Vị Thủy là huyện đầu tiên được tỉnh Hậu Giang chọn triển khai thí điểm mô hình bón phân thông minh cho cây lúa. Những tín hiệu tích cực của mô hình đã giúp địa phương này nhân rộng từ 12ha ban đầu lên hơn 100ha trong vụ lúa Đông xuân đang canh tác, với hai hình thức là cấy máy và sạ hàng kết hợp bón vùi phân thông minh.
Lợi cả kinh tế lẫn môi trường
Là một trong 5 HTX đang nhân rộng mô hình của huyện Vị Thủy, HTX Thuận Tiến (ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây) có tổng cộng 65ha lúa với loại giống Hương Châu 6, trong đó có 15ha sản xuất sử dụng phân thông minh. Các diện tích sản xuất đều được Công ty giống cây trồng Miền Nam bao tiêu từ đầu vào đến đầu ra với giá bán chênh lệch thị trường 800 đồng/kg.
![]() |
Mô hình cấy lúa kết hợp bón phân thông minh đã giúp nông dân giảm nhiều công lao động và bảo vệ môi trường (Ảnh: Tư liệu) |
Theo các thành viên HTX, trước đây, để tăng năng suất, người dân thường sử dụng phân bón tràn lan không những gây lãng phí, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Việc sử dụng phân bón thông minh giúp giảm phát thải khí nhà kính tới 40%, giảm lượng nước thủy lợi tới 30% và chi phí lao động cũng như chi phí giống tới 50%. Lợi nhuận của mô hình này cao hơn 20% so với các phương pháp truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Chại, Phó Giám đốc HTX cho biết: “Thấy đây là cách làm mang lại hiệu quả trong việc giảm công lao động, chi phí đầu tư, nhất là bảo vệ môi trường và tăng lợi nhuận nên vụ lúa Đông xuân này, nhiều thành viên của HTX đã làm theo với hình thức cấy máy kết hợp bón vùi phân thông minh. Điều phấn khởi là khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% chi phí tiền phân bón, máy cấy, lúa giống và thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời có công ty đến liên kết bao tiêu đầu ra sản phẩm nên an tâm canh tác”.
Ngoài sử dụng phân bón thông minh, HTX còn áp dụng phương pháp sản xuất lúa bằng cấy máy để mật độ giữa các bụi lúa vừa phải tạo độ thông thoáng. Từ đó, cây lúa không phải cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng nên phát triển khỏe mạnh, và cũng không cần bón nhiều phân, phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật mà sâu bệnh, dịch hại cũng hạn chế phát sinh.
Năm nay là năm thứ 3, HTX sản xuất lúa bằng phương pháp cấy máy. Sử dụng máy cấy lúa đem lại nhiều cái lợi cho nông dân, bà con có thời gian chuẩn bị đất chu đáo hơn từ 10 - 12 ngày trong thời gian làm mạ, quản lý được chất lượng mạ để đảm bảo điều kiện cấy. Bên cạnh đó còn kiểm soát được cỏ dại, ốc bươu vàng, cây lúa ít bị sâu bệnh, đổ ngã, tiết kiệm phân bón. Dùng máy cấy lúa còn giảm tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do hạn chế được việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh.
Mở hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại
Không chỉ có nông dân làm ruộng đang đẩy mạnh thực hiện mô hình sản xuất thông minh, mà nhiều nhà vườn còn đưa công nghiệp mới vào sản xuất rất hiệu quả. Điển hình là mô hình “Tưới nước vườn cây ăn trái bằng điện thoại di động” của ông Nguyễn Văn Y, ở ấp 3A, xã Vị Tân, TP Vị Thanh.
![]() |
Hệ thống tưới nước tự động có kết nối với điện thoại thông minh của ông Nguyễn Văn Y (Ảnh: TL) |
Gần 1 năm nay, vườn bưởi da xanh rộng 4 công đã hơn 2 năm tuổi của ông được đầu tư hệ thống tưới tự động, việc tưới nước cho vườn bưởi đều thông qua chiếc điện thoại. Ông Y cho biết: “Khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động xong, tôi gắn thêm thiết bị điều khiển từ xa và cài đặt chương trình kết nối qua điện thoại thông minh của mình. Giờ có đi đâu mà muốn tưới nước cho vườn bưởi thì tôi chỉ cần mở điện thoại lên và kích hoạt chương trình là xong, không cần phải về tới vườn bật cầu dao điện”.
Giống như ông Y, nhờ hệ thống tưới nước tự động cho 1ha vườn sầu riêng hơn 7 năm tuổi của mình mà ông Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy, đã giảm được nhiều chi phí. Ông Tùng cho biết: “Khi tưới bằng hệ thống tự động chỉ mất 30 phút và tốn khoảng 20.000 đồng tiền điện/lần tưới, trong khi tưới bằng tay phải mất hơn nửa buổi và tốn chi phí gấp đôi. Như vậy, tính ra mỗi năm, tôi tiết kiệm tiền cho khâu tưới nước trên dưới 40 triệu đồng. Tới đây, tôi sẽ nghiên cứu ứng dụng thêm hệ thống phun thuốc, bón phân tự động cho vườn cây ăn trái của mình để việc làm vườn đỡ vất vả”.
Mô hình sản xuất thông minh tạo điều kiện cho HTX, nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng vào thực tiễn những tiến bộ kỹ thuật vừa an toàn cho con người vừa bảo vệ môi trường. Vì thế, tỉnh Hậu Giang đang chủ trương nhân rộng mô hình để giúp nông dân thay đổi tập quán cũ, mở ra tương lai về một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Thu Huyền