Đây là minh chứng rõ nét cho thấy, khi HTX và doanh nghiệp bắt tay nhau, tiềm năng của nông sản và kinh tế địa phương sẽ được khai mở mạnh mẽ.
Từ vườn nhà đến kệ siêu thị
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức từ biến đổi khí hậu, việc phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các HTX, trở thành yếu tố then chốt để nông dân nhỏ lẻ không bị đơn độc trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Liên minh HTX TP Cần Thơ, cùng các ngành hữu quan, đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ HTX một cách bài bản. Đó là việc tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và thành viên HTX về xây dựng nhãn hiệu, đăng ký mã số vùng trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đồng thời, việc hỗ trợ các HTX tham gia các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại là cầu nối quan trọng giúp họ nắm bắt được nhu cầu thị trường, tập trung đầu tư cho sản xuất để gia tăng chất lượng, và quan trọng hơn cả là tìm kiếm, mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp. Chính những hoạt động này đã tạo tiền đề vững chắc cho việc hình thành các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện đáng kể đời sống của thành viên HTX và nông dân liên kết.
![]() |
HTX Lộc Hưng là một trong những đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu xuất khẩu trái cây thành công ở Cần Thơ. |
Trước sự hỗ trợ của Liên minh HTX thành phố và các ban ngành liên quan, một trong những câu chuyện thành công tiêu biểu về sự kết nối giữa HTX và doanh nghiệp phải kể đến HTX Nông nghiệp Thới Trinh. Với mong muốn nâng cao giá trị canh tác vườn cây ăn trái đặc sản, HTX đã tập trung vào việc trồng nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới chứng nhận OCOP.
HTX hiện có 60 thành viên, chuyên trồng nhãn Ido, thanh nhãn và ổi Ruby trên tổng diện tích hơn 48,8 ha. Trong đó, nhãn Ido là cây trồng chủ lực, chiếm trên 90% diện tích. Nhờ sự trợ giúp của Liên minh HTX thành phố, ngành chức năng và chính quyền địa phương, HTX đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, được cấp 4 mã số vùng trồng, duy trì canh tác nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Những thành tựu này không chỉ nâng tầm uy tín cho sản phẩm của HTX mà còn mở ra cánh cửa lớn để tiếp cận các đối tác, doanh nghiệp thu mua lớn. Hiện tại, nhãn Ido của HTX Thới Trinh đã có mặt trên kệ của các hệ thống siêu thị lớn như GO, Bách Hóa Xanh trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán ra thị trường từ 2-5 tấn nhãn Ido, với giá trên dưới 16.000 đồng/kg, tùy thời điểm.
Theo Ban giám đốc HTX, việc duy trì canh tác nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng dẫn thành viên áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác, xử lý cho cây nhãn ra trái quanh năm, đặc biệt đảm bảo trái nhãn đạt chất lượng an toàn, là chìa khóa giúp sản phẩm luôn bán được giá cao và được đối tác đến tận nơi thu mua, ký hợp đồng. Điều này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà vườn trong HTX.
Ước tính, với 1 công (diện tích 1.300m2) trồng nhãn Ido, năng suất thu hoạch trên dưới 2 tấn, nhà vườn có thể đạt thu nhập trên dưới 30 triệu đồng, tùy thời điểm. Rõ ràng, HTX Thới Trinh đã trở thành chiếc “cầu nối” vững chắc, vừa giúp nông dân làm tốt các quy trình canh tác nông sản an toàn, vừa kết nối hiệu quả với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên và góp phần vào quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Không chỉ dừng lại ở cây ăn trái, sự liên kết giữa HTX và doanh nghiệp còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cao, điển hình là HTX Công nghệ cao ODA. Với tầm nhìn đổi mới, HTX này đã chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu để tạo ra các mặt hàng sợi sấy thăng hoa đông trùng hạ thảo đạt chuẩn chất lượng cao.
Sản phẩm sợi sấy thăng hoa đông trùng hạ thảo của HTX ODA không chỉ được doanh nghiệp liên kết, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng mà còn được công nhận rộng rãi. Sản phẩm này đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và vinh dự là một trong 100 sản phẩm tiêu biểu của HTX cả nước, được Liên minh HTX Việt Nam trao giải thưởng “Mai An Tiêm” lần thứ nhất năm 2024.
Cũng nhờ tổng hợp được nhiều thế mạnh từ công nghệ, chất lượng và chiến lược thị trường, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX đã có mặt trên nhiều quầy kệ của các cửa hàng, đại lý kinh doanh thực phẩm sạch ở TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và một số tỉnh, thành phía Bắc. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên HTX mà còn cho cả những nông dân liên kết hợp tác với HTX, tạo ra một nguồn sinh kế mới đầy hứa hẹn.
Dấu ấn liên kết toàn diện
Ngoài những câu chuyện thành công cụ thể, sự liên kết HTX-doanh nghiệp còn thể hiện qua các con số ấn tượng trên địa bàn Cần Thơ. Theo thống kê, tính đến năm 2024, Cần Thơ có trên 350 HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp, thu hút hơn 25.000 thành viên. Tổng doanh thu của các HTX liên tục tăng trưởng, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Từ chỗ quen với sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, nông dân và các thành viên HTX đã dần tiếp cận với tư duy kinh tế nông nghiệp – sản xuất gắn với thị trường, theo chuỗi giá trị. Việc cấp mã số vùng trồng (Cần Thơ hiện có 223 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 3.000 ha, trong đó có nhiều diện tích của HTX) là một minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, yếu tố bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu.
![]() |
Liên minh HTX thành phố làm việc với HTX để nắm bắt khó khăn, tìm phương án giúp HTX liên kết với doanh nghiệp. |
Bằng sự nỗ lực và trợ lực không ngừng nghỉ, đến nay, hơn 70% HTX sản xuất thủy sản, lúa chất lượng cao và cây ăn trái tại Cần Thơ đã ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên. Điều này không chỉ giúp nông dân ổn định thu nhập mà còn khuyến khích họ đầu tư vào sản xuất chất lượng cao, bởi đã có đầu ra chắc chắn. Nhiều HTX trên địa bàn đã đạt chứng nhận VietGAP, có nhãn hiệu hàng hóa và hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về số lượng lẫn chất lượng cho các hợp đồng tiêu thụ dài hạn, bao gồm cả xuất khẩu như HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, HTX Thuận Phát…
Hay điển hình là HTX Nông nghiệp Lộc Hưng với hơn 40 ha diện tích trồng cây ăn trái (trong đó có 22 ha xoài tượng da xanh, 20 ha xoài cát Hòa Lộc). HTX đã được Liên minh HTX và ngành nông nghiệp TP Cần Thơ hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng xuất khẩu. Nhờ đó, xoài tượng da xanh của HTX đã được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thành công sang Australia và Mỹ. Tương tự, Tổ hợp tác Trạng Tí Garden nhờ đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất đã có hơn 1 tấn thanh nhãn được doanh nghiệp ký kết xuất khẩu sang Mỹ.
Những thành công này không chỉ mang lại thu nhập tiền tỷ cho nông dân Cần Thơ từ trồng cây ăn trái mà còn là động lực để họ tiếp tục đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước nhập khẩu và yêu cầu từ phía công ty thu mua.
Vững vàng trên chặng đường mới
Việc có trên 350 HTX, trong đó nhiều đơn vị đã chứng minh khả năng sản xuất hàng hóa đạt chuẩn và liên kết xuất khẩu, Cần Thơ đang dần khẳng định vị thế là một trung tâm nông nghiệp chất lượng cao của Đồng bằng sông Cửu Long.
Các HTX đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, giúp nông dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập và tự tin tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là hướng đi đúng đắn, hứa hẹn một tương lai tươi sáng và bền vững cho nông nghiệp Cần Thơ trên chặng đường hội nhập quốc tế.
Thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ứng dụng công nghệ mới, nhằm giúp các HTX bắt kịp yêu cầu đổi mới kinh doanh trong môi trường số.
Song song đó, các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giữa các HTX với nhau và giữa các HTX với doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đặc biệt, Cần Thơ cũng quan tâm xây dựng và phát triển các mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao, có ứng dụng công nghệ chế biến sâu, nhằm giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP mang dấu ấn địa phương. Từ đó, tiếp thêm động lực cho các HTX phát triển ngày càng ổn định và bền vững trên chặng đường mới.
Tùng Lâm