Sự phát triển của các HTX phi nông nghiệp đã mở ra một hướng đi đầy hứa hẹn, khai thác những tiềm năng khác của địa phương và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Đa dạng hóa ngành nghề, thúc đẩy giảm nghèo
Các HTX phi nông nghiệp ở Thái Nguyên gặt hái được thành công cũng là minh chứng cho tư duy năng động, sáng tạo của người dân và chính quyền địa phương. Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp thuần túy, các HTX này đã mạnh dạn dấn thân vào những lĩnh vực mới, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Có thể kể đến các HTX trong lĩnh vực vận tải, cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng, kết nối các vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ. Các HTX tiểu thủ công nghiệp phát huy các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm gốm, chế tác sản phẩm từ tre nứa, không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn tạo ra những sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh.
![]() |
HTX phi nông nghiệp hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, thúc đẩy sản xuất và nâng cao kinh tế. |
Lĩnh vực xây dựng với các HTX chuyên về thi công các công trình dân dụng, giao thông nông thôn, góp phần hiện đại hóa hạ tầng địa phương. Và các HTX trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (như dịch vụ du lịch cộng đồng, dịch vụ môi trường, thu gom rác thải, sửa chữa máy móc...) cũng đang phát triển mạnh mẽ, lấp đầy những khoảng trống trong chuỗi cung ứng dịch vụ ở nông thôn.
Sự đa dạng này không chỉ tạo ra nhiều lựa chọn việc làm cho người lao động mà còn giúp nền kinh tế địa phương trở nên linh hoạt và ít phụ thuộc hơn vào một ngành nghề duy nhất.
Thành công của các HTX phi nông nghiệp ở Thái Nguyên nằm ở khả năng tập hợp sức mạnh của nhiều cá nhân, cùng nhau chia sẻ rủi ro, đầu tư vốn, công nghệ và kinh nghiệm. Mô hình này giúp các thành viên vượt qua những hạn chế của sản xuất nhỏ lẻ, tạo ra quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.
Các HTX này thường được tổ chức chặt chẽ, có ban quản lý chuyên nghiệp, hoạt động theo điều lệ rõ ràng, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của từng thành viên. Họ chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, các HTX còn chú trọng đầu tư vào công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất.
Trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa, nhiều lao động nông thôn có xu hướng rời bỏ quê hương để tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, với sự phát triển của các HTX phi nông nghiệp, cơ hội việc làm ngay tại địa phương đã được mở rộng. Các HTX này không chỉ tạo ra việc làm trực tiếp mà còn gián tiếp thúc đẩy các ngành nghề phụ trợ khác. Thu nhập ổn định từ các công việc phi nông nghiệp giúp các hộ gia đình cải thiện đời sống. Điều này góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt ở các vùng khó khăn.
Minh chứng cho tinh thần đổi mới
Để hình dung rõ hơn về hiệu quả của các HTX phi nông nghiệp có thể nhìn vào một ví dụ điển hình về tinh thần khởi nghiệp và đổi mới. Mô hình này đã phần nào phản ánh xu hướng và tiềm năng chung mà Thái Nguyên cũng đang hướng tới và phát huy. Đó là câu chuyện của HTX Phi Đoàn (thuộc tỉnh Bắc Kạn cũ).
Năm 2020, HTX Phi Đoàn chính thức thành lập. Ban đầu là một xưởng nhỏ với vài thiết bị đơn giản, sản xuất thử nghiệm một số máy làm đất và máy gặt lúa. Nhờ nắm bắt đúng nhu cầu và luôn chú trọng cải tiến kỹ thuật, đến nay HTX có thể sản xuất, lắp ráp và sửa chữa nhiều loại máy nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất miền núi, như: Máy cày tay, xe tắc-tơ, thùng xe tắc-tơ, máy gặt đập liên hoàn…
HTX Phi Đoàn hiện tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, trong đó 10 người được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Thu nhập bình quân của công nhân dao động từ 6 – 10 triệu đồng/tháng.
"Nhờ có HTX Phi Đoàn ở ngay địa phương, nên tôi vừa đi làm gần nhà vừa có thu nhập ổn định, tôi thấy mình may mắn. Trước đây, tôi phải đi làm xa mà công việc không ổn định”, ông Vũ Cao Quyền, một lao động gắn bó với HTX từ những ngày đầu, cho biết.
![]() |
HTX phi nông nghiệp giúp nhiều người dân có việc làm mà không phải ly hương. |
Không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, HTX còn góp phần quan trọng trong việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp nông thôn. Các sản phẩm cơ khí của HTX giúp người dân tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất, nhất là vào mùa vụ cao điểm.
HTX cũng từng bước mở rộng thị trường, tham gia các nền tảng, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như tuyển dụng học viên (trong và ngoài tỉnh) có nhu cầu tạo tạo nghề. Trung bình mỗi tháng, HTX bán sản phẩm từ vài chục đến vài trăm máy, linh kiện… và sửa chữa, bảo dưỡng các loại máy nông nghiệp cho người dân.
Quá trình hoạt động, HTX nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương. Các chương trình hỗ trợ máy móc, đào tạo kỹ thuật và kết nối thị trường là động lực giúp HTX vượt qua khó khăn ban đầu và đạt được kết quả như hôm nay.
Với cách làm bài bản, hiệu quả và có chiều sâu, HTX Phi Đoàn không chỉ là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu mà còn là minh chứng cho sự đổi thay ở vùng quê, nơi người trẻ dám nghĩ, dám làm, gắn bó với quê hương.
Tương tự, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cũng là một trong những điển hình của sự phát triển toàn diện của mô hình HTX phi nông nghiệp.
HTX này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực vận tải mà còn mở rộng sang khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất Ferro các loại trên địa bàn 3 tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng và Tuyên Quang (cũ).
HTX đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng, đồng thời đóng hàng chục tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách các tỉnh.
Những con số này không chỉ thể hiện quy mô và hiệu quả kinh tế của HTX mà còn minh chứng cho tác động tích cực đến đời sống người lao động và ngân sách địa phương. Với mức thu nhập ổn định và việc làm bền vững, nhiều gia đình đã thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên khá giả, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Ngoài HTX Chiến Công, Thái Nguyên còn có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải, với những cái tên như HTX Vận tải ô tô Tân Phú, HTX Dịch vụ Vận tải Chuyên Đức, HTX Vận tải Chùa Hang…. Các đơn vị này đã nỗ lực đầu tư phương tiện mới, mở rộng dịch vụ, luồng, tuyến hoạt động, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, với thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Dù vẫn còn những vướng mắc trong quản lý và mô hình hoạt động, nhưng nhìn chung, các HTX vận tải đã góp phần quan trọng vào việc lưu thông hàng hóa, thúc đẩy giao thương và tạo cơ hội sinh kế cho nhiều người dân.
Tầm nhìn phát triển
Câu chuyện của các HTX kể trên là những ví dụ sinh động, phản ánh rõ nét những giá trị mà các HTX phi nông nghiệp đang mang lại cho các vùng nông thôn như: tạo việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua đổi mới và liên kết.
Để các HTX phi nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực giảm nghèo bền vững, Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ. Các chính sách này bao gồm hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ HTX, tập huấn kỹ thuật cho người lao động, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của HTX là yếu tố then chốt.
Đi liền với đó, sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ vững chắc. Các HTX đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa người dân với thị trường, đồng thời là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị của nhiều ngành hàng.
Với những định hướng đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng, các HTX phi nông nghiệp ở Thái Nguyên không chỉ là những đơn vị kinh tế đơn thuần mà còn là những tế bào sống, mang lại sức sống mới cho nông thôn, góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Minh Nhương