Trước sáp nhập, nhiều năm qua 2 tỉnh Lào Cai - Yên Bái đã đẩy mạnh hợp tác trong phát triển nông nghiệp, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vùng nguyên liệu (quế, chè, cây ăn quả...); sản xuất giống và phát triển thủy sản; quản lý, khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nguồn nước.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa là xu thế tất yếu
Việc hợp nhất hai tỉnh giúp mở rộng diện tích đất canh tác, cho phép tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn, đa dạng về chủng loại cây trồng, đồng bộ về chất lượng, có khả năng cung cấp nhiều loại nông sản khác nhau cho thị trường.
Theo đó, sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai (mới) có 143.000 ha quế; 16.046 ha chè; 23.831 ha cây ăn quả, trong đó 5.993 cây ăn quả ôn đới; 8.875 ha cây dược liệu; gần 1.500 ha cây dâu tằm; tổng đàn gia súc chính trên 1,5 triệu con.
![]() |
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở khu vực nông thôn Lào Cai. |
Các vùng nguyên liệu hàng hóa của tỉnh hiện nay cơ bản đã gắn với hệ thống cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gồm 858 HTX (Yên Bái 532 HTX, Lào Cai 326 HTX), 188 doanh nghiệp (Yên Bái 126 doanh nghiệp, Lào Cai 62 doanh nghiệp). Việc liên kết không chỉ góp phần gia tăng chuỗi giá trị nông sản, mà còn tạo đà phát triển bền vững cho kinh tế nông thôn.
Nhìn chung, ngành nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế Lào Cai, đóng góp trên 12% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 18.000 lao động ở khu vực nông thôn và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản hàng năm đạt 10.000 tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh Yên Bái (cũ) đã đạt nhiều thành tựu trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” thuần túy sang “kinh tế nông nghiệp” toàn diện.
Theo số liệu thống kê trước 1/7/2025, tỉnh Yên Bái (cũ) đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong công cuộc giảm nghèo giai đoạn 2021-2024, với tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, vượt xa chỉ tiêu do Trung ương giao.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái đã giảm mạnh từ 18,07% năm 2021 xuống chỉ còn 5,68% vào cuối năm 2024. Mức giảm này tương đương 12,39%, trung bình mỗi năm giảm 4,13%. So với mục tiêu giảm 3,3% mỗi năm của tỉnh và 3% mỗi năm của Trung ương, Yên Bái đã có bước tiến vượt bậc.
Đặc biệt, tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, nơi có tỷ lệ nghèo đói cao, tình hình cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân của hai huyện này đã giảm từ 59,09% (cuối năm 2021) xuống còn 33,4% (cuối năm 2024), tương ứng mức giảm bình quân 8,56% mỗi năm. Trong đó, huyện Trạm Tấu giảm trung bình 6,89%/năm và huyện Mù Cang Chải giảm trung bình 9,45%/năm.
Mô hình giảm nghèo tiêu biểu
Để có được những kết quả giảm nghèo ấn tượng, thời gian qua, tỉnh Yên Bái (cũ) đã xây dựng, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung chuyên canh, như: Gỗ rừng trồng, quế, sơn tra, măng tre Bát độ, chè, cây ăn quả, cây dâu tằm... Các hình thức tổ chức sản xuất không ngừng được đổi mới theo hướng liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX và liên doanh liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình như mô hình trồng tre măng Bát Độ tại huyện Trấn Yên (cũ). Cây trồng này rất phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nhân dân và được huyện xác định là cây trồng xoá đói, giảm nghèo cho bà con tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hàng năm cây trồng này cho sản lượng măng thương phẩm đạt trên 30.000 tấn, với giá thu mua trung bình từ 5.000 đồng – 6.000 đồng/kg, mỗi héc ta măng Bát Độ người dân có thu nhập hơn 50 triệu đồng, đối với diện tích thâm canh cao có thể đạt từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Cây măng tre Bát Độ đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng nghìn người dân ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với việc hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tre măng Bát độ đang trở thành cây trồng chủ lực, không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân.
Từ hiệu quả của việc liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả tích cực, cải thiện đáng kể thu nhập của nông dân và góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tạo mô hình liên kết trong phát triển tre măng, chính quyền các xã đã vận động thành lập HTX, tạo “cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, tiêu thụ nông sản. Măng của bà con trồng, thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.
![]() |
Măng của bà con trồng, thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó nhờ cầu nối HTX. |
Ông Phạm Ngọc Lâm, Giám đốc HTX măng tre Bát Độ Hưng Khánh cho biết, măng được người dân thu hoạch, sơ chế ban đầu đến đâu, HTX thu mua phân loại, rửa sạch đến đó. Người dân nhận tiền ngay sau khi bán măng nên càng tin tưởng, yên tâm mở rộng quy mô trồng măng. Sở dĩ làm được điều này là vì HTX đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thu mua.
Được biết, HTX măng tre Bát độ Hưng Khánh đã liên kết với doanh nghiệp đứng ra trực tiếp thu mua sản phẩm măng cho nhân dân đảm bảo ổn định về giá, kịp thời vụ. Các hộ dân trồng măng, thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng nên doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất đảm bảo bao tiêu được cả vùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ ngược lại một phần phân bón, giống, tập huấn kỹ thuật sơ chế ban đầu cho nông dân. Chính sự liên kết này đã giúp người dân ổn định sản xuất, HTX có lợi nhuận và doanh nghiệp sản xuất được những sản phẩm chất lượng phục vụ cho xuất khẩu.
Phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững
Theo ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc hợp nhất 2 tỉnh là cơ hội lớn, điều kiện để kiến tạo, phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Tỉnh Lào Cai phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp giai đoạn 2026 – 2030 đạt trên 5%/năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2030 đạt trên 25.000 tỷ đồng (giá so sánh 2010), đạt 60.000 tỷ đồng (giá hiện hành).
Để đạt được mục tiêu trên, cần quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chất lượng cao và bền vững; khai thác tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và đặc sản địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu, với những mặt hàng chuối, dứa, gỗ sau chế biến, dược liệu,… theo hình thức chính ngạch.
Cùng với đó, hướng dẫn, tổ chức cho nông dân chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang liên kết qua HTX, doanh nghiệp, áp dụng số hóa, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, đầu tư vào chế biến sâu và xuất khẩu; xây dựng, triển khai các mô hình canh tác hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển chăn nuôi và trồng trọt gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và chủ động tham gia thị trường tín chỉ các-bon.
Ngoài ra, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh mở rộng cũng như thành lập mới nhiều mô hình HTX hiệu quả, giúp nâng cao hơn nữa đời sống người dân, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngọc Giang