Cách đây 3 năm, HTX Sản xuất nông - lâm nghiệp - kinh doanh - dịch vụ tổng hợp Ngọc Quế tiên phong thực hiện đề án phát triển chuỗi giá trị về cung ứng giống quế Bắc Trà My cho người dân trên địa bàn vùng cao xã Trà Giáp (cũ) nay thuộc xã Trà Giáp (mới) gồm xã Trà Giáp và xã Trà Ka thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (cũ).
Từ chuỗi liên kết cây quế…
Từ giống quế trội được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (cũ) công nhận, những năm qua, HTX này đã ươm tạo hơn 1 triệu cây giống, cung cấp miễn phí cho 90 hộ dân trên địa bàn xã Trà Giáp trồng trên diện tích hơn 50ha theo nguồn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
![]() |
HTX Sản xuất nông - lâm nghiệp - kinh doanh - dịch vụ tổng hợp Ngọc Quế hỗ trợ giống cây quế cho người dân ở Trà Giáp. |
Ông Hồ Viết Sinh, ở thôn 1, xã Trà Giáp có 0,5ha đất trồng keo kém hiệu quả. Hai năm trước, ông ký hợp đồng liên kết sản xuất với HTX Sản xuất nông - lâm nghiệp - kinh doanh - dịch vụ tổng hợp Ngọc Quế.
Thông qua hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, HTX đã cung ứng cho ông Sinh hơn 1.800 cây quế giống loại 9 tháng tuổi để trồng và cam kết sẽ thu mua đầu ra sản phẩm nhánh, lá và vỏ quế từ 3 - 15 năm tuổi.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Minh Thương, Giám đốc HTX, việc trao sinh kế cho người dân Trà Giáp gắn với mô hình liên kết chuỗi giá trị tạo được tính bền vững. Bởi khác với những mô hình trao sinh kế khác như giống cây ăn quả, con vật nuôi…, Nhà nước không quản lý được đầu ra sản phẩm, khó đánh giá mức hiệu quả của mô hình.
Theo ông Thương, với việc hỗ trợ giống cây quế cho người dân và HTX đứng ra theo dõi, hỗ trợ chăm sóc và cam kết thu mua sản phẩm từ nhánh, lá, hạt, vỏ... sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân.
Là người dành tâm huyết với cây quế, ông Trần Ngọc Liên (dân tộc Xê Đăng, xã Trà Giáp) cho biết đã kiên định với việc trồng, phát triển vườn quế dù có thời điểm quế thành phẩm rớt giá thê thảm.
Theo ông Liên, đến nay bản thân hộ gia đình của của ông đã có 2ha quế đến kỳ thu hoạch, với giá vỏ khô trên thị trường hiện nay 80.000 đồng/kg, vườn quế đều đặn mang về cho ông số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
…Đến thay đổi tư duy sản xuất
Để gìn giữ nguồn quế bản địa, ông Liên còn tự tay ươm giống quế Trà My từ hạt của những cây quế gốc được bảo tồn để bán cho người dân trong và ngoài xã.
![]() |
Chuỗi liên kết trồng cây quế bản địa đã và đang mở ra cánh cửa thoát nghèo cho người dân ở Trà Giáp. |
Để gìn giữ nguồn quế bản địa, ông Liên còn tự tay ươm giống quế Trà My từ hạt của những cây quế gốc được bảo tồn để bán cho người dân trong và ngoài xã.
Tương tự, từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, ông Đoàn Duy Giáo (ở thôn 3, xã Trà Giáp) đã mạnh dạn vay tổng cộng 110 triệu đồng để nuôi bò, trồng quế. Đến nay, gia đình sở hữu hơn 5ha quế, một số gốc quế sắp đến kỳ thu hoạch.
Cây quế Trà My hiện được xem là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Giáp. Thời gian tới, địa phương này sẽ chú trọng xây dựng, giới thiệu và quảng bá thương hiệu quế Trà My đến với các địa phương trong nước và quốc tế góp phần bảo tồn, nhân rộng và ngày càng phát triển giống quế Trà My trong tương lai.
Bên cạnh việc phát triển cây quế, xã Trà Giáp mới (với hơn 95% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Ca Dong và người Cor) đang tận dụng tối đa nguồn tài nguyên bản địa để vươn lên thoát nghèo bền vững, cũng như áp dụng thành công mô hình kinh tế “cây - con” kết hợp.
Như chia sẻ của ông Trần Ngọc Liên, ngoài thu nhập chính từ cây quế, ông còn kết hợp chăn nuôi heo, bò...để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ có sinh kế bền vững, gia đình ông đã vượt qua khó khăn, đời sống ngày càng khấm khá. Ông cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ vậy, người dân trong xã Trà Giáp mới cũng ủng hộ việc cơ cấu lại các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Người dân thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng nên đã thay đổi tư duy sản xuất, chủ động thực hiện. Nhiều hộ còn đầu tư hệ thống tưới tiêu, tích cực học tập, nghiên cứu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Họ chủ động trồng xen các loại cây ngắn, phát triển chăn nuôi ngày để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, các dự án hỗ trợ cũng góp phần thay đổi tư duy sản xuất cho người nơi đây. Như ở xã Trà Ka (cũ) - nay thuộc về xã Trà Giáp (mới), thời gian qua đã triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (dự án chăn nuôi bò cái sinh sản gắn với xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp tại Trà Ka) với thời gian thực hiện 18 tháng, từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2025.
Quy mô của dự án gồm 54 con bò cái sinh sản (giống bò nội), cho 27 hộ dân nghèo (mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò giống), đối tượng tham gia dự án là đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Ka.
Cơ hội tạo sinh kế bền vững
Khi tham gia vào dự án chăn nuôi bò cái sinh sản, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về kỹ thuật trồng cỏ, chăn nuôi, chăm sóc và phòng bệnh đối với bò cái sinh sản. Nhờ tham gia dự án mà họ đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò sinh sản, góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
![]() |
Việc cơ cấu lại các loại cây trồng có giá trị cao hơn sẽ giúp đời sống của người dân ở xã Trà Giáp (mới) ngày càng được nâng lên. |
Bên cạnh dự án nêu, ở Trà Ka còn có HTX sản xuất nông - lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp Trà Ka cũng đang thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó HTX này thu hút bà con địa phương tham gia nhằm cải thiện sinh kế, cũng như thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.
Với những tín hiệu tích cực từ kinh tế hợp tác, điều kỳ vọng là xã Trà Giáp (mới) sẽ mở rộng liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của đông đảo người dân, đồng bào dân tộc thiểu số trong xã.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam (cũ) - nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng (mới), trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho việc phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Bắc Trà My (cũ) nói chung và ở Trà Giáp, Trà Ka nói riêng. Đặc biệt là hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và liên doanh, liên kết, hợp tác.
Bên cạnh đó, từ sự chỉ đạo thường xuyên của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam (cũ) đã hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm địa phương. Qua đó, HTX có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức khác nhằm ký kết các hợp đồng liên kết, liên doanh.
Nhờ đó, như trường hợp HTX Sản xuất nông - lâm nghiệp - kinh doanh - dịch vụ tổng hợp Ngọc Quế ngày càng năng động trong liên kết chuỗi giá trị cây quế, thích ứng cơ chế thị trường, tự chủ trong tổ chức hoạt động và có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tin rằng với triển vọng từ cây quế bản địa cho đến việc phát triển mô hình kinh tế “cây - con” kết hợp thì người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Giáp (mới) sẽ có nhiều cơ hội để tạo sinh kế bền vững, từ đó đời sống ngày càng nâng lên, không còn phải chịu cảnh nghèo khó.
Thanh Loan