HTX Dịch vụ Nông sản Hữu Cơ Công Nghệ Cao Vfresh Garden (xã Hưng Nguyên Nam, tỉnh Nghệ An) do anh Nguyễn Văn Đạt làm Giám đốc là một trong những ví dụ điển hình của câu chuyện này.
Chuyện về kỹ sư xây dựng rẽ ngang về quê… trồng dưa
Thời gian qua, HTX Vfresh Garden đã triển khai sản xuất trên quy mô 1ha, tập trung vào mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Các sản phẩm chủ lực gồm: dưa chuột baby, dưa lưới, cà chua beef, cà chua bi, ớt chuông, trong đó dưa chuột baby được trồng quanh năm trong nhà màng, đạt sản lượng khoảng 250 tấn/ha/năm – một con số đáng kể đối với quy mô sản xuất hiện tại.
Ngoài ra anh còn làm bể nuôi cá lăng kết hợp trồng rau các loại rau xà lách, cải ngọt, cải xoăn bằng hình thức thủy canh, tận dụng chất thải của cá để bón cho rau.
Anh Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden.
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, anh Đạt cho biết, anh từng tốt nghiệp đại học Xây Dựng Hà Nội, ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp anh ngữ với tấm bằng loại giỏi. Sau khi tốt nghiệp, anh đã có công việc ổn định với thu nhập tốt tại thành phố. Thế nhưng, năm 2020 – khi thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch ngày càng lớn trong khi mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại quê nhà Nghệ An vẫn còn rất hạn chế, anh Đạt quyết định từ bỏ công việc cũ, trở về quê hương khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao. HTX Dịch vụ Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden được thành lập năm 2021, sau một năm anh quyết định trở về.
Anh Đạt cho biết thêm, tại trang trại, các công nghệ hiện đại được ứng dụng như nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, thông gió cưỡng bức, làm mát bằng phun sương,… Tổng vốn đầu tư chủ yếu là từ nguồn vốn cá nhân và vay ngân hàng, cùng với hơn 500 triệu đồng hỗ trợ từ chính sách của nhà nước.
"Tôi luôn mong muốn tạo ra một sự nghiệp phát triển bền vững, vừa để đảm bảo thu nhập cho gia đình, vừa giúp đỡ những người xung quanh có công ăn việc làm ổn định. Ban đầu, khó khăn về tài chính, áp lực tâm lý và cả sự hoài nghi của người thân khiến tôi nhiều lúc tưởng chừng đã bỏ cuộc. May mắn, có vợ luôn là người hiểu, sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng tôi. Đến nay, 5 năm hoạt động, mô hình nông nghiệp sạch của HTX đã và đang từng bước tạo được dấu ấn nhất định", anh Đạt chia sẻ.
Tuy mô hình còn nhỏ, nhưng với tầm nhìn lớn, từ nuôi cá và trồng các loại rau, quả mỗi năm HTX nông sản hữu cơ công nghệ cao Vfresh Garden thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.
Đẩy mạnh liên kết, ứng dụng công nghệ cao
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đang được các địa phương khuyến khích quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo ra những nông sản có chất lượng, tăng sức cạnh tranh góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người nông dân.
Trong quá trình khởi nghiệp, anh Đạt cho biết mình đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An như: tư vấn pháp lý khi thành lập HTX, hỗ trợ truyền thông mô hình, kết nối thị trường và xúc tiến thương mại.
Tuy nhiên, theo anh Đạt khó khăn vẫn còn rất nhiều, như thiếu vốn đầu tư ban đầu, quỹ đất còn manh mún và thiếu quy hoạch vùng sản xuất tập trung; còn nhiều rào cản cho các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thiếu kinh nghiệm thực tế trong sản xuất – kinh doanh, rủi ro sinh học cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định...
"Làm nông nghiệp công nghệ cao mà theo hướng hữu cơ cần nguồn vốn đầu tư ban đầu khá nhiều so với các hình thức nông nghiệp khác, nên việc cân đối chi phí trong sản xuất cũng rất khó. Do đó HTX luôn cố gắng cải thiện chất lượng cũng như sản lượng để đảm bảo doanh thu, phát triển lâu dài.
Chúng tôi cũng rất mong được tăng cường kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học để được chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cần những chính sách rõ ràng hơn về hỗ trợ vốn, đất đai, thương hiệu và thương mại điện tử.” – anh Đạt bày tỏ.
![]() |
Mô hình dưa chuột baby tại HTX Vfresh Garden của anh Nguyễn Văn Đạt. |
Được biết, hiện trên địa bàn xã Hưng Nguyên Nam và các địa phương lân cận có khá nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả tương tự Vfresh Garden. Có thể kể đến như, Nông trại sản xuất rau củ sạch hữu cơ Lâm Chi Farm; HTX nông nghiệp Thành Vinh,...
Tuy nhiên, chủ các mô hình nông nghiệp đều cho rằng, để các HTX nông nghiệp thực sự “lớn mạnh và phát triển hiệu quả, bền vững”, cần sớm được tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, tín dụng, khoa học kỹ thuật…
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Vinh cho biết, anh đã rót vào trang trại hơn 5 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng trang thiết bị tiên tiến (hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, làm giàn công nghệ…) theo đúng quy chuẩn hữu cơ.
Từ quy mô nhỏ ban đầu, HTX đã tăng mạnh diện tích liên kết sản xuất qua từng năm, năm 2023 đạt gần 50ha, thời điểm hiện tại đã tăng gấp 3 lần.
"Với 7 ha đất bãi ven sông, vụ dưa vừa qua chúng tôi dự kiến thu hoạch từ 160-180 tấn, nếu giá bán duy trì ổn định 18 – 20 nghìn đồng/1 kg như hiện nay thì sẽ thu từ 2,8- 3 tỷ đồng. Mong muốn của tôi là có thêm đất để tiếp tục mở rộng sản xuất tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân ở đây” - Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Vinh chia sẻ.
Nhân rộng mô hình HTX kiểu mẫu
Có thể khẳng định, từ những mô hình nông nghiệp kể trên với kết quả ban đầu đã cho thấy sự thay đổi nhất định, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất, chế biến phát triển, góp phần xây dựng thành công các sản phẩm OCOP tại địa phương. Từ đó, mở rộng các mô hình tương tự trên địa bàn các địa phương lân cận của tỉnh Nghệ An.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của các HTX tại Hưng Nguyên Nam đã và đang góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, thể hiện vai trò quan trọng khu vực này đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, năm 2024, doanh thu bình quân của một HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, lãi bình quân đạt khoảng 180 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 48,3 triệu đồng; doanh thu bình quân của một Liên hiệp HTX đạt khoảng 3,2 tỷ đồng, lãi bình quân đạt khoảng 90 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 40 triệu đồng; doanh thu bình quân của một tổ hợp tác đạt khoảng 408 triệu đồng, lãi bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng.
Để phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026-2030, năm 2025, tỉnh Nghệ An tổng kết Đề án tiếp tục đổi mới và phát triển HTX tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng chương trình phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp với đặc thù của địa phương.
Tiếp tục xây dựng mô hình HTX kiểu mới, HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nghiên cứu phát triển các mô hình HTX, gắn với sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phát triển KTTT, HTX tại các địa phương; kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả.
Hồng Hương