Xã La Hiên được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt – đất núi đá có độ thoát nước nhanh – rất phù hợp cho sự phát triển của cây na, một loại cây không ưa nước. Nhờ vậy, na La Hiên luôn giữ được hương vị đặc trưng, thơm ngon, đậm vị ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng về chất lượng.
HTX ươm mầm cho cây na phát triển
Cây na đã bén rễ và phát triển ở La Hiên từ mấy chục năm nay. Hiện tại, tổng diện tích trồng na của xã đã đạt trên 350ha, thu hút gần 700 hộ dân tham gia. Nhờ cây na, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, mang lại diện mạo mới cho vùng quê vốn nhiều khó khăn này.
Câu chuyện thành công của HTX Na La Hiên là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Việc thành lập HTX Na La Hiên đã mang lại nhiều lợi thế vượt trội.
Một trong những điểm khác biệt làm nên thương hiệu na La Hiên chính là việc HTX áp dụng quy trình trồng na hữu cơ. Trồng hữu cơ giúp quả na thơm, ngon và ngọt đậm hơn, mặc dù đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn và phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Theo các thành viên HTX, na La Hiên có đặc điểm chín theo từng giờ, do đó, người trồng phải thường xuyên kiểm tra để hái kịp thời, tránh tình trạng quả chín quá mà hỏng. Thậm chí, ngay cả khi thời tiết mưa gió, việc thu hoạch vẫn phải được thực hiện nếu na đã già quả. Điểm khác biệt của na La Hiên so với na ở những vùng miền khác là na ở đây được cắt già tay hơn. Kinh nghiệm của các thành viên cho thấy, để biết na đã già quả hay chưa, người trồng phải búng thử quả và nghe tiếng phát ra xem đã "chuyển tiếng" hay chưa, giống như cách thử mít vậy.
![]() |
Cây na là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở La Hiên. |
Với quy trình sản xuất rõ ràng, sản phẩm na của HTX bán ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người sử dụng, từ đó giúp việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn rất nhiều.
Là mô hình tiên phong trong sản xuất kinh doanh, đến nay, HTX na La Hiên được đánh giá là cầu nối giúp bà con nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ na của HTX đạt khoảng trên dưới 2 tỷ đồng, một con số ấn tượng cho thấy tiềm năng to lớn của ngành na tại La Hiên.
Sau thời gian phát triển, na La Hiên của HTX được thị trường Hà Nội và Thái Nguyên rất ưa chuộng, thậm chí không đủ hàng để bán. Nhờ cây na, nhiều thành viên trong HTX đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, minh chứng rõ ràng cho hiệu quả kinh tế mà cây na mang lại.
Vai trò của xúc tiến thương mại
Sự phát triển của cây na La Hiên và HTX Na La Hiên không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và địa phương, doanh nghiệp… để tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.
Điển hình là Chương trình livestream phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên, diễn ra thành công tại khu vườn trồng na của HTX Na La Hiên. Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn lượt người theo dõi trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội. Kết quả, 1.000 đơn mua sản phẩm na đã được chốt, với tổng khối lượng 6,3 tấn.
Những con số ấn tượng này cho thấy sức hút đặc biệt của na La Hiên đối với người tiêu dùng và hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại trong bối cảnh công nghệ số.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ trong tập huấn, đào tạo của Liên minh HTX tỉnh, nhiều hộ trồng na, thành viên HTX Na La Hiên đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào tiêu thụ sản phẩm thông qua livestream bán hàng, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, như: Zalo, Facebook…
![]() |
Mùa na năm nay dự báo tiếp tục bùng nổ khi ngành chức năng đã có kế hoạch tổ chức lễ hội na để hỗ trợ người dân, HTX quảng bá, tiệu thụ. |
Theo các ngành chức năng, tiêu thụ nông sản nói chung, tiêu thụ quả na La Hiên nói riêng một cách thuận lợi một phần quan trọng là do người dân, HTX sản xuất ra được những sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn, đó là yêu cầu hết sức cần thiết.
Chính vì vậy, tỉnh Thái Nguyên và Liên minh HTX tỉnh thời gian qua đã có định hướng về các sản phẩm chủ lực, trong đó có quả na La Hiên để giúp các HTX tạo ra được những sản phẩm có thương hiệu. Việc na La Hiên có chứng nhận OCOP, mẫu mã đẹp mắt, chất lượng được nâng tầm là một trong những thành công, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, đưa lên sàn thương mại điện tử và nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng.
Bên cạnh đó, quảng bá thương hiệu của trái na là việc làm vô cùng quan trọng, Liên minh HTX tỉnh cũng đang làm tốt việc kết nối với các đơn vị để hỗ trợ HTX giới thiệu sản phẩm một cách thuận lợi. Đặc biệt, sau khi sáp nhập, sản phẩm na La Hiên càng được biết đến nhiều hơn.
Từ cây na đến sự thịnh vượng của cộng đồng
Cây na ở La Hiên không chỉ là câu chuyện về một loại cây trồng mang lại thu nhập cao, mà còn là câu chuyện về sự chuyển mình mạnh mẽ của một vùng quê.
Với sự nỗ lực không ngừng của người dân, sự dẫn dắt của các HTX và sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành, đặc biệt là Liên minh HTX tỉnh, cây na La Hiên đang ngày càng khẳng định vị thế, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Bà Phương Thị Tiền, người trồng na ở La Hiên cho biết nghề trồng na rất vất vả, tuy nhiên so với các cây trồng khác thì cây na cho năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, gia đình bà đang có diện tích 12 sào na, mỗi vụ thu 5 tạ quả/sào, chi phí đầu tư ban đầu để chăm sóc cây khoảng 25-30 triệu đồng.
Khi được HTX hỗ trợ thu mua với giá trung bình 30.000-40.000 đồng/ kg, sau khi trừ các chi phí thì mỗi năm gia đình bà Tiền thu khoảng gần 200 triệu đồng. Cũng theo bà, cây na trồng trên núi đá sẽ cho quả chất lượng cao hơn, thơm ngon hơn. Do đó, na cũng bán được giá hơn so với trồng dưới vùng đất bằng.
Còn đối với ông Trần Văn Thái, là hộ dân trồng na ở La Hiên với diện tích khoảng 10 sào, trung bình mỗi sào cho thu nhập từ 15-18 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế này không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Năm nay, dù điều kiện thời tiết không thuận, nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên theo dự báo của HTX na La Hiên, năng suất na dự kiến vẫn tăng 20-30% so với năm trước. Các ngành chức năng đã có kế hoạch tổ chức lễ hội na để quảng bá sản phẩm và tiêu thụ na cho bà con, HTX, nên dự báo vấn đề tiêu thụ sẽ tiếp tục thuận lợi.
Rõ ràng, phát triển na theo hướng hàng hóa thực sự là một mô hình đáng để nhân rộng khi đã và đang mang lại "trái ngọt" cho cả người nông dân và nền kinh tế địa phương.
Tùng Lâm