Với sự đồng hành hiệu quả từ chính quyền địa phương và sự hỗ trợ thiết thực của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Sơn La không chỉ giúp thành viên, nông dân liên kết tăng thu nhập, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Hiệu quả chuỗi liên kết
Trên địa bàn tỉnh Sơn La đang có hàng trăm HTX hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tín dụng. Trong đó, lực lượng nòng cốt là các HTX nông nghiệp, đóng vai trò tiên phong trong công cuộc chuyển đổi phương thức sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng đất.
![]() |
HTX, nông dân Sơn La đang thoát nghèo, làm giàu nhờ nông nghiệp hàng hóa (Ảnh: BSL). |
Đặc biệt, nhiều địa phương đã hỗ trợ các HTX sản xuất nông sản sạch, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP và hướng hữu cơ, góp phần tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng tốt yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các HTX được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và được hỗ trợ kết nối đầu ra thông qua chuỗi tiêu thụ khép kín.
Đơn cử, giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng xây dựng 7.700 m² nhà màng cho các HTX như Đồng Tiến (xã Mường Do, nay là xã Mường Bang), Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc (xã Huy Hạ, nay là xã Phù Yên), Nông nghiệp Bích Hà (xã Huy Tường, nay là xã Phù Yên)… Những chính sách này không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho HTX mà còn mang lại cơ hội đổi đời cho hàng trăm hộ nông dân.
Một trong những câu chuyện thành công ấn tượng là HTX thủy sản Tường Phong (xã Tường Hạ mới), thành lập năm 2016. Với nguồn vốn hỗ trợ ban đầu hơn 100 triệu đồng để mua cá giống và lắp đặt lồng cá, HTX đã khai thác lợi thế mặt nước rộng lớn và ổn định từ lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Chỉ sau vài năm, số lồng cá đã tăng từ 20 lên 190, sản lượng đạt 2 tấn/lồng mỗi năm, đem về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/lồng sau khi trừ chi phí.
Cú hích giảm nghèo bền vững
Ông Cầm Văn Thống – Giám đốc HTX Tường Phong, chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện nuôi cá theo đơn đặt hàng, đảm bảo đầu ra ổn định. Mong muốn lớn nhất hiện nay là được hỗ trợ khảo sát mực nước, độ sâu lòng hồ để bố trí lồng nuôi an toàn, tiếp tục mở rộng quy mô, tiến tới xây dựng thương hiệu thủy sản địa phương vươn xa”.
Thành công của HTX Tường Phong là minh chứng rõ rệt cho mô hình sản xuất gắn với đặc thù địa phương, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển bền vững, tạo sinh kế ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Như tại xã Mường Do (nay thuộc xã Mường Bang), mô hình trồng rau trong nhà màng của HTX Đồng Tiến đang cho thấy bước tiến rõ nét trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Năm 2021, HTX được địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng và kỹ thuật xây dựng 1.000 m² nhà màng, phủ đất để trồng thử nghiệm cà chua bi, dâu tây – những loại cây có giá trị kinh tế cao.
Đại diện HTX cho hay, nhờ sản xuất khoa học, ngay trong vụ đầu tiên, doanh thu từ khu nhà màng đã đạt 300 triệu đồng, đủ hoàn vốn đầu tư. Từ thành công này, HTX mạnh dạn mở rộng diện tích lên 4.000 m² trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 lao động với thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng.
![]() |
Bức tranh sản xuất nông nghiệp ở Sơn La đang ngày càng khởi sắc (Ảnh: BSL). |
Mô hình của HTX Đồng Tiến không chỉ thay đổi tư duy sản xuất của thành viên, hộ nông dân liên kết, mà còn từng bước hình thành chuỗi giá trị rau sạch cung ứng cho thị trường nội tỉnh và Hà Nội, khẳng định vai trò tiên phong của HTX trong hiện đại hóa nông nghiệp vùng cao.
Tương tự, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quang Huy cũng là một trong những điểm sáng về chuyển đổi phương thức canh tác tại Sơn La. Với việc áp dụng mô hình lúa hữu cơ, HTX đã giúp nông dân tăng thu nhập từ 3-4 triệu đồng/ha so với phương pháp truyền thống.
Từ năm 2019, diện tích lúa hữu cơ do HTX quản lý đã đạt 130 ha và liên kết với trên 500 ha của nông dân. Đặc biệt, mô hình “Ruộng nhà mình” được triển khai từ năm 2024 đã thu hút 45 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và tiêu thụ gạo, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc và minh bạch hóa quy trình sản xuất.
“Chìa khóa” làm giàu nơi vùng cao
Bà Cầm Thị Ngân – Giám đốc HTX Quang Huy, chia sẻ: “Gạo Phù Yên đã có thương hiệu riêng nhờ canh tác hữu cơ bền vững và liên kết tiêu thụ hiệu quả. Chúng tôi kỳ vọng với sự đồng hành của địa phương và Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Sơn La, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần làm giàu cho bà con vùng cao”.
Có thể thấy, đằng sau những mô hình HTX thành công tại Sơn La có sự đồng hành, đóng góp tích cực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sơn La. Thời gian qua, Liên minh HTX các cấp đã liên tục hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn HTX xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ vốn vay ưu đãi và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Sơn La như chuyển giao công nghệ, tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch, tư vấn quản trị HTX, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc… đã giúp các HTX từng bước trưởng thành, nâng cao vị thế trong nền kinh tế tập thể, trở thành “bà đỡ” cho hàng trăm hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Phát triển kinh tế hợp tác, trọng tâm là HTX, đang là “chìa khóa” xóa đói giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương tỉnh Sơn La. Những mô hình như HTX thủy sản Tường Phong, HTX Đồng Tiến, HTX Quang Huy... không chỉ khẳng định vai trò là trung tâm liên kết sản xuất – tiêu thụ mà còn là nơi truyền cảm hứng cho bà con thay đổi tư duy canh tác, vươn lên làm giàu.
Với sự tiếp sức từ chính quyền và sự đồng hành hiệu quả của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Sơn La, bức tranh nông thôn miền núi tỉnh Sơn La đang dần “thay da đổi thịt” – không chỉ ấm no hơn mà còn hiện đại hơn, hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thị trường. Và trên hành trình ấy, các HTX tiếp tục là “cánh chim đầu đàn”, chắp cánh cho những ước mơ no đủ trên vùng đất từng lắm gian khó này.
An Chi