Cánh đồng Tú Lệ, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày; được gieo trồng trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng, nồng độ kali cao lại được tưới mát bởi nguồn nước mát từ các suối Ngòi Hút, Nậm Lung; cấu tạo của đất thì tơi xốp, dễ thấm nước và khí hậu trong lành, thuận lợi cho cây lúa nếp Tan phát triển tự nhiên.
Tăng thu nhập nhờ nếp Tan Tú Lệ
Gạo nếp Tú Lệ đã trở thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững.
Chị Hoàng Thị Liên ở thôn Nà Lóng, xã Tú Lệ cho biết, trước đây việc canh tác hoàn toàn dựa vào tự nhiên và kinh nghiệm nhưng từ một vài năm gần đây người dân được tham gia tập huấn kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa nếp Tan Tú Lệ theo hướng an toàn từ phương pháp theo dõi, ghi chép nhật ký, hạch toán sản xuất, hướng dẫn an toàn lao động và phương pháp quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Nhờ đó, không chỉ giảm chi phí đầu vào mà đầu ra cũng được nâng cao.
Không chỉ vậy, người dân còn liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ để sản xuất theo quy chuẩn của HTX và được HTX bao tiêu sản phẩm với giá tốt hơn.
“Với 5 sào lúa, gia đình tôi thu hoạch trung bình 8 tạ thóc, bán giá 23.000 đồng/kg, thu nhập tăng gần 5 triệu đồng/ha so với cách canh tác trước”, chị Liên cho biết.
![]() |
Gạo nếp Tú Lệ đã trở thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững. |
Vài năm trở lại đây có thể thấy sự liên kết giữa HTX Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ và người trồng lúa nếp Tan ở Tú Lệ ngày càng bền chặt, rõ ràng. Quy chế cho mô hình liên kết này còn được xây dựng và ban hành cụ thể, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Theo đó, các hộ nông dân sản xuất lúa nếp Tan Tú Lệ phải tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của dự án, ký hợp đồng sản xuất và bán lúa cho HTX. HTX đóng vai trò tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm của người dân (có hợp đồng), đóng gói, dán nhãn và phát triển thị trường cho sản phẩm nếp Tan.
Năm 2020, sản phẩm gạo nếp Tú Lệ đã đạt OCOP 4 sao; được bảo hộ trí tuệ về nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Hiện, HTX đã liên kết với hơn 200 hộ sản xuất nếp Tú Lệ, quy mô trên 50 ha.
Hiện toàn bộ diện tích sản xuất của người dân đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Với giá thu mua từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, hàng năm HTX tiêu thụ khoảng 70 tấn thóc cho các hộ liên kết.
Đại diện UBND xã Tú Lệ cho biết, người dân và HTX Tú Lệ đã hình thành vùng lúa nếp hàng hóa với quy trình sản xuất khép kín từ khâu giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Nông dân cũng dần từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để có điều kiện liên kết sản xuất lớn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được tăng cường, giúp đưa các sản phẩm gạo địa phương vươn ra các thị trường lớn hơn. Nhờ đó mà gạo nếp Tú Lệ thường trong tình trạng cung không đủ cầu. Sức hút từ giống gạo nếp Tú Lệ trên thị trường cũng đã được người tiêu dùng khẳng định.
Thời gian tới, xã Tú Lệ sẽ tiếp tục tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa nếp an toàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đều là những sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn.
Mù Cang Chải phát triển vùng nếp Tan hàng hóa
Không riêng ở Văn Chấn, Mù Cang Chải có tổng diện tích ruộng nước hơn 4.400ha, diện tích gieo cấy lúa nước cả năm đạt trên 6.100 ha. Bởi vậy, cùng với phát triển các giống lúa lai bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, những năm gần đây thực hiện chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, huyện Mù Cang Chải đã phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tại chỗ ở 2 xã Cao Phạ và Nậm Có để mở rộng diện tích cấy lúa nếp Tan theo hướng sản xuất hàng hóa.
Nằm giáp ranh xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn nên 2 xã Cao Phạ và Nậm Có có các điều kiện tự nhiên như: thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước tương đồng với Tú Lệ, giúp người dân phát triển được giống lúa nếp Tan Tú Lệ chất lượng, trở thành hàng hóa. Trong đó, xã Cao Phạ có tổng diện tích ruộng nước trên 320 ha, với hơn 270 ha gieo cấy 2 vụ/năm.
Hiện nay, ngoài gieo cấy các loại giống lúa lai, lúa tẻ bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, người dân đã phát huy hiệu quả lợi thế đặc thù được thiên nhiên ban tặng để chuyển đổi các chân ruộng đất pha cát gần suối, chủ động được nước tưới, mở rộng diện tích sản xuất nếp Tan, góp phần tăng thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích.
Nhờ đó, hiện nay diện tích gieo cấy lúa nếp Tan của xã Cao Phạ đạt trên 100 ha/năm, sản lượng đạt trên 500 tấn. Cùng nằm trong khu đầu nguồn của xã Tú Lệ, xã Nậm Có cũng có điều kiện tự nhiên tương đồng về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước, lại vừa là xã có địa bàn rộng, diện tích ruộng nước nhiều nên diện tích trồng cấy nếp Tan theo số liệu xã thống kê đạt trên 150 ha/năm, chưa kể những diện tích người dân tự phát, tự chuyển đổi theo từng mùa vụ. Hàng năm, xã Nậm Có xuất ra thị trường lượng lúa non để làm cốm và gạo nếp Tan không nhỏ, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Ông Sùng A Ninh, bản Tà Ghênh, xã Nậm Có chia sẻ: "Ngoài làm ruộng và lúc rảnh sau ngày mùa đi làm thuê quanh xã thì gia đình không có thêm nguồn thu nào khác nên để tăng thêm thu nhập, có điều kiện cho con cái ăn học. Với diện tích ruộng nước của gia đình, mấy năm gần đây, tôi chỉ để hơn 2 sào cấy lúa tẻ 2 vụ/năm lấy thóc đủ ăn, diện tích còn lại tôi chuyển cấy lúa nếp Tan. Nhờ đó, mỗi vụ sau khi trừ chi phí và phần để lại ăn trong năm thì tôi cũng thu về trên 20 triệu đồng từ bán lúa nếp”.
![]() |
Sản phẩm gạo nếp Tú Lệ đã đạt OCOP 4 sao. |
Ngoài mở rộng diện tích gieo cấy, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, chế biến, bảo quản... nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế lúa nếp Tan, huyện Mù Cang Chải cũng đã chú trọng đến đầu ra cũng như xây dựng thương hiệu, tạo uy tín gạo nếp Tan trên thị trường.
Hiện, xã Cao Phạ đã thành lập được HTX Nông nghiệp hữu cơ Khau Phạ, liên kết 60 hộ dân trong xã để cùng gieo cấy nếp Tan với tổng diện tích trên 14 ha, tổng sản lượng đạt trên 70 tấn/năm để từng bước quảng bá, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm nếp Tan. Đồng thời, HTX cũng đã triển khai áp dụng nghiêm ngặt quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, phơi sơ chế theo hướng hữu cơ, giúp nâng cao chất lượng gạo, mẫu mã đẹp và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn.
Kết quả giảm nghèo ấn tượng
Hiện nay, nếp Tan mang lại giá trị kinh tế và cho thu nhập cao nên nhân dân cũng yên tâm chuyển đổi các diện tích ruộng phù hợp từ trồng lúa tẻ sang gieo cấy nếp Tan làm hàng hóa.
Nhờ đó Yên Bái đã đạt được những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều. Tỉnh đã vượt các mục tiêu giảm nghèo do Trung ương và địa phương đề ra, đồng thời thu nhập bình quân của người dân cũng tăng lên đáng kể.
Cụ thể, từ năm 2021 đến 2024, Yên Bái đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 18,07% xuống còn 5,68%, vượt xa mục tiêu giảm 3,3% mỗi năm của tỉnh và 3% mỗi năm của Trung ương. Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo của huyện Mù Cang Chải đạt 9,46%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều sẽ giảm còn 6,87%. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp như: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng, và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong đó chú trọng phát triển, mở rộng các vùng trồng lúa nếp Tan, hỗ trợ người dân chuyển đổi giống cây trồng. Bên cạnh đó, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh thành lập thêm các HTX để liên kết các hộ dân, tạo chuỗi giá trị, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân địa phương.
Linh Đan