Bằng sự quyết tâm, nỗ lực của mình, chị Phan Thị Lý đã từng bước gây dựng sự nghiệp, trở thành người quản lý 2 HTX.
Người phụ nữ làm chủ 2 HTX
Chị Lý là con thứ 5 trong gia đình ngư dân có 6 người con. Vì hoàn cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2004, chị đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Năm 2012, chị về quê lập gia đình và khởi nghiệp bằng xưởng cơ khí. Năm 2014, chị đã vận động một số hộ gia đình thành lập HTX về môi trường.
Tháng 10/2014, HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát do chị Phan Thị Lý làm Giám đốc chính thức ra mắt với sự tham gia của 7 thành viên, số vốn đầu tư khoảng 800 triệu đồng. Ban đầu, HTX có chức năng tổ chức thu gom, xử lý rác (chôn lấp). Tuy nhiên, sau hơn 1 năm HTX đi vào hoạt động, chị Lý vẫn luôn trăn trở bởi thực tế, việc xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp về lâu về dài sẽ ảnh hưởng môi trường. Vì vậy, chị đã có những chuyến đi tìm hiểu các công nghệ xử lý rác hiện đại bằng công nghệ lò đốt Loshiho - một công nghệ xử lý rác thải nhanh trong vòng 24 giờ, đảm bảo các quy chuẩn về môi trường.
Thấy đây là phương pháp mang lại nhiều lợi ích trong bảo vệ môi trường, chị Lý đề xuất chủ trương ứng dụng công nghệ này tại cơ sở của mình và được các cấp ngành chấp thuận. Năm 2016, chị cùng các thành viên HTX mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua sắm thêm trang thiết bị, mở rộng công suất xử lý rác. Đây cũng là HTX môi trường đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng công nghệ này.
![]() |
Chị Phan Thị Lý (thứ hai từ phải sang) đã từng bước gây dựng sự nghiệp, trở thành người quản lý 2 HTX. |
Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực môi trường, chị Phan Thị Lý còn được biết đến là giám đốc của HTX Thiên Phú nổi tiếng về sản xuất nước mắm truyền thống và các sản phẩm hải sản. Với chị, việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh bắt nguồn từ mong muốn phát huy tiềm năng, lợi thế, chắp cánh cho những sản phẩm chủ lực của quê hương vươn tầm.
Năm 2015, HTX Thiên Phú ra đời với 8 thành viên. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm hoạt động, ngay khi mẻ sản phẩm đầu tiên sắp xuất bán thì gặp khó khăn bởi sự cố môi trường biển, hàng nghìn lít nước mắm không thể xuất ra thị trường. Không chùn bước, chị Lý động viên các thành viên cố gắng chờ đợi cơ hội.
Năm 2018, HTX hoạt động trở lại. Với sự nỗ lực của các thành viên, sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm Lạch Kèn. Năm 2019, sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của Hà Tĩnh.
Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm HTX Thiên Phú sản xuất ra thị trường 25.000 lít nước mắm; chế biến xuất bán ra thị trường hàng chục tấn hải sản các loại như: cá, mực khô, ruốc… mang về tổng doanh thu trung bình đạt 3,5 tỷ/năm.
Xây dựng và quản lý thành công 2 HTX, chị Phan Thị Lý không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế chung của địa phương mà còn giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Chị Tô Thị Hà, thành viên HTX Thiên Phú và HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát cho biết: "10 năm trước, sau khi đi xuất khẩu lao động về, vợ chồng tôi cũng bối rối vì chưa định hướng được con đường tương lai. Có chút vốn nhưng nếu không có công việc ổn định thì cũng không ổn. Từ khi tham gia HTX, vợ chồng tôi không chỉ có việc làm ổn định mà còn phát huy được nguồn vốn tích lũy, nâng cao chất lượng cuộc sống".
Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương
Cùng với HTX Thiên Phú, thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế tập thể khác do phụ nữ tham gia quản lý trên toàn tỉnh cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Tiêu biểu như Tổ hội nghề thêu ở khu tái định cư Đông Yên đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 chị em địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà sạch với 10 thành viên phụ nữ tham gia, xuất bán ra thị trường trung bình 10 tấn gà thịt/năm, đạt doanh thu khoảng 900 triệu đồng; THT sản xuất gạo hữu cơ thôn Vân Cửu với sự tham gia của 40 thành viên, canh tác trên diện tích 2ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn lúa, doanh thu đạt gần 300 triệu đồng…
Đồng hành cùng chị em phát triển kinh tế tập thể, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các ngành liên quan như Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh… huy động nguồn lực, hỗ trợ xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX và phát triển doanh nghiệp như: tư vấn, hỗ trợ thành lập, đào tạo nghề; tập huấn nâng cao năng lực quản trị, khởi sự kinh doanh, tiếp cận công nghệ thông tin ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh; tiếp cận vốn vay và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối thị trường, tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp hằng năm...
![]() |
Bà Lê Thị Khương - Giám đốc HTX Phú Khương đã đưa đặc sản vùng biển Kỳ Anh ra thị trường trong nước, quốc tế. |
Thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn, nhiều THT, HTX có phụ nữ tham gia quản lý đã khẳng định vị thế, thương hiệu của tổ chức trên thị trường; đặc biệt, một số HTX đã chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong điều hành quản lý, sản xuất cũng như đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tạo vị thế sản phẩm của đơn vị trên thị trường như: HTX Phú Khương; HTX nông sản Hoàn Thắng; HTX sản xuất kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng; HTX chế biến và kinh doanh hải sản Hoa Linh Chi; HTX Bánh gai; HTX thu mua và chế biến thủy, hải sản Chiến Thắng...
Qua đó, tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ trong toàn tỉnh tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế; góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.
Hỗ trợ phát huy mô hình HTX do phụ nữ làm chủ
Có thể nói, việc mạnh dạn đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ và mô hình kinh doanh hiện đại, có phương pháp quản lý tiên tiến… là những minh chứng rõ nét nói về sự thành công của phụ nữ Hà Tĩnh trong việc phát triển kinh tế tập thể.
Sự hiện diện của họ không chỉ phản ánh sự tiến bộ về quyền bình đẳng giới mà còn mang lại những lợi ích thiết thực và sâu rộng cho cộng đồng và xã hội. Bằng sự nỗ lực và thành công của mình, họ đã chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhận những vai trò quan trọng và đạt được những thành tựu to lớn của kinh tế tập thể.
Nhờ đó đóng góp lớn vào công cuộc giảm nghèo chung toàn tỉnh. Tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh là 9.236 hộ (với 19.109 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 2,40% (giảm 2.336 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,97%); tổng số hộ cận nghèo 11.736 hộ (với 34.921 nhân khẩu), chiếm tỷ lệ 3,04% (giảm 1.211 hộ so với năm 2023 – tương ứng giảm 0,33% ).
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên Minh HTX Việt Nam cho rằng, vai trò của phụ nữ tham gia lãnh đạo HTX khá phổ biến và đạt hiệu quả cao.
“Với loại hình kinh tế tập thể rất vừa vặn và phù hợp với phụ nữ, gắn với bản địa, làng xóm, kết dính chặt chẽ của phụ nữ khi phát triển kinh tế và chăm lo cho gia đình. Chưa kể, người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay lại chịu thương, chịu khó, kiên trì và nỗ lực đổi mới sáng tạo. Do đó, nếu có nhiều nữ lãnh đạo HTX tham gia thì loại hình kinh tế tập thể này sẽ phát triển bền vững và khẳng định tính đúng đắn”, bà Vân nhận định.
Thời gian tới, tỉnh mong muốn các THT, HTX tiếp tục phát huy thế mạnh tài nguyên bản địa, chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong điều hành quản lý, sản xuất cũng như đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tạo vị thế sản phẩm của đơn vị trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ, đóng góp tích cực trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ thành lập thêm nhiều hơn nữa HTX do phụ nữ làm chủ, tạo sinh kế, việc làm bền vững cho người dân địa phương.
Giang Nguyễn