Đặc biệt, thông qua mô hình Hợp tác xã (HTX), việc trồng và chế biến trám đen đang được phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp, mở ra những triển vọng tươi sáng cho nông dân.
Trám đen làm thay đổi cuộc sống người dân
Tại xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (cũ) nay là xã Điềm Thụy tỉnh Thái Nguyên, cây trám đen đã gắn bó với người dân từ bao đời nay. Đến nay, những cây trám này đã trở thành những cây cổ thụ cao lớn. Đặc biệt nhìn thấy tiềm năng của loại cây trồng này, đến nay, các cơ quan quản lý đã hướng dẫn người dân, HTX trồng được thêm 3ha trám mới, nâng tổng diện tích cây trám đen trên địa bàn xã là 7,5ha. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vài năm trở lại đây, cây trám đen đã thực sự mang lại nguồn thu nhập đáng kể, làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Quả trám đen được người dân nơi đây ví như một loại "vàng đen" bởi giá trị kinh tế mà nó mang lại. Nhờ trồng trám, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Có gia đình trở nên khấm khá, cuộc sống ngày càng được nâng cao. Ước tính trung bình, cả xã Hà Châu (cũ) có thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm chỉ nhờ trồng trám. Nhiều người dân còn nhận định rằng, nói về giá trị kinh tế thì hiện không có loại cây nào trên địa bàn có thể sánh được với loại cây đặc sản này.
![]() |
Những cây trám cổ thụ đang được người dân, HTX và ngành chức năng bảo tồn. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Khiêu, một hộ trồng trám tại địa phương với khoảng 30 cây đang cho thu hoạch. Ông Khiêu chia sẻ, so với những loại cây trồng khác, cây trám không mất nhiều công chăm sóc mà giá trị kinh tế lại cao.
Giai đoạn quan trọng nhất là lúc mới bắt đầu trồng, còn khi cây đã ra quả ổn định thì chỉ cần bón phân để cây phát triển. Cây trám có tuổi thọ lâu đời, sức sống bền bỉ, sau 7-8 năm trồng mới ra quả bói, nhưng khi cây đã có quả thì sản lượng ổn định theo từng năm. Đặc biệt, có những cây trám cổ thụ cho sản lượng từ 3-4 tạ quả mỗi vụ. Với giá quả trám đen từ 120.000-150.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi cây cổ thụ có thể mang về thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng/cây.
Năm nay, mặc dù thời tiết có phần thất thường khiến sản lượng trám giảm đôi chút, nhưng giá cả vẫn giữ ở mức ổn định. Gia đình ông Khiêu ước tính sản lượng trám trong năm nay đạt từ 1-1,5 tấn quả. Điều đáng nói là trám của gia đình ông thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, thậm chí thương lái còn đến tận nhà mua mà không cần phải mang ra chợ bán. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của trám trên thị trường.
Hiện nay, tại địa phương đã có HTX Bảo tồn và chế biến trám đen Hà Châu. Để nâng cao chất lượng, ngoài những cây trám cũ, HTX đã cùng chính quyền địa phương phát triển thêm 10 hecta cây trám với 110 hộ dân tham gia. Sản lượng thu hoạch hàng năm của HTX đạt khoảng 25 tấn, góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó góp phần vào giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nhờ sự vào cuộc của HTX và sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, thị trường tiêu thụ quả trám của HTX đã vượt ra khỏi tỉnh Thái Nguyên, đến với nhiều vùng đất mới, cả ở miền Trung và miền Nam. Khi vào mùa thu hoạch, HTX và người dân đã có các đơn đặt hàng từ trước nên thường xảy ra tình trạng sản xuất không đủ bán. Nhiều thương lái còn phải vào tận vườn mua cả cây từ rất sớm.
Với cách tính đơn giản của người dân, khi quy ra thóc, mỗi cây trám cho giá trị kinh tế bằng cả mẫu ruộng mà không mấy vất vả chăm bón. Công việc vất vả nhất đối với người dân chỉ ở thời điểm thu hoạch, khi phải trèo lên cây trám cổ thụ hái quả. Tuy nhiên, chính những ngày thu hoạch lại giúp vùng quê có không khí nhộn nhịp hơn bao giờ hết, là mùa của niềm vui và sự no ấm.
Ngoài bán trám tươi, HTX Hà Châu còn đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm từ trám như trám muối, trám đen hút chân không, nham trám, trám ngâm mắm… để đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng giá trị kinh tế.
Phát triển theo hướng bền vững
Cũng trên hành trình phát triển cây trám, sau khi sáp nhập, Thái Nguyên có thêm những diện tích trồng trám tại Bắc Kạn (cũ). Điều này càng góp phần mở rộng cơ hội cho loại cây trồng này và đưa cây trám trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Thay vì chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, HTX Nông nghiệp Tân Thành, (xã Nông Thượng) đã tham gia dự án của Nhà nước để phát triển vùng nguyên liệu trám an toàn rộng 2 gần 30 hecta nhằm phủ xanh đất trống và nâng cao thu nhập, thúc đẩy giảm nghèo cho người dân.
![]() |
Trám đen cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác. |
Theo đánh giá của HTX, năng suất vùng nguyên liệu trám ước đạt 3,5-4 tấn/hecta, với tổng sản lượng 102 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế khoảng 150 triệu đồng/hecta, cao hơn nhiều lần so với những cây trồng truyền thống.
Khi thu hoạch đại trà, theo hợp đồng liên kết đã ký, HTX Nông nghiệp Tân Thành sẽ mua trám theo giá thị trường cho các hộ dân. Quả trám sau khi thu hoạch về, HTX sẽ chế biến thành những sản phẩm như: Trám nếp đen tươi, trám nếp đen sấy khô, bột trám nếp đen... có đầy đủ tem, nhãn mác, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm và xuất bán ra thị trường. Điều này cho thấy định hướng rõ ràng của HTX trong việc phát triển chuỗi giá trị, nâng cao vị thế của sản phẩm trám đen.
Từ những triển vọng bước đầu cho thấy, cây trám đen đã trở thành đặc sản mũi nhọn giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đây còn là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX trồng trọt trên địa bàn. Do là cây lâu năm nên các hộ liên kết trồng trám đang tiếp tục duy trì, đầu tư phát triển chăm sóc, bảo vệ cây theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm hạn chế sâu bệnh, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.
Tiềm năng hợp nhất
Với việc sáp nhập Thái Nguyên và Bắc Kạn (cũ) từ ngày 1 tháng 7 năm 2025, hai vùng đất có truyền thống và tiềm năng phát triển cây trám đã hợp nhất, tạo nên một lợi thế cạnh tranh vượt trội. Sự kết hợp này không chỉ mở rộng quy mô vùng nguyên liệu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ canh tác, và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Những kinh nghiệm quý báu từ HTX Bảo tồn và chế biến trám đen Hà Châu hay HTX Tân Thành sẽ là kinh nghiệm quý báu để tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất về loại cây trồng này. Đây cũng là định hướng quan trọng cho việc phát triển bền vững cây trám trên toàn địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Sự hợp nhất này cũng tạo cơ hội cho việc xây dựng một thương hiệu trám đen chung cho cả vùng, với các tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ, tem nhãn, mã vạch và hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Điều này sẽ giúp nâng cao uy tín sản phẩm, dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính hơn và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tóm lại, cây trám đen, với những giá trị kinh tế vượt trội, đang thực sự trở thành một "vàng đen" của Thái Nguyên. Thông qua mô hình HTX, người dân không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, mà còn được kết nối thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua chế biến sâu. Sự hợp nhất của hai tỉnh sẽ càng củng cố vị thế của cây trám, biến nó thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần đưa nông nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ, bền vững,và mang lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân.
Tùng Lâm