Với đặc thù địa hình miền núi, có nhiều cây cỏ phát triển, từ bao đời nay, huyện Hương Sơn (cũ) được biết đến là “thủ phủ” của nghề nuôi hươu lấy nhung. Từ những năm 1990 đến nay, hươu trở thành vật nuôi chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế.
Vật nuôi chủ lực
Ông Võ Văn Tuấn, một hộ nuôi hươu cho biết, những năm gần đây, thị trường hươu giống và sản phẩm từ nhung hươu trở nên nhộn nhịp. Người dân chỉ cần nuôi mà không lo đầu ra.
"Giá nhung hươu hiện tại đang được bán từ 12-14 triệu đồng/kg. Thông thường trọng lượng bình quân của mỗi cặp nhung chỉ từ 0,3 - 1kg. Tuy nhiên nhờ chăm sóc tốt, mấy năm gần đây có những cặp nhung nặng trên 4kg", ông Tuấn cho hay.
![]() |
Hươu trở thành vật nuôi chủ lực, giúp người dân Hà Tĩnh phát triển kinh tế. |
Theo các hộ dân ở đây, nuôi hươu không phải đầu tư nhiều về chuồng trại, cách chăm sóc dễ dàng. Nhờ nuôi hươu mà nhiều gia đình có cuộc sống khá giả hơn so với trước.
“Không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ dân trên địa bàn có thu nhập rất khá từ nghề nuôi hươu lấy nhung này", chị Hoàng Thị Thanh nói.
Đại diện huyện Hương Sơn (cũ) từng cho biết, nuôi hươu sao lấy nhung được xem là nghề phát triển kinh tế chủ lực của người dân miền núi Hương Sơn, giúp bà con có nguồn thu nhập tốt, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, từ năm 2019, khi các sản phẩm chế biến từ nhung hươu được công nhận sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị của nhung hươu Hương Sơn, giúp đặc sản địa phương vươn tầm, rộng khắp thị trường, được người tiêu dùng cả nước đón nhận.
Được biết, trước đây, người dân chỉ có sản phẩm duy nhất là nhung hươu tươi khiến doanh thu bấp bênh, thị trường bó hẹp do phụ thuộc vào mùa vụ và không có phương thức bảo quản.
Tuy nhiên, thông qua chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP của tỉnh, và sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, những năm gần đây, các hộ dân ở Hương Sơn đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác, HTX để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu.
Ứng dụng công nghệ vào nuôi hươu
Từ hiệu quả của mô hình nuôi hươu của huyện Hương Sơn (cũ), đến nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn triển khai mô hình này. Trong đó, mô hình chăn nuôi hươu của HTX Sản xuất, thương mại dịch vụ, du lịch Xuyên Sơn (thôn Hòa Sơn, xã Cẩm Hưng) là một điển hình cho sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Qua thời gian học hỏi kinh nghiệm, tháng 4/2025, HTX Xuyên Sơn ở đã mạnh dạn đầu tư gần 5 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi hươu hiện đại và thả nuôi thử nghiệm hơn 50 con. Trên diện tích hơn 2.000m², mô hình không chỉ mang lại nhiều triển vọng về nhuận mà còn khẳng định tiềm năng kinh tế vượt trội.
Hiện tại, trại hươu của HTX Xuyên Sơn đã thả nuôi gần 100 con. Trong đó, có 10 con đã cho lộc.
Anh Cao Văn Việt, đại diện HTX phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi đã dồn nhiều tâm huyết và công sức vào mô hình này. Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên đến nay đã có 10 con cho nhung. Điều đáng mừng là chất lượng nhung rất tốt, trung bình mỗi cặp đạt hơn 1,4 kg".
Để đạt được năng suất và chất lượng nhung hươu như vậy, HTX Xuyên Sơn đã áp dụng quy trình chăm sóc khoa học và bài bản, được giám sát chặt chẽ.
Các khẩu phần ăn của hươu được cân đối hài hoà, đảm bảo sự sinh trưởng của đàn hươu. Nhờ đó, đàn hươu của HTX luôn phát triển khoẻ mạnh.
Môi trường sống của hươu cũng là yếu tố được HTX Xuyên Sơn đặc biệt quan tâm. Theo đó, trại hươu được thiết kế thông thoáng, sạch sẽ với hệ thống che chắn nắng mưa và các khu vực riêng biệt cho từng nhóm hươu như: hươu đực, hươu cái và hươu con.
Bên cạnh đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác phòng bệnh luôn là ưu tiên hàng đầu tại trại hươu của HTX Xuyên Sơn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của đàn hươu và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh.
![]() |
HTX Xuyên Sơn ở đã mạnh dạn đầu tư gần 5 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi hươu hiện đại và thả nuôi thử nghiệm hơn 50 con. |
Những nỗ lực trong chăm sóc và phòng bệnh đã mang lại những kết quả tích cực cho HTX Xuyên Sơn.
"Chỉ tính riêng từ lộc nhung của 10 con hươu đã cho sản phẩm, chúng tôi đã có thu nhập hơn 130 triệu đồng. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và là động lực để HTX tiếp tục phát triển", anh Việt chia sẻ.
Được biết, thời gian tới, HTX Xuyên Sơn tiếp tục phát triển đàn lên 140 con. Anh Việt cho biết: "Chúng tôi không chỉ hướng đến việc cung cấp nhung hươu chất lượng cao ra thị trường mà còn mong muốn phát triển mô hình này thành một điểm du lịch sinh thái, đồng thời cung cấp hươu giống cho các trang trại khác trong vùng. Mục tiêu cuối cùng là trở thành một trong những trung tâm chăn nuôi hươu lớn và uy tín tại Hà Tĩnh, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế bền vững cho bà con địa phương".
Góp phần phát triển kinh tế địa phương
Mô hình chăn nuôi hươu của HTX Xuyên Sơn là một điển hình cho sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hứa hẹn sẽ là một hướng đi mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi đặc sản tại xã Cẩm Hưng.
Ứng dụng công nghệ cao vào nuôi hươu sao là động vật hoang dã, là bước đột phá trong nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm hươu và mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho người dân, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng, mô hình chăn nuôi hươu của HTX Xuyên Sơn hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của xã, đặc biệt trong việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
“Chúng tôi tin tưởng, với sự đầu tư bài bản, quy trình chăm sóc chuyên nghiệp và định hướng phát triển trong tương lai, mô hình sẽ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho HTX mà còn góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho địa phương”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ban lãnh đạo tỉnh cho biết, mô hình nuôi hươu tại các địa phương ở Hà Tĩnh được đã mang lại hiệu quả cao, không chỉ tạo sinh kế giúp bà con vươn lên thoát nghèo, mà còn mở ra hướng làm giàu.
Theo thống kê, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm đáng kể.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Tĩnh giảm xuống còn 2,40% (9.236 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 3,04% (11.736 hộ). So với năm 2023, Hà Tĩnh đã giảm được 3.547 hộ nghèo và cận nghèo.
Thời gian tới, tỉnh cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc phát triển, nhân rộng mô hình nuôi hươu. Bên cạnh đó, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh thành lập thêm nhiều HTX để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu.
Giang Nguyễn