Trên địa bàn xã Mà Cooih (cũ) có 150 hộ dân là đồng bào Cơ Tu tham gia trồng ớt A Riêu, sản lượng khoảng 10 tấn mỗi năm. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ dân Cơ Tu ở đây có thu nhập 20-50 triệu tùy diện tích trồng và năng suất.
Cùng HTX phát triển chuỗi liên kết trồng ớt
Để cải thiện sinh kế, chính quyền địa phương đã hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số hàng chục nghìn cây giống ớt A Riêu, khuyến khích tham gia vào chuỗi liên kết cùng HTX, hỗ trợ kỹ thuật và tìm kiếm đầu ra cho người dân. Chính quyền sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng ớt để có thêm thu nhập và gìn giữ thương hiệu ớt A Riêu của địa phương.
![]() |
HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih chế biến nhiều sản phẩm từ ớt A Riêu và có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số tại địa phương. |
Trong việc phát triển chuỗi liên kết trồng ớt A Riêu cùng HTX phải kể đến vai trò của HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih với nhiều thành viên là đồng bào Cơ Tu.
Ông ALăng Diên, Giám đốc HTX, cho biết ớt A Riêu thích nghi với thổ nhưỡng ở địa phương nên cây phát triển tốt, quả đẹp, có mùi vị đặc trưng của rừng. HTX đang liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người trồng. Đồng thời, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số tại địa phương cây giống và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng.
“Trước đây, cây ớt mọc ở trên rừng, bà con Cơ Tu hái ăn thấy thơm, có mùi cay và hương vị đặc trưng mới đưa về trồng. Chúng tôi ký kết với bà con giúp đầu ra ổn định tăng thêm thu nhập. Hiện nay, người dân nhân rộng diện tích trồng cây ớt A Riêu và phát triển tốt”, ông ALăng Diên nói.
Trong 3 năm trở lại đây, dự án bảo tồn và phát triển giống ớt A Riêu tại địa bàn Mà Cooih (cũ) đã được thực hiện với diện tích 50 ha. Dự án này giúp bảo tồn, nâng cao giá trị xây dựng thương hiệu đặc trưng giống ớt Ariêu, hình thành vùng chuyên canh sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số.
Điển hình như gia đình chị A Lăng Thị Thảo, dân tộc Cơ Tu ở địa bàn Mà Cooih (cũ) đã chuyển đổi hơn 1 sào đất trồng bắp qua trồng ớt A Riêu. Sau 4 tháng ươm trồng và chăm sóc, cây ớt đã cho thu hoạch.
Như chia sẻ của chị Thảo, mỗi năm, chị trồng 2 vụ, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Sản phẩm được HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih bao tiêu với giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg.
Mở hướng làm giàu
“Trước đây, đời sống đồng bào Cơ Tu khó khăn, từ khi tham gia trồng ớt A Riêu thì đời sống được nâng lên. Chính quyền địa phương luôn đồng hành hỗ trợ giống cây trồng, kỹ thuật cho đồng bào dân tộc ở đây, đồng bào Cơ Tu vươn lên, có cuộc sống tốt hơn”, chị Thảo nói.
![]() |
Mô hình chăn nuôi heo cỏ sinh học ở địa bàn Kà Dăng (cũ) đang cho thấy tính hiệu quả giúp cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. |
Hoặc như ông Ating Ben, dân tộc Cơ Tu, trú thôn Cutchơrun ở địa bàn Mà Cooih (cũ) từ 3 năm trước đã chuyển đổi hơn 1.000m2 đất trồng ngô sang trồng hơn 300 cây ớt A Riêu.
Tháng 4 hàng năm, gia đình ông Ben phát rẫy, gieo hạt, chăm sóc khoảng 2-3 tháng là ớt bắt đầu cho thu hoạch. Sau khi trồng, ông chỉ làm cỏ, không bón phân, phun thuốc. Cứ khoảng 15 ngày hái một đợt quả, liên tiếp trong khoảng 6 tháng
Theo ông Ben, ớt thu hoạch bán cho HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih với giá 200.000-250.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Trái vụ có lúc giá ớt lên đến 400.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập cao hơn.
Ông Ben cho biết mỗi cây ớt đạt năng suất từ 300 gram mỗi vụ. Người dân chỉ bán những quả xanh, vì quả chín đỏ khi muối bị đen, ăn không thơm, giòn nên thường được dùng làm giống cho vụ sau.
“Trung bình mỗi năm, tôi thu gần 20 triệu đồng nhờ bán ớt. So với cây ngô, ớt cho thu nhập cao gấp 10 lần, mất ít công chăm sóc hơn”, ông Ben tiết lộ.
Có được chuỗi liên kết trồng ớt A Riêu hiệu quả, giúp mở hướng làm giàu cho bà con dân tộc thiểu số như vậy cũng cần nhắc đến sự định hướng, hỗ trợ cụ thể và thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng (bao gồm Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây) trong việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih phát triển năng lực liên kết và tiêu thụ.
Nhất là thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây và nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động tập huấn cho HTX nhằm đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa. Qua đó góp phần đưa các sản phẩm chế biến từ ớt A Riêu của HTX, của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Đây cũng chính là bước chuyển quan trọng để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên cùng HTX đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở địa phương.
Còn ở địa bàn xã Kà Dăng (cũ), để giúp gia tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua đã triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Thay đổi cuộc sống ngày càng tốt hơn
Sau thời gian thực hiện, mô hình chăn nuôi heo cỏ an toàn sinh học bước đầu đem lại hiệu quả. Đàn heo do đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc ở Kà Dăng (cũ) phát triển tốt, tỷ lệ heo sống đạt hơn 82%. Đàn heo đã sinh sản nhiều lứa với tổng 755 con. Sau mỗi 8 tháng nuôi, các hộ cho xuất chuồng một lần. Đến nay xuất chuồng 466 con heo. Lãi bình quân hơn 1,2 triệu đồng/con.
![]() |
Nhiều bà con dân tộc thiểu số có nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia phát triển làng du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang. |
Để gia tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền địa phương đang khuyến khích bà con chăn nuôi áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, nhất là chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ngoài ra, nhắc đến xã Bến Hiên (mới) sau sáp nhập không thể không nhắc đến làng du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang thuộc địa bàn hai xã cũ là Kà Dăng và Mà Cooih. Đây là địa điểm du lịch sinh thái lớn với hơn 80% lao động làm việc là người Cơ Tu địa phương. Nhiều hoạt động và điểm tham quan hấp dẫn đã giúp tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thay đổi cuộc sống bà con dân tộc thiểu số theo hướng ngày càng tốt hơn.
Không đơn thuần là điểm du lịch sinh thái, nơi đây hội tụ những nét đẹp nguyên sơ, mộc mạc, bản sắc của văn hóa truyền thống độc đáo người Cơ Tu. Ở làng du lịch này còn có không gian để các nghệ nhân là đồng bào Cơ Tu giới thiệu những nghề thủ công truyền thống độc đáo của dân tộc mình gồm nghề dệt, nghề đan mây tre, nghề điêu khắc gỗ và trình diễn múa cồng chiêng.
Chị A Rất Thị Tươi, người dân tộc Cơ Tu ở xã Bến Hiên (mới), nhân viên tại làng du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, đã bày tỏ sự phấn khởi khi có nguồn thu nhập ổn định ngay trên quê hương mình.
“Chúng tôi rất vui khi làng du lịch tạo việc làm cho người dân địa phương, chúng tôi không phải đi làm xa nữa. Một làng du lịch sinh thái lớn thế này được xây dựng trên quê hương, chúng tôi thấy rất tự hào”, chị Tươi bộc bạch.
Nhìn từ hoạt động hiệu quả trong chuỗi liên kết trồng ớt A Riêu của HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih ở địa bàn Mà Cooih (cũ) cho đến mô hình chăn nuôi heo cỏ an toàn sinh học ở địa bàn Kà Dăng (cũ), cùng với đó là sự lột xác ngoạn mục của làng du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, có thể thấy sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều động lực vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc sống tích cực cho bà con dân tộc thiểu số ở xã Bến Hiên (mới) sau sáp nhập trong thời gian tới.
Thanh Loan