Giống tỏi mà người dân xã Ninh Phước trồng chính là giống tỏi Lý Sơn. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi nên tỏi ở đây được đánh giá có chất lượng ngang ngửa với tỏi Lý Sơn.
Cũng có lúc khó khăn
Trước đây, đất lâm nghiệp của người dân được trồng bạch đàn, nhưng do khô hạn, thiếu nước nên cây bạch đàn kém phát triển và chết dần, chết mòn. Bên cạnh đó, cây bạch đàn trồng từ 5 - 7 năm mới cho thu hoạch nên thu nhập không cao.
Trước thực tế trên, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để người dân chuyển đổi đất trồng bạch đàn hoặc trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây tỏi. Khi phát triển tốt, tỏi được bán với giá 60-70 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha cho người dân.
![]() |
Tỏi ở Ninh Phước có chất lượng ngang ngửa với tỏi Lý Sơn |
Việc này đã thu hút khoảng 200 hộ tham gia với tổng diện tích hơn 170ha, tập trung ở các thôn: Xuân Tây, Xuân Đông và Xuân Vinh. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở khu vực này thích hợp với cây tỏi nên năng suất đạt trên 75 tạ/ha. Không ít hộ dân ở đây đã thành tỷ phú nhờ trồng tỏi và trúng giá.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cây tỏi cũng có đầu ra ổn định và được bán với giá cao. Có năm, tỏi xuất tại vườn chỉ 10-15 nghìn đồng/kg, thậm chí không có người mua nên rơi vào cảnh giải cứu, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ.
Nguyên nhân được đưa ra là do địa phương chưa có chuỗi liên kết tiêu thụ nhằm cung ứng "đầu vào" lẫn "đầu ra" cho tỏi. Trong khi diện tích trồng tỏi lớn nhưng diện tích tỏi đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP chỉ khoảng 5-7 ha.
Đầu ra khó khăn nên giá bán giữa tỏi sản xuất VietGAP và tỏi sản xuất bình thường đều như nhau nên nông dân không mặn mà.
Trăn trở với sự phát triển của cây tỏi, chính quyền địa phương đã cùng các đơn vị liên quan triển khai đề án “Xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa” nhằm làm cho cây tỏi sạch bệnh hơn, năng suất cao hơn trong khi lượng giống và phân bón giảm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn...
Đây là tiền đề quan trọng để xã Ninh Phước tiếp tục xúc tiến xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa nhằm phát triển nghề một cách ổn định và tạo thị trường cho cây tỏi.
Phát triển bền vững
Điều đầu tiên cần làm chính là liên kết người dân cùng chung tay sản xuất để tạo chuỗi giá trị bền vững. Đó cũng là nguyên nhân HTX tỏi Vạn Hưng được thành lập vào năm 2017.
Trước đây, người dân trồng tỏi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Trồng mật độ dày, việc sử dụng lượng phân hữu cơ còn thấp nên năng suất tỏi chưa cao.
Khi tham gia HTX, người dân không chỉ được học cách xây dựng biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trong đó quản lý chặt chẽ từ các khâu sản xuất mà còn hướng đến xây dựng thương hiệu củ tỏi của Khánh Hòa. Với diện tích 20ha, HTX tập trung sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP.
![]() |
Cây tỏi rộng đầu ra nhờ có chuỗi giá trị hàng hóa |
Nhờ bảo đảm mật độ gieo thích hợp, liều lượng phân bón và đặc biệt là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, tỏi giảm được tỷ lệ sâu bệnh, cho năng suất cao hơn những chân ruộng khác, đạt khoảng 15 tấn/ha.
Ông Lê Tân, thành viên HTX, cho biết gia đình ông có 1 ha đất trồng tỏi. Những năm trước chi phí đầu tư trồng 1 sào tỏi của gia đình ông mất khoảng 10 triệu đồng. Khi áp dụng kỹ thuật mới thì chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV giảm, chỉ còn 7 triệu đồng/sào.
Đến năm 2018, diện tích tỏi của HTX đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, mở ra hàng loạt liên kết tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Cây tỏi ưa điều kiện nắng nóng nên trong quá trình trồng cần ít nước. Để giảm công chăm sóc và bảo đảm sử dụng nước hiệu quả trong khi tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra, các thành viên HTX đã đầu tư hệ thống tưới phun sương tiết kiệm. Những con đường vào khu trồng tỏi cũng được đầu tư để thuận tiện cho sản xuất và tiêu thụ.
Nếu như trước đây, cứ vào vụ mùa, người trồng tỏi lại mua cát trắng về thay thế cho lớp cát cũ. Lớp cát này được phủ lên đất canh tác khoảng 5 cm để cải tạo đất, làm “mồi dinh dưỡng” cho tỏi phát triển.
Theo thời gian, nguồn cát trắng dần cạn kiệt nên HTX hướng dẫn thành viên có thể thay cát trắng bằng lớp đất giàu dinh dưỡng khác. Nếu người dân chú trọng cải tạo đất bằng phân hữu cơ, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật thì cây tỏi vẫn cho kết quả như mong muốn.
Cách làm này của HTX đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Nếu thu mua cát trắng, nguồn vốn đầu tư của người dân tăng lên nhiều lần, trong khi cát trắng là nguồn tài nguyên quý.
Theo ông Lê Tân, khi tham gia HTX, người dân hiểu được rằng cát trắng không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Vì vậy, người trồng tỏi ở đây đã tìm được giải pháp để thay thế cát trắng, giúp cho nghề trồng tỏi phát triển bền vững.
Như Yến