Những năm gần đây, hình ảnh chiếc máy bay không người lái (drone) trên cánh đồng lúa đã trở nên quen thuộc tại Cần Thơ, thay thế dần cho hình ảnh người nông dân cặm cụi phun thuốc thủ công dưới cái nắng gay gắt.
Bước nhảy vọt với công nghệ drone
Tại xã Lâm Tân, những chiếc drone thực hiện nhiệm vụ phun thuốc bảo vệ thực vật trên thửa ruộng là một minh chứng rõ nét cho sự thay đổi tư duy và phương thức canh tác của bà con nông dân.
Anh Triệu Hoàng Hương, một nông dân Khmer tại xã Lâm Tân, cho biết trước đây, để phun thuốc cho 9ha ruộng lúa, anh phải mất vài ngày trời, thuê thêm nhân công, rất tốn kém và vất vả. Bây giờ, chỉ cần gần 2 giờ đồng hồ với máy bay phun thuốc, anh không còn mệt mỏi, không lo độc hại, mà hiệu quả lại cao hơn rất nhiều.
Sự xuất hiện của drone không chỉ giải quyết bài toán thiếu hụt lao động mà còn tối ưu hóa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh đồng đều.
![]() |
Sản xuất thông minh giúp người trồng lúa giảm chi phí, nâng cao năng suất và thu nhập. |
Ông Hứa Thành Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nghĩa Thắng (phường Mỹ Xuyên, TP Cần Thơ), cũng là một trong những người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. HTX hiện có trên 100ha trồng lúa giống cấp xác nhận ST24, ST25. Toàn bộ diện tích này đều được cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo cấy mạ cho đến thu hoạch.
Gần đây, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, Liên minh HTX thành phố, HTX đã được trang bị drone để phun thuốc, giúp bà con chủ động phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cây lúa phát triển khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi.
Theo Ban giám đốc HTX, lao động nông thôn ngày càng khan hiếm, chi phí thuê lại cao, làm giảm lợi nhuận của người trồng lúa. Sự xuất hiện của máy bay không người lái đã giải quyết bài toán về lao động, giúp nông dân không chỉ giảm gánh nặng chi phí mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tương tự, HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông (Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) đã không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất. Cụ thể là HTX đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để trang bị 3 chiếc máy bay không người lái phục vụ nhu cầu phun thuốc bảo vệ thực vật cho cánh đồng canh tác lúa hơn 500ha. Điều này cũng giúp thành viên giải quyết bài toán tối ưu chi phí, nâng cao lợi nhuận trong sản xuất lúa.
Quản lý thông minh
Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng máy móc hiện đại, nhiều nông dân, HTX ở Cần Thơ còn chuyển sang quản lý đồng ruộng bằng công nghệ số, biến chiếc điện thoại thông minh thành công cụ đắc lực trên cánh đồng.
Anh Trần Kim Luận (xã Tài Văn, TP Cần Thơ), người đang canh tác hơn 2ha lúa và đã sử dụng ứng dụng "2 Nông" và thấy rất tiện lợi. Chỉ cần chụp hình con sâu, ứng dụng sẽ nhận diện, báo tên và đề xuất thuốc đặc trị phù hợp... Nhờ đó, anh biết được cách bón phân, trị bệnh đúng lúc, giảm chi phí sản xuất hơn 30%.
Tại HTX Thần Nông, đơn vị này đã sử dụng hệ thống máy tính để bàn, điện thoại thông minh kết hợp phần mềm quản lý, nhằm kiểm soát số lượng lúa giống hay lúa hàng hóa đang được bảo quản tại kho trữ lúa có sức trên chứa 1.000 tấn.
![]() |
Người trồng lúa có thu nhập cao nhờ đầu tư phù hợp. |
Việc ứng dụng số đã tạo điều kiện thuận lợi HTX Thần Nông trong công tác quản lý, nhất là giúp việc lưu trữ hồ sơ thuận tiện hay việc kê khai thuế giảm bớt các loại thủ tục giấy tờ, thời gian cũng như chi phí đi lại. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số, nhất là việc sử dụng nhóm Zalo để làm việc, đã giúp cán bộ HTX tương tác với 10 thành viên và gần 100 nông dân đang làm ăn với HTX dễ dàng. Điều này đồng thời tạo cơ hội cho HTX tham gia tìm kiếm khách hàng, kết nối tiêu thụ hàng hóa thông qua các sàn giao dịch trực tuyến…
Với một chiếc điện thoại thông minh và các ứng dụng chuyên biệt, người nông dân, HTX giờ đây có thể chủ động trong từng quyết định kỹ thuật, từ việc chẩn đoán bệnh cây, quản lý sâu hại đến việc nắm bắt biến động giá cả thị trường, quản lý sản xuất kinh doanh. Điều này giúp họ tối ưu hóa chi phí đầu vào, tránh lãng phí và tăng năng suất một cách đáng kể, từ đó góp phần không nhỏ vào quá trình giảm nghèo bền vững.
Lợi ích kinh tế vượt trội và giảm nghèo bền vững
Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa đã mang lại những lợi ích kinh tế vượt trội cho nông dân, thành viên HTX ở Cần Thơ. Theo các thành viên HTX Nông nghiệp Phước An (xã Thuận Hòa), công nghệ đã giúp giảm 10 kg giống/ha, giảm 2 - 3 lần phun thuốc, giảm 50% chi phí bơm nước, và thất thoát sau thu hoạch cũng giảm 10 - 15%. Nhờ đó, lợi nhuận của nông dân tăng thêm 20 - 30% so với cách làm truyền thống. Đây là con số ấn tượng, trực tiếp cải thiện đời sống, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Sự chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang nông nghiệp hiện đại không chỉ là câu chuyện về hiệu quả kinh tế, mà còn là sự thay đổi tư duy, về khả năng thích ứng và vươn lên của người nông dân, thành viên HTX ở Cần Thơ.
Việc ứng dụng những kỹ thuật mới, máy móc tiên tiến đã giúp giải quyết những thách thức lớn như thiếu hụt lao động, biến đổi khí hậu, và áp lực cạnh tranh thị trường. Các HTX đóng vai trò là cầu nối quan trọng, tập hợp sức mạnh tập thể, chia sẻ kiến thức và công nghệ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho hạt gạo.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Liên minh HTX thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ, sản xuất theo quy trình cho cán bộ chủ chốt và thành viên của HTX; tổ chức các hội thảo chuyên đề, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình HTX thành công. Từ đó, giúp các HTX thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang thích ứng với xu thế của thị trường
Nhìn về tương lai, với sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng, cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo của các HTX và bà con nông dân, ngành lúa gạo Cần Thơ đang đứng trước những cơ hội lớn để tiếp tục phát triển.
Cách làm này không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố then chốt, giúp người trồng lúa nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, và góp phần khẳng định vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trí Chiến