Các xã Tủa Chùa, Sín Chải, Sính Phình, Tủa Thàng, Xá Nhè đã tận dụng tối đa các chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế, làm thay đổi cuộc sống người dân. Các mô hình kinh tế cho thu nhập cao ngày càng nhiều trên vùng đất nổi tiếng với đá này.
Thành viên HTX 'sống khỏe' từ nguồn vốn
Những năm qua, nhiều thành viên của các HTX trên địa bàn 5 xã của huyện Tủa Chùa (cũ) đã được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đưa nguồn vốn vào đầu tư, mở rộng sản xuất tạo ra sản phẩm và tăng thu nhập.
Gia đình ông Thào A Nhè, thôn Pô Ca Dao, xã Sính Phình là một trong những thành viên của HTX H’Mông, xã Sính Phình, được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Thông qua nguồn vốn vay, gia đình ông đã tập trung phát triển kinh tế như chăn nuôi trâu, bò, trồng khoai môn….
![]() |
Vốn tín dụng chính sách đã thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững. |
Ông Thào A Nhè cho biết, khoai môn rất hợp với chất đất và khí hậu ở đây, so với các loại cây trồng khác, khoai môn đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Trồng sắn 1 ha bán được khoảng hơn 20 triệu đồng, nếu trồng khoai môn thì 1 tấn là 15 triệu đồng, 1 ha trồng được khoảng 7 - 8 tấn.
“Trước đây, khoai môn chỉ được bà con trồng phụ quanh nương đồi để cải thiện bữa ăn và chăn nuôi. Tuy nhiên, do hiệu quả và chất lượng, nhu cầu của thị trường ngày càng cao nên được mở rộng diện tích và dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân trong thôn”, ông Thào A Nhè cho hay.
Anh Thào A Làng, Phó Giám đốc HTX H’Mông chia sẻ: Ngay từ khâu chọn giống, phân loại, HTX đã phối hợp hướng dẫn tới các thành viên và hộ dân kỹ thuật làm đất, bón phân, chăm sóc… Nên cây phát triển rất tốt. Việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi. Việc tập trung phát triển khoai môn trên nương của HTX H’Mông được thúc đẩy từ 2023 tới nay. HTX liên kết đảm bảo đầu ra, bao tiêu sản phẩm, đồng thời sản lượng khoai môn gấp nhiều lần so với ngô, lúa nương, giá trị kinh tế cao, dao động từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/kg nên dần được các hộ dân học hỏi, làm theo.
Điểm tựa cho người dân vùng cao
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào trên địa bàn 5 xã của huyện Tủa Chùa (cũ) từng bước đổi thay cuộc sống. Họ không còn trông chờ, ỷ lại mà đã tự vươn lên, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa từ nguồn vốn tín dụng.
Gia đình anh Vừ A Màng, ở bản Trung Thu, xã Sính Phình là một điển hình, được xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có vốn đầu tư, anh Màng tiếp tục đầu tư và chăn nuôi trâu bò, buôn bán kinh doanh các mặt hàng nông sản, hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đến nay, sau nhiều năm phát triển kinh tế, gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành một hộ khá của bản.
Còn gia đình anh Thào A Chủ, bản Tả Huổi Tráng 1, xã Tủa Thàng lại mạnh dạn vay vốn để nhân rộng đàn dê của gia đình. Hiện tại, anh Chủ nuôi hơn 40 con dê gồm dê thịt, dê giống và dê sinh sản. Thời điểm cao nhất, gia đình anh nuôi hơn 70 con, theo tính toán của anh Chủ, nuôi dê có lãi hơn một số vật nuôi khác, nhanh thu hồi vốn, thị trường tiêu thụ rộng.
![]() |
Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn. |
Mỗi năm, chỉ riêng việc bán dê, trừ hết tất cả chi phí, gia đình anh thu về hơn 60 triệu đồng. Anh Chủ chia sẻ: "Gia đình cũng chỉ làm nghề nông, ngoài thóc và ngô, tôi nuôi thêm trâu, bò, dê để phát triển kinh tế gia đình. Giá dê hiện tại được giá hơn giá trâu và bò. Vừa rồi, tôi bán dê đực 100.000 đồng/kg, còn dê cái 80.000 đồng/kg".
Những chuyển biến rõ nét trong thực hiện chính sách
Ông Lê Hoài Nam, Bí thư xã Tủa Chùa chia sẻ, 5 xã của huyện Tủa Chùa (cũ) đã tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Bên cạnh đó, các xã cũng ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho trên 4.000 lượt hội viên nông dân vay vốn, với tổng dư nợ hơn 100 tỷ đồng. Nhiều nông dân đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả và vươn lên thoát nghèo.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 29,5% giảm 5,7% so với năm 2023. Để đạt được kết quả như trên nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đóng góp thực hiện các cơ chế chính sách tạo việc làm mới, tạo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống đối với lao động nông thôn đặc biệt là lao động là người dân tộc thiểu số.
Năm 2024, doanh số cho vay của ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn 5 xã của huyện Tủa Chùa (cũ) đạt trên 148 tỷ đồng với hơn 2.000 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến cuối tháng 12 năm 2024 đạt trên 501 tỷ đồng, với 8.360 hộ gia đình được vay.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến được với 100% thôn, bản trên địa bàn, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng năm 2024 đã giúp cho 1.031 hộ thoát ngưỡng nghèo, tạo điều kiện cho trên 900 hộ gia đình có vốn để xây dựng, sửa chữa nhà để ở và công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hàng nghìn hộ dân có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình giảm nghèo bền vững
Ngoài chương trình hỗ trợ vốn tín dụng chính sách thì nguồn vốn hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cũng rất thiết thực. Năm 2023 – 2024, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng phối hợp, tư vấn cho các HTX vay hơn 5 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu mỗi năm duy trì việc giúp đỡ từ 1-2 mô hình, đặc biệt là đẩy mạnh giúp các HTX tiếp cận với các nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các HTX để xây dựng nhãn mác cho thương hiệu sản phẩm đạt điều kiện và quảng bá các sản phẩm của HTX trong toàn tỉnh”, đại diện Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho hay.
Hoàng Hằng