietGAP, hữu cơ), các HTX còn góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân ở mức trung bình từ 5–6 triệu/người/tháng.
Những HTX này đang góp phần xóa đói, giảm nghèo tại nông thôn cũng như kiến tạo việc làm dài hạn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, sản xuất bền vững đang giúp các HTX thuận lợi hơn trong việc xây dựng thương hiệu các loại nông sản của Thái Nguyên với sức cạnh tranh trên thị trường toàn quốc và quốc tế.
Tùng Lâm