Trên địa bàn xã Quảng Nhâm (cũ) thuộc xã A Lưới 2 (mới) có HTX sản xuất kinh doanh nấm ổi hữu cơ Hồng Lý là minh chứng cho việc tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Nhiều hộ dân tham gia vào HTX đã phát triển nghề trồng nấm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tạo thu nhập từ HTX trồng nấm
Đơn cử như bà Đặng Thị Hồng, dân tộc Ba Na, giám đốc HTX, đang có khoảng 700m2 trồng nấm hữu cơ trong nhà, với hơn 20.000 túi nấm sò, khoảng 15.000 phôi nấm các loại. Mỗi tháng gia đình bà đưa ra thị trường khoảng 200 - 300kg nấm các loại, lãi gần 20 triệu đồng. Nhiều lao động nữ là dân tộc thiểu số tại địa phương tham gia sản xuất nấm cùng gia đình bà Hồng cũng có nguồn thu khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
HTX sản xuất kinh doanh nấm ổi hữu cơ Hồng Lý đầu tư máy chiên chân không để tạo ra sản phẩm sấy khô phục vụ thị trường. |
Cùng với HTX, bà Hồng đã vận động được 15 hộ dân ở địa phương cùng tham gia sản xuất và kinh doanh nấm hữu cơ, đồng thời phát triển thêm các loại nấm và trái cây, rau củ quả sấy khô đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Hồng cho biết, điều kiện thời tiết ở Quảng Nhâm rất phù hợp với nấm dạng dịch thể. Do đó, thời gian tới gia đình bà sẽ tiếp tục mở rộng trồng thêm nấm sò dạng dịch thể. Chất thải từ trồng nấm sò sẽ được tận dụng để làm phân hữu cơ cho hơn 700 gốc ổi và chuối.
Quá trình trồng và chăm sóc các loại nấm, gia đình bà Hồng không sử dụng các loại hóa chất mà chủ yếu sử dụng nhiệt để tiệt trùng các túi nấm. Nấm trồng được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, giám sát chặt chẽ vật tư đầu vào nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.
Điều quan trọng trong mô hình sản xuất nấm hữu cơ trong nhà của các thành viên HTX là sản xuất kinh doanh nấm ổi hữu cơ Hồng Lý là tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương và tận dụng được thời gian nhàn rỗi.
Ngoài ra, HTX này còn cung cấp cho thị trường các loại nấm sạch như như nấm sò xám, nấm rơm, nấm mèo và các loại trái cây như ổi, mít, chuối. HTX cũng sẽ phát triển thêm nấm linh chi, nấm lim xanh nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương có việc làm ổn định, thu nhập khá.
Còn ở địa bàn xã A Ngo (cũ) có HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện đã tạo sinh kế cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương lúc nông nhàn.
Giúp bà con thay đổi đời sống
Nhờ vào sự năng động của HTX này mà rất nhiều phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở vùng đất A Ngo đã có thu nhập ổn định. Mỗi mùa, HTX thu mua trên dưới 5 tấn đót tươi làm chổi cung ứng cho đại lý và khách hàng. Bình quân mỗi tháng, HTX Hoàng Thiện làm được khoảng 1.000 cái chổi, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động (trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số).
![]() |
HTX sản xuất chổi đót và gia công mỹ nghệ Hoàng Thiện đã tạo công ăn việc làm cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất A Lưới 2 với nghề làm chổi đót. |
Bà Kăn Hôn, một phụ nữ dân tộc thiểu số ở A Ngo, là người thường xuyên đến HTX nhận nguyên liệu đót về gia công, nói rằng đây là công việc chính dù nay đã hơn 70 tuổi. Mùa cao điểm, mỗi ngày bà kiếm được hơn 100 ngàn đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của một người cao tuổi như bà.
Thời gian qua HTX Hoàng Thiện đã xây dựng được nhiều “đầu mối” thu mua đót để tích trữ sau khi hết mùa khai thác đót, liên tục đầu tư xây dựng sân bãi để phơi đót, nhà xưởng, kho chứa đót. Nhất là HTX tìm mua những loại cán chổi tốt bằng loại tre Ale của đồng bào Tà Ôi, Pa Kô, qua đó giúp tạo thêm thu nhập cho họ.
Không chỉ tổ chức sản xuất, tạo công ăn việc làm, HTX còn truyền dạy nghề truyền thống là làm chổi đót cho nhiều người. Nhất là tham gia đào tạo nghề cho hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nhâm, Hồng Bắc, giúp họ tận dụng nguyên liệu phong phú vùng rừng núi, thêm nguồn thu nhập phụ giúp gia đình.
Bên cạnh đó, nhắc đến A Ngo (cũ) không thể không nhắc đến HTX Nông sản an toàn A Lưới ở thôn Pâr Nghi đã mở ra con đường thoát nghèo, làm thay đổi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
HTX này đang có mô hình trồng nông sản sạch cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở A Ngo (cũ) và một số vùng lân cận với diện tích gần 400ha trồng chuối, trong đó có 116ha trồng chuối già lùn. Nguồn thu nhập từ chuối, nhất là chuối già lùn từng bước giúp cho bà con dân tộc thiểu số tăng thêm thu nhập, không còn cảnh đói nghèo.
HTX hiện có trên 50 thành viên cùng tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn. Để đảm bảo nguồn cung ổn định và giữ thị trường, các sản phẩm của thành viên đều được HTX bao tiêu và bình ổn giá.
HTX Nông sản an toàn A Lưới được ghi nhận là nổi tiếng “mát tay” khi tạo ra việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở A Ngo (cũ). Trong những lúc khó khăn nhất, giá cả thị trường nông sản không ổn định, nhưng HTX luôn dành ưu tiên để bao tiêu sản phẩm cho các phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương, với quan điểm rằng “người ta cần giúp lúc khó khăn nhất”.
Hình thành chuỗi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao
Không chỉ vậy, vị nữ giám đốc của HTX Nông sản an toàn A Lưới là chị Hồ Thị Nga, người dân tộc Tà Ôi, đã luôn năng động và nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng nông sản của địa phương mình. Hàng năm, chị chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm số lượng khá lớn với các trường mầm non bán trú, các nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn Tp. Huế. Qua đó giúp mang lại doanh thu cho HTX từ 850 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm.
![]() |
Với khí thế mới từ xã A Lưới 2 sau sáp nhập, điều kỳ vọng là hình thành chuỗi sản xuất cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. |
Các chị em phụ nữ người Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cờ Ho ở địa phương rất nể phục vị nữ giám đốc HTX này khi mà các sản phẩm của họ được HTX bao tiêu ổn định, thu nhập nhờ đó mà tăng lên, đời sống của người dân ngày càng khá hơn, vùng đất này đổi thay theo chiều hướng tích cực.
Riêng tại địa bàn xã Hồng Bắc (cũ), trong hoạt động phát triển kinh tế hợp tác có thể kể đến HTX nông nghiệp và dược liệu Hồng Bắc được thành lập và tham gia sản xuất, tiêu thụ dược liệu, hình thành các chuỗi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ở địa phương.
HTX này đã giúp cho bà con dân tộc thiểu số tại địa phương cải thiện sinh kế từ việc tham gia mô hình trồng cây dược liệu như trồng sâm Bố chính, cà gai leo, gấc lai đen. Thông qua việc liên kết sản xuất và tiêu thụ với HTX, bà con nơi đây đã làm quen với việc trồng, chăm sóc cây sâm đúng kỹ thuật để tăng sản lượng và chất lượng, có đầu ra ổn định và giá cả hợp lý, nhờ đó thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Trong việc phát triển kinh tế hợp tác đầy nỗ lực dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở ba địa bàn Quảng Nhâm, A Ngo, Hồng Bắc thuộc huyện A Lưới trước đây (nay thuộc về xã A Lưới 2 sau sáp nhập), cũng cần ghi nhận sự quan tâm và vai trò hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX Tp.HCM và các cấp chính quyền. Đặc biệt là tổ chức các chương trình tập huấn cho bà con dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm khi tham gia liên kết cùng HTX để tăng thêm thu nhập.
Mặt khác, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Huế còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các HTX ở vùng đất A Lưới 2 tham gia vào các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương để các sản vật bản địa hay sản phẩm nghề truyền thống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây được các đối tác doanh nghiệp, người tiêu dùng biết đến. Từ đó giúp đầu ra sản phẩm được khơi thông, công ăn việc làm của bà con thêm ổn định, không còn cảnh long đong như trước kia.
Thanh Loan