Trước thời điểm sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long mới, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị đã hỗ trợ củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, khuyến khích phát triển HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, trở thành "điểm sáng" tại địa phương.
Lấy lợi ích của nông dân làm đầu
HTX Nông nghiệp Thành Công được thành lập năm 2022 trên nền tảng chuyển đổi từ Tổ hợp tác (THT) thu mua dừa, có 21 thành viên, vốn điều lệ 40 triệu đồng.
HTX hoạt động chủ yếu trên cơ sở liên kết, phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và hỗ trợ gia công, bao tiêu sản phẩm trái dừa khô với các công ty trong và ngoài tỉnh, như: tổ chức thu mua dừa trái khô của các thành viên, sau đó gia công lột và giao trái dừa lột, vỏ dừa cho công ty. Bên cạnh đó, HTX còn đầu tư phát triển trung tâm cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh cho các thành viên và người dân có nhu cầu.
![]() |
Sơ chế dừa khô tại HTX Nông nghiệp Thành Công. |
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Nguyễn Chí Công cho hay: Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX đã tạo được nguồn thu đáng kể cho các thành viên, thu hút đông đảo người dân tham gia. Hiện HTX có 297 thành viên, tăng 276 thành viên so với mới thành lập, với tổng diện tích canh tác 401ha. Đặc biệt, các diện tích dừa của HTX đều canh tác theo hướng hữu cơ. Năm 2023, HTX thu mua và cung cấp cho công ty 860 ngàn trái dừa, với doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 35 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, HTX thu mua và cung cấp cho công ty khoảng 720 ngàn trái; đồng thời trung bình mỗi tháng tiêu thụ 0,93 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, đã giải quyết việc làm thường xuyên ổn định cho 18 lao động nông thôn.
Tham gia HTX từ những ngày đầu mới thành lập, ông Trần Văn Bùi, ở ấp Bình Phú chia sẻ: Gia đình có 4 công đất trồng dừa, trước đây canh tác theo hướng truyền thống, sản lượng và lợi nhuận không cao. Khi tham gia vào HTX, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo quy chuẩn hữu cơ và được bao tiêu sản phẩm, nên vườn dừa của gia đình cho sản lượng và lợi nhuận tăng từ 20 - 30%. Hiện mỗi tháng, trung bình vườn dừa 4 công của gia đình cho thu hoạch trên 500 trái, thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng.
Chính quyền địa phương cho biết, địa phương hỗ trợ HTX về kinh phí và đang hướng dẫn hoàn thành các thủ tục sửa chữa nhà xưởng và đầu tư mua máy tơi chỉ xơ dừa... để HTX mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Lợi nhuận từ trồng ngô cao gấp 3 lần trồng lúa
Để đẩy mạnh phát triển KTTT, Liên minh HTX tỉnh, cũng như lãnh đạo địa phương luôn khuyến khích và hỗ trợ các HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Như mô hình THT trồng ngô giống ấp Huyền Đức, đang mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Vũ, thành viên THT trồng ngô giống ấp Huyền Đức vui mừng cho biết gia đình ông canh tác lúa, ngô giống, màu trên diện tích 6 công đất hơn 15 năm nay. Tuy nhiên, từ khi tham gia THT sản xuất ngô giống, ông được Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam cung cấp giống ngô, hỗ trợ kỹ thuật suốt vụ. Đến kỳ thu hoạch, ngô giống được Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam bao tiêu nên nông dân yên tâm sản xuất, không phải lo vấn đề đầu ra.
![]() |
Thành viên THT trồng ngô giống ấp Huyền Đức thu hoạch ngô giống. |
“So với vụ Đông Xuân trước, vụ trồng năm nay năng suất bình quân cao hơn 1 tấn/ha, giá cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg nên nông dân đạt lợi nhuận 70 - 80 triệu đồng/ha”, ông Vũ cho hay.
Ông Trần Minh Vĩnh, Tổ trưởng HTX trồng ngô giống ấp Huyền Đức cho biết, hiện HTX có 17 hộ trồng ngô giống trên diện tích 10 ha. Những năm trước người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa nhưng vụ Đông Xuân thường xuyên bị thiếu nước tưới nên năng suất đạt rất thấp. Vì vậy, khi được địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hỗ trợ kỹ thuật, người dân mạnh dạn tham gia.
Các thành viên của HTX trồng ngô giống ấp Huyền Đức hiện nay hầu hết luân canh 3 vụ lúa, ngô giống, màu. Ngô giống được trồng ở vụ Đông Xuân, từ lúc trồng đến khi thu hoạch kéo dài 105 ngày. Nhiều hộ thành viên HTX có thâm niên chuyển đổi trồng ngô giống hơn 20 năm, mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 3 lần so với trồng chuyên canh cây lúa trên cùng diện tích, cải thiện đáng kể thu nhập cho gia đình.
Gia đình ông Huỳnh Ni, thành viên THT trồng ngô giống ấp Huyền Đức chia sẻ, hồi tháng 4 vừa qua gia đình ông thu hoạch 3 công ngô giống SC29 (1 công = 1.000 m2), với năng suất đạt 1 tấn/công. Theo giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 24 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với ông trồng lúa trước kia trên cùng diện tích.
“Cánh tay nối dài” giúp KTTT, HTX phát triển
Theo kế hoạch giảm nghèo năm 2025, tỉnh Trà Vinh (cũ) đặt mục tiêu phấn đấu giảm 433 hộ nghèo và 1.400 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, địa phương xác định phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX là một trong những yếu tố then chốt để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Vì vậy, thời gian qua địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX, THT trên địa bàn tỉnh.
Có thể đánh giá, thời gian qua KTTT, HTX tỉnh đã có những bước phát triển nhất định. Song, trong hành trình phát triển đó các đơn vị cũng đã gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề về nguồn lực. Do đó đại diện các HTX mong muốn được tiếp cận các chính sách nhanh, kịp thời và thuận lợi; quan tâm bố trí quỹ đất để HTX mở rộng sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh (cũ) nay là tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc củng cố và phát triển các HTX từ đó giúp cho người dân và thành viên an tâm sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thực hiện tốt vai trò chức năng của mình trong việc tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích thành viên. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các sở, ngành, cùng UBND các huyện, thị, thành phố thành lập HTX đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Đơn cử, trong 8 năm (2016 - 2024), Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX chấp thuận và ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển Trà Vinh ký kết 29 hợp đồng cho vay vốn, tổng giá trị 11,333 tỷ đồng, đã giải ngân 11,213 tỷ đồng, tổng lãi vay thu 0,97 tỷ đồng. Các dự án đầu tư vay vốn tại Quỹ đến nay đã đi vào hoạt động và dần ổn định, hầu hết các HTX thực hiện trả nợ gốc và lãi vay đầy đủ, đúng thời gian quy định.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 171 HTX và 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó có 129 HTX, Liên hiệp HTX nông nghiệp, 27 HTX phi nông nghiệp và 16 QTDND. Nhu cầu cần vốn của HTX là rất lớn để đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường. Xác định nhu cầu vay vốn của HTX rất cao, chủ yếu là nguồn vay lưu động để phát triển sản xuất cho thành viên và HTX.
Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh đề cao vai trò của việc chuyển đổi số, xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP...; tổ chức cho các HTX tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đây sẽ là cầu nối giúp các HTX liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển KTTT, HTX phát triển.
Huyền Mi