Gom vàng trước tiệm, đẩy giá ngoài luồng
Đồng thời, họ rao bán số lượng "không giới hạn" với mức giá rẻ hơn trong tiệm, nhằm thu hút những người cần mua gấp với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Nhân - người dân sinh sống gần tiệm vàng này chia sẻ: “Họ hoạt động như một đội gom vàng chuyên nghiệp. Người mua - người bán được dẫn tới những vị trí khuất để thực hiện giao dịch. Cứ thấy khách bước xuống xe là họ ra đón ngay. Hình thức mua bán kiểu này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”.
Trong vai người có nhu cầu mua vàng, phóng viên được một người phụ nữ tiếp cận và chào mời: “Bạn muốn mua hay bán? Nếu bán thì mình mua lại chênh 1 triệu đồng/lượng so với giá mua vào từ tiệm vàng, nếu bạn muốn mua thì cũng có hàng, giá tốt hơn trong tiệm, cần bao nhiêu cũng có”.
![]() |
Đội “săn” vàng tiếp cận khách tới tiệm vàng giao dịch. |
Tuy nhiên, khi được hỏi về giấy tờ và chất lượng vàng, người này chỉ cười rồi đáp: “Vàng ngoài luồng thì khó có đầy đủ hóa đơn, khách có thể mang đi kiểm tra. Với tiệm vàng thì khách phải đặt cọc rồi tự vào kiểm tra, vì chúng tôi bị cấm vào rồi”.
Chị Lê Thị Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi đến từ sớm, thấy rất đông người đứng rải quanh cửa tiệm. Họ tiếp cận bất kỳ ai có ý định vào trong. Nhiều người tưởng họ là nhân viên cửa hàng. Họ chào bán, chào mua nhanh gọn, giá hời, chỉ 5 - 10 phút là xong giao dịch, không phải xếp hàng”.
Chị Hằng cũng thông tin, những người này chào mua lại vàng với giá chênh lệch đến 1 triệu đồng/lượng so với giá mua vào trong tiệm. “Người bán thấy lời thì bán, còn họ gom được vàng giá tốt, rồi bán ra sau khi giá lên. Giao dịch lớn, luân chuyển nhanh khiến giá ngoài thị trường biến động rất mạnh”, chị nhận định.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, thị trường vàng biến động khiến nhiều người sợ bỏ lỡ cơ hội, đổ xô đi mua. “Tuy nhiên, giá chênh có thể lời thật, nhưng mua ở bên ngoài tiệm thì chẳng có gì đảm bảo. Vàng có thể giả, kém chất lượng, không hóa đơn, thậm chí tiền giao dịch cũng có thể là tiền giả”, bà nói.
Theo bà Hoa, một phần lý do khiến người dân chấp nhận mua ngoài là vì các tiệm vàng lớn đang giới hạn số lượng bán ra, mỗi người chỉ được mua 1 - 2 chỉ. Nhiều khách xếp hàng từ sớm, đến lượt thì không còn hàng hoặc chỉ bán nhỏ giọt. Nóng ruột trước biến động giá, họ chọn giải pháp nhanh nhưng rất rủi ro là giao dịch trao tay ngay ngoài cửa tiệm.
Cẩn trọng mắc bẫy “vàng dễ mua”
Theo các chuyên gia tài chính, hoạt động mua bán vàng trước cửa tiệm là dạng giao dịch phi chính thống, tiềm ẩn rủi ro tài chính và pháp lý cho người tiêu dùng. Nếu xảy ra tranh chấp như vàng không đủ tuổi, hàng giả, cân thiếu… thì người mua gần như không có cơ sở pháp lý để xử lý, do không có hóa đơn hay giấy tờ xác thực.
Bên cạnh đó, nếu người bán ngoài luồng có dấu hiệu lừa đảo, khách muốn kiện cũng khó vì không xác minh được danh tính, không hợp đồng, không bằng chứng. Giao dịch tiền mặt, không kiểm định, nguy cơ mất trắng là có thật.
Tâm lý sợ lỡ cơ hội khiến nhiều người vội vã gom hàng, nghĩ rằng trả thêm vài trăm nghìn hay 1 triệu đồng cũng không đáng kể. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi ấy là một cái bẫy thị trường: vàng không kiểm định, không minh bạch, không bảo chứng. Khoản tiền chênh vài triệu có thể biến thành thiệt hại hàng chục triệu nếu vàng không đạt chuẩn hoặc không bán lại được.
Thị trường vàng đang biến động khó lường, kéo theo nhiều hành vi gom hàng, đầu cơ và giao dịch ngoài luồng. Trong bối cảnh đó, sự tỉnh táo và hiểu biết của người tiêu dùng chính là “rào chắn” cuối cùng để không rơi vào vòng xoáy: giá chênh - lời ảo - thiệt thật.
Tiến Anh