Theo quan sát, sau khi tạo đáy vào ngày 9/4 với giá 26.000 đồng/cp, cổ phiếu DPG đã hồi lên vùng 30.000 - 31.000 đồng/cp và duy trì liên tục trong gần 1 tháng.
Từ ngày 14/5 đến 27/5, mã này đã tạo chuỗi tăng giá ấn tượng với 9 phiên liên tiếp, nâng thị giá từ 31.200 đồng lên 41.800 đồng/cp. Tới 18/6, thị giá DPG đạt đỉnh tại 46.400 đồng. Như vậy, trong vòng 1 tháng, thị giá DPG đã tăng gần 50%, là mức cao nhất sau gần 3 năm, trở thành một trong những mã tăng tốt nhất trong nhóm bất động sản – xây dựng.
Sau khi rơi vào xu hướng điều chỉnh sau đó, “cú nhấn ga” trong phiên 23/7 tiếp tục đưa cổ phiếu này lên mức đỉnh mới.
![]() |
Cổ phiếu DPG lập đỉnh mới tại mức giá 47.850 đồng/cp. |
Có thể lý giải sức hút của cổ phiếu DPG đến từ sự trở lại của mảng bất động sản trong năm nay.
Năm 2025 đã đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong lĩnh vực bất động sản của Đạt Phương. Theo đó, sau rất nhiều chờ đợi, doanh nghiệp đã lên kế hoạch bán hàng tại dự án khu đô thị Cồn Tiến (tên thương mại là Casamia Balanca) trong quý II/2025, thi công 120 căn biệt thự và mục tiêu bán được 50% số căn.
Ngoài ra, Đạt Phương cũng sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục pháp lý trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án khu đô thị phía nam phường Phú Hải; thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình và bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành để mở cửa đón khách từ năm 2026 đối với dự án khách sạn Casamia Hội An; hoàn thiện công tác thiết kế và ký hợp đồng quản lý khách sạn với Tập đoàn Hilton, dự kiến khởi công đầu năm 2026 đối với dự án khách sạn Đồng Nà.
Nhìn về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2025, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước thấp hơn với 77 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cũng cho thấy, nguồn doanh thu chính của doanh nghiệp chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng (351 tỷ đồng) và từ bán điện thương phẩm với (166 tỷ đồng).
Dù kết quả kinh doanh cho thấy sự tăng trưởng nhẹ, nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm 134 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn, tính đến thời điểm hết quý I/2025, doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn là 6.301 tỷ đồng. Trong đó, nợ chiếm đến 3.602 tỷ đồng và vốn là 2.698 tỷ đồng.
Điều này khiến cho hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tạo khoảng cách 1.3 lần. Đáng lưu ý, nợ chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với 2.280 tỷ đồng và sau đó là nợ dài hạn với 1.321 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngoài thế chấp cổ phần của các công ty con/liên kết, Đạt Phương còn thế chấp hàng loạt tài sản, để bảo đảm các khoản vay ngắn hạn và dài hạn tại các ngân hàng.
Trong một diễn biến khác, ngày 17/7, CTCP Tập đoàn Đạt Phương báo cáo UBCKNN về thay đổi sở hữu của nhóm cổ đông nước ngoài đang nắm giữ trên 5% cổ phần công ty. Theo đó quỹ KIM PMAA Vietnam Securities Investment Trust 1 và TMAM Vietnam Equity Mother Fund đã bán ra 600.000 cổ phiếu DPG. Nhóm quỹ KIM Vietnam chỉ còn sở hữu 4,51% tỷ lệ cổ phiếu của Đạt Phương và không còn là cổ đông lớn của công ty.
Châu Anh