Đáng chú ý, những HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không chỉ là hạt nhân phát triển sản xuất tại các địa phương mà còn là điểm tựa vững chắc giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp
Trước những tác động kép của biến đổi khí hậu, thị trường tiêu dùng ngày càng khắt khe và yêu cầu chất lượng nông sản cao, Thái Nguyên đã chọn tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn và công nghệ cao. Đặc biệt, tỉnh xác định cây chè là cây trồng chủ lực, giữ vai trò then chốt trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, từ đó ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU để phát triển ngành chè theo hướng hiện đại và bền vững.
Theo thống kê, Thái Nguyên hiện có hơn 24.000ha chè, với hơn 83% diện tích được trồng bằng giống mới chất lượng cao. Sản lượng chè búp tươi năm 2024 đạt gần 273.000 tấn, mang lại giá trị khoảng 14.800 tỷ đồng.
![]() |
Chè là cây chủ lực, góp phần "đuổi" nghèo ở Thái Nguyên. |
Toàn tỉnh Thái Nguyên cũng có hàng trăm sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, nhiều sản phẩm đã có mặt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ là HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương). Với hơn 50 hộ nông dân liên kết sản xuất trên vùng nguyên liệu 10ha, HTX không ngừng đầu tư đổi mới giống, thực hiện số hoá quy trình chăm sóc và vận hành.
Bà Đào Thanh Hảo – Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi tập trung vào ứng dụng công nghệ thông minh như tưới nhỏ giọt, theo dõi sinh trưởng cây chè qua phần mềm quản lý, giảm chi phí nhân công, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, chè Hảo Đạt hiện nay không chỉ đạt chuẩn hữu cơ mà còn có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị cao cấp trong nước”.
Thành công của HTX Hảo Đạt không chỉ nằm ở doanh thu mà còn ở hiệu quả xã hội, như tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập bình quân 6–8 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ nghèo tham gia liên kết đã vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành hộ khá.
Ấn tượng mô hình “vườn na số”
Không chỉ dừng ở cây chè, tỉnh Thái Nguyên còn tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực như na, bưởi, nhãn. Trong đó, nhiều địa phương nổi lên với mô hình “vườn na số” – nơi các HTX, nhà vườn được hướng dẫn ghi chép số liệu sản xuất, theo dõi sinh trưởng cây na bằng ứng dụng công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Định – chủ một “vườn na số” tại xã Phú Thượng (nay là xã Võ Nhai) cho biết: “Tôi được HTX Phú Thượng hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng phần mềm ghi nhật ký điện tử, áp dụng bao trái và tưới nhỏ giọt. Nhờ vậy, na bán được giá cao, có thời điểm lên tới 66.000 đồng/kg. Gia đình tôi thu về hơn 400 triệu đồng/năm từ 1 ha trồng na”.
Năm 2024, toàn tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới 510 ha cây ăn quả, trong đó riêng vùng na Võ Nhai có 151ha đạt chứng nhận VietGAP, mang lại doanh thu gần 80 tỷ đồng. Đây là nền tảng để tỉnh tiếp tục mở rộng ứng dụng số hóa và hướng tới xây dựng thương hiệu “Na Võ Nhai” mang tầm quốc gia.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hoạt động hiệu quả trong chuỗi liên kết giá trị, từ cung ứng giống, vật tư đầu vào đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Các HTX không chỉ giúp người dân sản xuất bài bản mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hương (phường Phổ Yên) là một điển hình. HTX đã liên kết trồng hơn 30ha lúa Japonica chất lượng cao, bán giá cao hơn lúa thường từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các công ty gạo sạch, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
![]() |
Nhiều địa phương ở Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Đại diện HTX Tân Hương cho biết không còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nữa. HTX tổ chức cho thành viên, hộ liên kết canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, kiểm soát chất lượng đầu ra nghiêm ngặt. Có đơn hàng ổn định nên thu nhập của thành viên luôn duy trì từ 70 đến 90 triệu đồng/ha/vụ.
Phát triển kinh tế bền vững
Đáng chú ý, trong hành trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên, vai trò của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên là vô cùng quan trọng.
Thông qua các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại và chuyển giao khoa học kỹ thuật, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã trở thành điểm tựa cho hàng trăm HTX trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Từ năm 2022 đến nay, hàng chục HTX trong tỉnh đã tiếp cận được các chương trình vay vốn thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và địa phương, với tổng số vốn hàng chục tỷ đồng. Nguồn vốn này giúp các HTX đầu tư nhà xưởng, dây chuyền chế biến, máy móc phục vụ sản xuất theo tiêu chuẩn cao.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về quản trị HTX, ứng dụng chuyển đổi số, marketing số cho lãnh đạo và thành viên các HTX. Hàng chục HTX được hỗ trợ tham gia hội chợ, kết nối giao thương trong và ngoài nước, nâng cao năng lực tiêu thụ sản phẩm.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho hay luôn xác định rõ vai trò dẫn dắt của HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững. Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và các cấp ngành, nhiều HTX đã vươn lên mạnh mẽ, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Những mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt là các HTX nông nghiệp công nghệ cao ở Thái Nguyên, đang dần khẳng định vai trò là “trụ cột” trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Không chỉ tạo sinh kế ổn định, HTX còn đưa người dân đến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại, xanh và có trách nhiệm với môi trường.
Bằng việc phát huy thế mạnh bản địa, kết hợp chuyển đổi số, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và sự đồng hành sát sao từ Liên minh HTX Việt Nam, nông dân Thái Nguyên không chỉ thoát nghèo mà còn tiến tới làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Đây chính là con đường hiệu quả nhất để xây dựng kinh tế, xã hội bền vững và văn minh.
Mỹ Chí