HTX rau quả Thắng Lợi là một trong những điển hình trong khu vực kinh tế hợp tác của tỉnh Lào Cai. HTX đã tạo được chỗ đứng vững vàng trên thị trường nhờ sản phẩm rau được trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp hữu cơ.
Điểm tựa cho các thành viên
Bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc HTX rau quả Thắng Lợi chia sẻ: “Ngay từ khi thành lập, HTX đã định hướng phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với phát triển du lịch. Trong đó, sản phẩm chủ lực là trồng dâu tây và cà chua kết hợp với dịch vụ cho khách du lịch thăm quan”.
HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tất cả các luống dâu tây được trồng trên giá, cách mặt đất 1m để tránh ẩm mốc, giúp cây khô thoáng và hạn chế nấm, bệnh.
![]() |
Trồng dâu tây theo hướng công nghệ cao là một trong những sản phẩm chủ lực của HTX Thắng Lợi. |
Do trồng hoàn toàn trong hệ thống nhà lưới kiên cố nên HTX bảo đảm dù mưa hay các loại côn trùng cũng không thể vào, không phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, tất cả các cây dâu được trồng bằng giá thể đã qua xử lý, luống dâu được phủ một lớp nilon ngăn cỏ giúp cây sinh trưởng tốt. Ngoài ra, HTX còn nuôi thêm ong trong nhà lưới để tăng cường thụ phấn cho cây.
Được biết, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, HTX đã xây dựng 2,5 ha khung nhà màng, trang bị hệ thống tưới nước tự động, hệ thống giá trồng cây, hệ thống lọc nước, đèn led… Theo thời vụ, HTX sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng như dâu tây, dưa lưới, cà chua, dưa pepino, dưa chuột…
“Nhờ sản xuất khoa học, không chỉ là "điểm tựa" cho các thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương, thu nhập bình quân khoảng 5.5 triệu đồng/người/tháng”, bà Đỗ Thị Kim Dung chia sẻ thêm.
Không chỉ vậy, hiện nay, mô hình của HTX còn thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đa phần sản phẩm được bán ngay tại vườn cho du khách nên đầu ra thuận lợi. Vào thời điểm chính vụ, HTX thu được từ 7 - 10 triệu đồng/ngày, những ngày cao điểm có doanh thu gấp đôi ngày thường. Đây được xem là hướng đi hiệu quả trong phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch tại địa phương.
Theo Ban giám đốc HTX, việc kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với phát triển du lịch đã hạn chế được các chi phí về công và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chất lượng sản phẩm thơm ngon và được thị trường đón nhận. Từ việc đón nhận của thị trường sẽ là động lực cho HTX đầu tư và phát triển.
Lãnh đạo tỉnh nhận xét, tiềm năng nông nghiệp từ những vườn cây ăn quả, rau màu của HTX Thắng Lợi chính là cơ sở, tiền đề để thúc đẩy du lịch. Và ở chiều ngược lại, phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống thành viên, người lao động.
Góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
HTX rau quả Thắng Lợi là một trong hàng chục mô hình HTX tiêu biểu của Lào Cai áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cùng với hoạt động hiệu quả của các HTX, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cho thu nhập khá cao như: mô hình HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải có quy mô 0,7 ha; HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải với hơn 2 ha sản xuất rau theo hướng hữu cơ; HTX Nông nghiệp sạch T&D hơn 12 ha…
Cùng với đó, các HTX đã và đang phát huy vai trò là trụ đỡ cho kinh tế hộ, tạo chuyển biến căn bản về phương thức sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các HTX đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi, tham gia chương trình OCOP, phát triển vùng hàng hóa đặc hữu. Nhờ đó, những mô hình sản xuất của các hộ gia đình, HTX hàng năm đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Anh Giàng A Pao là một trong những hộ dân liên kết sản xuất rau sạch với HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải cho biết: "Tham gia vào HTX, chúng tôi được chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật để chăm sóc rau theo đúng quy trình sản xuất, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ và nắm được các kiến thức cơ bản sử dụng an toàn các loại thuốc bảo vệ thực vật, được thu mua sản phẩm với giá tương đối cao và ổn định. Sản xuất 3 vụ trên 3.000 m2 đất ruộng của gia đình cho thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Có thu nhập, chúng tôi không những thoát nghèo mà còn đã có điều kiện để mua sắm xe máy, tivi… ”.
![]() |
Trang trại trồng su su rộng 12ha ở trên đỉnh núi của HTX nông nghiệp sạch T&D. |
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lào Cai vẫn chưa thật sự tương xứng với lợi thế của địa phương; diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư còn ít, chi phí cho sản xuất và chứng nhận hữu cơ lớn; nhận thức người dân còn hạn chế, trình độ sản xuất nhiều nơi vẫn lạc hậu. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm sạch còn chưa thực sự ổn định, còn phụ thuộc thị trường…
Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Với phương châm xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tiến hành tái cơ cấu ngành theo hướng xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Theo đó, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên rà soát trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các quy định phù hợp tình hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; xây dựng các mô hình tổ chức quản lý sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chè, quế, cây ăn quả, rau an toàn theo tiêu chuẩn, VietGAP, hữu cơ tập trung, đồng bộ; ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số phục vụ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp đang tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên địa bàn.
Các cây trồng được đầu tư theo chiều sâu, sản xuất theo các quy trình an toàn, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; các sản phẩm đã khẳng định được vị thế sản phẩm nông sản của Lào Cai, thích ứng tốt trước những khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới do bị đứt gãy các chuỗi cung ứng, bảo hộ mậu dịch.
Việc triển khai, thực hiện các dự án, mô hình bước đầu xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường, hình thành các mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với các hộ nông dân tạo chuỗi giá trị sản xuất từ khâu sản xuất, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo tính ổn định, bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Nhằm giải quyết những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới, chính quyền và các ban ngành của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức những lớp tập huấn giúp đồng bào nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật cơ bản trong việc trồng, chăm sóc, thu hái và biện pháp phòng trừ dịch bệnh một số loại rau khi áp dụng kỹ thuật theo quy trình sản xuất rau an toàn; một số quy định, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc sản xuất rau an toàn.
Bên cạnh đó, phát triển thêm những mô hình HTX phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nhằm liên kết hỗ trợ người dân trong việc thu mua sản phẩm, ổn định đầu ra, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Ngọc Giang