Minh chứng cho việc thay đổi tư duy sản xuất ở xã Trà Liên mới phải kể đến HTX Phát triển nông lâm nghiệp - Thương mại và dịch vụ tổng hợp Phú Quý (nằm trên địa bàn xã Trà Đông trước đây) khi tận dụng nguồn sản vật bản địa như cây quế hay khổ qua rừng để chế biến thành sản phẩm OCOP 3 sao là trà túi lọc khổ qua rừng hương quế.
Từ dấu ấn của HTX…
Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao hồi năm 2024, sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng hương quế của HTX này được nhiều người biết đến, bán hơn 1.000 hộp/năm. Giá trị sản phẩm được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng qua các chương trình trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, hội chợ... Hiện tại loại trà này được bán chạy tại khu vực Bắc Trà My, Thăng Bình, Quế Sơn và đang tiếp cận thị trường Tp.Đà Nẵng, Tp.HCM.
![]() |
Sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng hương quế của HTX Phát triển nông lâm nghiệp - Thương mại và dịch vụ tổng hợp Phú Quý. |
Với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, HTX Phú Quý thu mua từ người dân 200.000 đồng/kg dây lá khổ qua rừng khô. Cách đây 2 năm, HTX đầu tư máy hơn 40 triệu đồng, sau đó bắt tay vào chế biến. Từ công đoạn sấy khô, xay dạng bột, đóng gói một hộp 25 túi/25g, HTX đưa đến thị trường tiêu thụ 70.000/hộp.
Nói về ý tưởng chế biến trà túi lọc từ loại dược liệu quý ở vùng đất Trà Đông, ông Lê Văn Ba, một người dân địa phương và là thành viên HTX, cho biết khổ qua rừng trồng được quanh năm. Cây thuộc loại bầu bí này dễ sống, không cần phun thuốc nên rất an toàn. Đây được coi là thứ dược liệu có nhiều tác dụng cho sức khỏe như giảm đường huyết, chống oxy hóa, tăng miễn dịch, hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên trước đây người dân chưa biết tận dụng chế biến để tạo thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chính vì vậy, theo ông Ba, từ việc hình thành HTX đã giúp cho bà con địa phương thay đổi tư duy sản xuất, biết khai thác nguồn dược liệu quý của địa phương. Nhất là kết hợp giữa khổ qua rừng và quế đã tạo ra hương vị đặc trưng của vùng miền núi Bắc Trà My để giúp cho họ khai thác, quảng bá sản phẩm quê hương mình.
Thời gian qua HTX Phú Quý đã ký kết hợp đồng bao tiêu khổ qua rừng cho nhiều hộ trồng trọt ở Trà Đông và thu mua không giới hạn cho người dân địa phương. Và thời gian tới HTX dự định sẽ đầu tư máy sấy khô phục vụ cho người dân sấy khổ qua rừng vào mùa mưa.
Ngoài ra, để tạo nên một sản phẩm tiện dụng có thể bảo quản lâu dài cho người tiêu dùng, các thành viên HTX Phú Quý còn nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm muối nàng rây. HTX đã khảo sát trên địa bàn Trà Đông đang trồng khoảng hơn 5.000 gốc cây nàng rây. Từ đó HTX thu mua lá nàng rây và ớt sim rừng để chế biến thành sản phẩm muối nàng rây.
…Đến phát huy giá trị sản vật bản địa
Như chia sẻ ông Ba, quy trình làm nên một lọ muối nàng rây đậm vị phải theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Lá nàng rây được hái rửa sạch, sau đó được hong gió cho khô. Lá nàng rây không chịu được tác động trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, do vậy tất cả công đoạn đều được thực hiện trong bóng mát.
![]() |
Người dân ở xã Trà Liên mới mang vỏ quế ra phơi để phục vụ cho chế biến. |
Lá nàng rây được cắt nhỏ trộn với ớt sim rừng, sau đó được xay nhuyễn trước khi đưa vào máy rang, máy chiết định lượng và đóng gói thành phẩm. Một lọ muối nàng rây 100g được bán ra thị trường với giá 20 nghìn đồng.
Ông Ba cho biết: Trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, các thành viên HTX đã nghiên cứu ra công thức tạo hạt cho sản phẩm muối nàng rây với hương vị rất riêng biệt. Loại muối mà chúng tôi làm ra từ các sản phẩm nông nghiệp sạch của bà con nông dân ở địa phương, không sử dụng các loại chất bảo quản.
Hiện nay với khoảng 5.000 gốc nàng rây trong dân thì không đủ sản xuất sản phẩm muối nàng rây để cung ứng cho thị trường, nên HTX đang cung ứng giống để mở rộng nguồn nguyên liệu.
HTX Phú Quý đã đầu tư được hệ thống máy móc với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng để sản xuất sản phẩm muối nàng rây hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thời gian qua, một số đơn vị đầu tư du lịch tại Tp.Đà Nẵng đã đặt hàng sản phẩm muối nàng rây để cung ứng cho khách du lịch.
Có thể nói cách làm của HTX nêu trên rất đáng khích lệ. Trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây (nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng) đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho HTX Phú Quý phát huy giá trị của sản vật bản địa thông qua chế biến, nâng tầm thành sản phẩm OCOP.
Thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây đã tổ chức các chương trình tập huấn (trong đó có sự tham gia của HTX Phú Quý) để giúp các thành viên HTX thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng lực quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, tăng năng lực cạnh tranh và hình thành chuỗi liên kết sản xuất.
Ngoài ra, HTX còn được hỗ trợ tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại. Nhờ đó mà các sản phẩm của HTX Phú Quý được nhiều người tiêu dùng biết đến, doanh số bán ra tăng lên, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên và những người dân tham gia vào chuỗi liên kết trồng cây dược liệu.
Chuyển biến phương thức sản xuất hàng hóa
Không chỉ với vùng đất Trà Đông (cũ), việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cũng đang được “nảy mầm” ở những địa bàn khác của xã Trà Liên mới sau sáp nhập như Trà Kót và Trà Nú thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trước đây.
![]() |
Người dân ở vùng đất Trà Nú (cũ) đã có chuyển biến trong phương thức sản xuất hàng hóa, phát triển gạo đỏ Ra Ma đạt chuẩn OCOP 3 sao. |
Như tại địa bàn xã Trà Kót (cũ), nhờ thay đổi tư duy sản xuất mà có khoảng 100ha đất trồng keo đã được người dân chuyển đổi sang trồng sắn, cây ăn quả, quế, tiêu, cau…Riêng diện tích chuyển đổi trồng quế Trà My là 13ha, sắn là 10ha. Đáng chú ý, việc trồng xen sắn với các loại cây như keo, cau, tiêu…theo phương pháp lấy ngắn nuôi dài đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động bà con nơi đây tích cực chuyển đổi diện tích keo sang trồng rừng gỗ lớn và các loại cây có giá trị cao để nâng cao thu nhập, giảm rủi ro sạt lở. Về lâu dài, việc chuyển đổi sẽ là tất yếu, do đó thời gian tới chính quyền xã Trà Liên mới sẽ tích cực trong công tác tuyên truyền để bà con tại địa bàn Trà Kót (cũ) thay đổi tư duy sản xuất, làm kinh tế hiệu quả trên mảnh đất của gia đình.
Ngoài ra, ở vùng đất Trà Kót (cũ) có những tấm gương thi đua sản xuất giỏi để vượt nghèo, vươn lên thành hộ khác như ông Huỳnh Văn Niên (đồng bào Co). Ông Niên đã cải tạo vườn, trồng tiêu vườn tổng diện tích 3.000m2 với 300 gốc cây tiêu, bưởi 45 cây, cau 400 cây. Tiêu hạt được bán ra thị trường và đăng ký sản phẩm OCOP thương hiệu Tiêu Trà Kót.
Còn ở địa bàn xã Trà Nú (cũ), việc thay đổi tư duy sản xuất để giúp bà con địa phương thoát nghèo đang được thể hiện rõ ở việc phát triển giống lúa bản địa của đồng bào Co là giống gạo đỏ Ra Ma (được trồng chủ yếu ở thôn 1).
Để lưu truyền và phát triển gạo đỏ Ra Ma đạt chuẩn OCOP 3 sao, chính quyền địa phương đã vận động người dân nhân rộng mô hình, tăng gia sản xuất giống lúa này và quảng bá rộng rãi sản phẩm đạt chuẩn OCOP tới người tiêu dùng.
Không dừng lại ở đó, người dân địa phương còn được hỗ trợ để các sản phẩm chế biến từ loại gạo đỏ Ra Ma này như ngũ cốc, sữa, rượu…Qua đó giúp cho người dân thay đổi hình thức sản xuất lạc hậu, chuyển biến phương thức sản xuất tự cung tự cấp thành sản xuất hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu thị trường tiêu thụ, có sự nghiên cứu kỹ càng quy trình trồng trọt, sản xuất, thị trường thu mua.
Thanh Loan