Xã Na Sang được thành lập trên cơ sở nhập các xã Na Sang, Ma Thì Hồ, Sa Lông và thị trấn Mường Chà, để có đầu ra ổn định cho cây dứa, giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Na Sang tiếp tục tổ chức hướng dẫn người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các HTX nông nghiệp trên địa bàn.
HTX đồng hành cùng người dân làm nông nghiệp
Bắt đầu trồng dứa kinh doanh từ gần 10 năm trước, đến nay gia đình ông Lý A Vừ, bản Na Sang đã có tổng diện tích trồng dứa lên tới 3,5ha, trong đó có 2ha dứa cho thu hoạch và 1,5ha mới được trồng trong năm nay. Năm 2024, gia đình ông Vừ đã có thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây dứa.
Để đạt được thành công như ngày hôm nay, ông Vừ đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, từ việc lựa chọn giống dứa chất lượng đến việc áp dụng các kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, trong những năm đầu, ông gặp không ít khó khăn khi chưa nắm vững kỹ thuật.
“So với trồng ngô, trồng sắn, trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 7-8 lần. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo” - ông Vừ nói.
Nhờ sự hỗ trợ của HTX dứa Na Sang, bản Na Sang ngoài gia đình ông Lý A Vừ thì gia đình anh Vừ A Chu, bản Na Sang cũng đã thành công chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dứa. Chỉ sau năm đầu tiên trồng thử nghiệm 1ha dứa, đến nay, gia đình anh Chu đã được thu hoạch những đợt dứa đầu tiên.
![]() |
Cây dứa đã trở thành cây giảm nghèo cho đồng bào vùng cao Na Sang. |
Anh Chu cho biết, trong thời gian tới, gia đình anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa để nâng cao thu nhập trên những diện tích đất dốc kém hiệu quả.
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Dứa Na Sang, cho biết, HTX hiện có 80 thành viên với diện tích trồng dứa khoảng 400ha, chiếm hơn 85% tổng diện tích trồng dứa của toàn xã.
“Hiện tại, với những quả dứa đạt tiêu chuẩn, từ 500g trở lên, bà con đang bán được giá 15.000 đồng/kg cho các thương lái. Còn những quả nhỏ hơn thì chủ yếu bán lẻ” – ông Tâm nói.
Dự kiến, vụ dứa năm nay sẽ có khoảng 13.000 tấn bán ra thị trường. Với năng suất bình quân 35-38 tấn/ha, cây dứa đã khẳng định được vị thế là cây chiến lược trong xóa đói, giảm nghèo.
Ông Tâm nhấn mạnh: “Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu toàn bộ sản lượng. Nhờ đó, bà con đã an tâm hơn rất nhiều, không còn lo được mùa nhưng mất giá”.
Hiện nay, người dân Na Sang đang chuyển đổi sang trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP để tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị thương hiệu.
Nông dân có nguồn thu ổn định từ dứa
Trước đây, nhiều hộ dù trồng được dứa nhưng vẫn lo lắng đầu ra, giờ có HTX đứng ra ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên bà con yên tâm mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ này, nông dân yên tâm sản xuất, không phải lo lắng thị trường tiêu thụ.
Cây dứa đang từng bước khẳng định là cây trồng chiến lược trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại xã Na Sang. Việc áp dụng các tiêu chuẩn canh tác an toàn, xây dựng thương hiệu và kết nối tiêu thụ đang mở ra hướng đi bài bản, hiệu quả cho nông dân.
![]() |
Các HTX đã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. |
Chị Giàng Thị Dung, ở bản Háng Lìa, cho biết: “Vợ chồng tôi còn trẻ nên chịu khó làm ăn. Nhưng làm mãi vẫn chẳng đủ no, vì đất nương vừa dốc vừa bạc màu, cái bắp ngô bé, cái bông lúa ngắn và lép.
Nhiều năm trước, thấy người ta bảo trồng dứa cho thu nhập cao hơn, nên chúng tôi đi ra tận chợ hỏi giá dứa, đi hỏi giá cây giống và học cách chăm sóc. Thấy cũng không khó lắm, nên vợ chồng tôi bàn nhau vay vốn trồng thử hơn 3.000 gốc, ai ngờ ngay từ vụ đầu đã lãi mấy chục triệu đồng. Bây giờ với hơn 24 nghìn gốc dứa, mỗi năm tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng. Bản này có gần 50 hộ nhưng bây giờ nhà nào cũng trồng dứa…"
Sau nhiều năm phát triển, cây dứa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Dứa không chỉ cho quả to mà còn có mùi thơm, vị ngọt hơn nhiều nơi khác, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều tư thương ở tận Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội… đã cất công vượt quãng đường 300-500km để đến thu gom dứa quả về bán.
Tại “vựa dứa” xã Na Sang, qua câu chuyện, anh Giàng A Chía, bản Na Sang cho biết: Trước đây, 6 miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào hơn 1ha đất trồng ngô, lúa nương, nên năm nào cũng phải nhờ Nhà nước hỗ trợ. Nhưng sau khi phát triển cây dứa nhà tôi đã thoát nghèo. Trung bình mỗi năm tôi thu nhập trên 100 triệu đồng.
“Bây giờ dân Na Sang còn biết cách trồng dứa chín lệch mùa để phục vụ nhu cầu của khách trong dịp Tết Nguyên đán, hay các ngày rằm, ngày lễ, nhu cầu hằng ngày của các quán ăn. Bình thường, mỗi quả dứa chín tôi bán 15.000 đồng, còn dứa xanh được các nhà hàng mua về làm thực phẩm thì giá cao hơn. Cây dứa là cây xóa nghèo, làm giàu cho xã mình đấy”, anh Giàng A Chía cho biết thêm.
Thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo
Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Na Sang chia sẻ, từ một số hộ dân tự phát trồng dứa và đạt hiệu quả cao, xã đã chủ động khuyến khích nhân rộng mô hình. Khí hậu và đất đai ở Na Sang rất phù hợp với dứa, đặc biệt dứa ở đây có vị ngọt đậm, khác biệt so với các vùng khác. Chính vì vậy, cây dứa đã được xác định là cây trồng chủ lực tại nhiều bản trong xã.
Không dừng ở 285ha hiện tại, xã Na Sang đang xây dựng lộ trình phát triển vùng nguyên liệu dứa đạt 350-400ha vào năm 2030, tập trung ở các khu vực có độ cao trung bình, phù hợp với điều kiện canh tác như vùng đất thuộc xã Na Sang và Sa Lông (cũ).
Hiệu quả từ mô hình trồng dứa tại Na Sang đã được khẳng định không chỉ bằng những con số về diện tích hay sản lượng, mà còn bằng sự đổi thay trong cuộc sống từng hộ gia đình.
Xã Na Sang đang phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, trong đó, các bản nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên. Để đạt mục tiêu đó, Na Sang xác định vừa phát huy kết quả đạt được, vừa tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời khu vực kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích nghi với tình hình phát triển mới
Bên cạnh đó, cần tận dụng các chương trình, dự án của Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, đặc biệt là Liên minh HTX Việt Nam như chương trình hỗ trợ bảo quản kho lạnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, do các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam thực hiện, hay như các chương trình xúc tiến thương mại, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất… tất cả các chương trình dự án hằng năm đều có các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam thực hiện.
Minh Thành