Gắn kết nông nghiệp với du lịch không chỉ tạo sinh kế cho người dân, mà còn là hướng đi chiến lược để các địa phương trong tỉnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – nơi nông thôn “thay da đổi thịt” từ chính những giá trị truyền thống được làm mới bằng tư duy hiện đại.
Từ ruộng sen đến sản phẩm OCOP
Xã Kim Liên (mới) là điểm sáng trong việc chuyển đổi nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở Nghệ An. Trên diện tích hơn 30 ha trồng sen, người dân trong xã đã khéo léo “làm du lịch từ sen” – một loại cây từng được trồng để tận dụng đất lúa kém hiệu quả.
![]() |
Nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch đang mang lại hiệu quả cao cho nông dân, HTX. |
Nhờ những chiến lược phát triển sản xuất bài bản của các HTX, hộ nông dân, những đầm sen ở xóm Làng Sen 1, Làng Sen 2, Hoàng Trù, Liên Mậu… không chỉ nở rộ vào mùa hè, thu hút hàng ngàn lượt khách check-in mỗi mùa mà còn tạo ra hàng loạt sản phẩm OCOP giá trị trên địa bàn xã.
Đơn cử, HTX Sen Quê Bác do anh Phạm Kim Tiến làm Giám đốc là một điển hình trong xu hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch. Từ các giống sen quý như sen hồng, sen ngàn cánh, sen Quan Âm…, HTX đã chế biến ra hơn 10 dòng sản phẩm như bột củ sen, trà sen ướp gạo truyền thống, rượu sen… đáp ứng cả thị trường bình dân lẫn cao cấp.
Không dừng lại ở đó, HTX còn tổ chức cho du khách trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sen – góp phần nâng cao nhận thức về nông nghiệp sạch, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh những đầm sen thơm ngát, xã Nghi Liên (nay là xã Vinh Hưng) và Nghi Ân (nay là xã Vinh Phú) là hai trong số những địa phương tiêu biểu đi đầu trong phát triển làng nghề sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp đô thị.
"Thắp sáng" kinh tế nông thôn
Nghi Liên trước khi thực hiện sắp xếp địa giới hành chính nổi bật với làng hoa cây cảnh Trung Liên – nơi quanh năm xanh tươi, bốn mùa hoa nở. Nông dân trên địa bàn xã không chỉ trồng hoa Tết mà còn đa canh các loại rau củ hữu cơ như dưa lưới, bí, mướp hương, kết hợp chăm sóc bonsai, cây thế.
Tương tự, Nghi Ân đang hình thành những “phố hoa ven đô” với các dãy vườn cúc, vườn đào trải dài hai bên Quốc lộ 46. Du khách có thể ghé qua, mua sản phẩm đặc sản như ngô nếp, dưa lưới, rau an toàn… và trải nghiệm không gian làng quê yên bình chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số.
Việc phát triển các nhà màng, nhà lưới trồng rau thủy canh ở đây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn đóng góp quan trọng trong tiêu chí môi trường – cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Không chỉ ở đồng bằng, các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái đang lan rộng ở miền núi Nghệ An – nơi từng được xem là “vùng trũng” phát triển kinh tế. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, các homestay, farmstay đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách ưa trải nghiệm.
![]() |
Thành công từ nông nghiệp gắn với du lịch là điểm tựa cho nông thôn mới ở Nghệ An. |
Mô hình farmstay ở xã Nam Giang (nay thuộc xã Kim Liên), Nam Anh (nay thuộc xã Đại Huệ) là ví dụ điển hình, nơi người dân vừa trồng rau, nuôi gà, vừa phục vụ ăn nghỉ, hướng dẫn du khách thu hoạch và chế biến nông sản.
Bên cạnh đó, các tour du thuyền trên sông Phà Lài kết hợp tham quan thác Khe Kèm và vườn cam sinh thái đã hình thành chuỗi du lịch nông nghiệp cộng đồng đặc sắc, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương vùng cao của tỉnh Nghệ An.
Mở đường cho nông thôn mới
Đáng chú ý, các HTX ở miền núi như HTX Dệt thổ cẩm Quế Phong, HTX cam Con Cuông… được hỗ trợ từ chương trình phát triển du lịch nông thôn đã biết cách liên kết người dân, tổ chức dịch vụ lưu trú, ẩm thực, giới thiệu sản vật địa phương. Đây là hướng đi bền vững, tạo sinh kế tại chỗ, gìn giữ văn hóa bản địa và từng bước thoát nghèo bền vững.
Những năm qua, các HTX đang thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình gắn kết nông nghiệp với du lịch sinh thái ở Nghệ An. Với lợi thế tổ chức sản xuất quy mô, liên kết thị trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều HTX đã chủ động mở rộng mô hình sản xuất xanh – sạch – đẹp để phục vụ cả sản xuất nông nghiệp và du lịch trải nghiệm.
Chẳng hạn, HTX Sen Quê Bác không chỉ trồng sen mà còn đầu tư xây dựng khu tham quan, showroom sản phẩm OCOP; HTX hoa cây cảnh Trung Liên tổ chức các tour trải nghiệm cắm hoa, chăm sóc bonsai; HTX dệt thổ cẩm bản Cọ Muồng kết hợp với các nhóm phụ nữ dân tộc Thái làm du lịch cộng đồng…
Theo Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, từ năm 2023 đến nay, có ít nhất 12 mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện (trước đây) như Nam Đàn, Yên Thành, Anh Sơn, Con Cuông, Quế Phong… được hỗ trợ vốn từ chương trình kích cầu. Các HTX và tổ hợp tác tham gia đã đối ứng vốn, mở rộng quy mô, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.
Đặc biệt, các lớp tập huấn do Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Nghệ An tổ chức với nội dung về du lịch nông thôn, quản trị điểm đến, phát triển sản phẩm… đã giúp các HTX chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh doanh du lịch nông nghiệp, từng bước chuyên nghiệp hóa các mô hình farmstay, homestay, du lịch cộng đồng.
Việc kết hợp nông nghiệp với du lịch không chỉ làm tăng giá trị nông sản, mà còn mở ra sinh kế mới ở nhiều vùng quê. Từ việc trồng sen ở Nam Đàn, làm hoa ở Nghi Ân, trồng rau ở Con Cuông, làm thổ cẩm ở Quỳ Châu…, người dân đang từng bước chuyển mình, đưa văn hóa và nông sản của quê hương đến gần hơn với du khách.
Nghệ An đang đi đúng hướng khi tích cực triển khai chương trình hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng, kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó HTX là lực lượng then chốt. Không chỉ tổ chức sản xuất mà còn là chủ thể văn hóa, HTX đang là nơi giữ gìn bản sắc và dẫn dắt cộng đồng phát triển bền vững.
Khi mỗi cánh đồng hoa, mỗi ruộng sen, mỗi nếp nhà sàn được gìn giữ và phát huy đúng cách, nông thôn Nghệ An không chỉ đẹp hơn trong mắt du khách, mà còn trở nên đáng sống hơn với người dân.
Sự kết nối giữa HTX, người dân, chính quyền và sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đang thắp lên khát vọng về một nông thôn mới không chỉ đủ ăn mà còn đủ đầy – một vùng quê từng ngày đổi mới.
An Chi