Từng là địa phương khó khăn của tỉnh Lào Cai, đời sống người dân xã Liêm Phú (nay thuộc xã Khánh Yên, tỉnh Lào Cai) trước đây chủ yếu dựa vào sản xuất tự cung tự cấp, thu nhập bấp bênh, cơ sở hạ tầng yếu kém. Tuy nhiên, bước ngoặt đến từ năm 2021, khi HTX Nông Lâm nghiệp Vạn An được thành lập dưới sự dẫn dắt của chị Ngân Thị Trang – một phụ nữ dân tộc thiểu số yêu cây thuốc bản địa và khát khao thay đổi cuộc sống người dân quê mình.
Từ nâng tầm nông sản địa phương
HTX Vạn An xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sinh học, tổ chức sản xuất trà thảo dược mang thương hiệu riêng – không đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, mà còn là “kết tinh tri thức của người vùng cao về cây thuốc”, như lời chị Trang chia sẻ. HTX hoạt động theo chuỗi liên kết khép kín từ trồng trọt – chế biến – đến tiêu thụ, giúp nông dân tiếp cận giống tốt, kỹ thuật sản xuất và đầu ra ổn định.
Các loại cây như hoa hồng, cúc, gừng, sả, chè dây, nghệ, ý dĩ… được chọn lựa không chỉ phù hợp khí hậu vùng cao mà còn cải tạo đất, chống xói mòn. Từ vài thành viên ban đầu, đến nay HTX tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và hàng chục lao động thời vụ, phần lớn là phụ nữ dân tộc, với mức thu nhập từ 6,5–7,5 triệu đồng/tháng – con số đáng kể tại một xã vùng cao.
![]() |
HTX Vạn An xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sinh học, tổ chức sản xuất trà thảo dược mang thương hiệu riêng. |
Không chỉ dừng lại ở sản xuất, HTX Vạn An nhanh chóng thích ứng với thị trường hiện đại khi phát triển kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok Shop, Lazada... và mở rộng sang xuất khẩu. Mỗi tháng, HTX tiêu thụ 10–12 tấn trà viên, 150.000 gói trà túi lọc và hàng nghìn sản phẩm khác như tinh dầu, trà giảm cân, trà đẹp da. Doanh thu dao động từ 750–850 triệu đồng/tháng, lợi nhuận ước đạt 1,5 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, khoảng 100.000 gói trà đã được xuất khẩu mỗi năm sang Hoa Kỳ – thị trường khó tính hàng đầu thế giới, khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm thảo mộc vùng cao Lào Cai. Ba sản phẩm của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao, hai sản phẩm khác đang hoàn tất hồ sơ. Bao bì mang họa tiết thổ cẩm thân thiện với môi trường giúp sản phẩm nổi bật và đậm dấu ấn văn hóa dân tộc.
HTX còn đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị bán tự động, áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường cao cấp. “Mục tiêu kép” mà HTX theo đuổi là vừa sản xuất sạch, vừa bảo vệ môi trường – hướng phát triển phù hợp với chiến lược nông nghiệp xanh.
Thành công của HTX Vạn An không phải là trường hợp đơn lẻ. Nhiều HTX khác tại Lào Cai cũng trở thành trung tâm chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hàng hóa, tạo việc làm ổn định, lan tỏa phương thức làm ăn mới đến người dân.
Đến tạo sinh kế cho người dân
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất quế, anh Lý Hai, dân tộc Dao, thôn Làng Mới, xã Đại Sơn cũ luôn trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao giá trị kinh tế của quế Văn Yên.
Nhận thấy mô hình trồng quế truyền thống chủ yếu bán nguyên liệu thô với giá thấp, anh quyết định nghiên cứu và phát triển mô hình quế hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, anh thành lập HTX Bình An để tập hợp những thanh niên và các hộ có chung ý chí trồng, sản xuất chế biến các sản phẩm quế hữu cơ. HTX đã liên kết sản xuất với hơn 300 hộ trong xã với diện tích 400 ha, trong đó có 100 ha quế hữu cơ.
Không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, mà thay vào đó, anh sử dụng phân bón hữu cơ và các biện pháp sinh học để bảo vệ cây trồng. Nhờ đó, sản phẩm quế bảo đảm chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn, không tồn dư hóa chất, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế.
Chất lượng bảo đảm, sản phẩm quế hữu cơ của HTX có giá bán cao hơn từ 20 - 30% so với quế trồng theo phương pháp truyền thống. Sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước và đang được xúc tiến để xuất khẩu sang châu Âu.
Không những vậy, HTX tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động. Sản phẩm tiêu biểu của HTX là "Thiên Sơn Ngọc Quế" đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Lý Hai chia sẻ: "Mô hình quế hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực từ canh tác nông nghiệp truyền thống, giúp cây quế của Văn Yên giữ được hương vị đặc trưng, nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế”.
![]() |
Chất lượng bảo đảm, sản phẩm quế hữu cơ của HTX Bình An có giá bán cao hơn từ 20 - 30% so với quế trồng theo phương pháp truyền thống. |
Hay như HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên cũ đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để nuôi cá tầm, gà đen, lợn bản địa gắn với phát triển du lịch cộng đồng phục vụ du khách. Với hướng đi này, doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thu nhập ổn định cho 14 thành viên với thu nhập ổn định 6,5 triệu đồng/người.
Đặc biệt, Dự án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với sinh kế của đồng bào DTTS tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu” của HTX đã lọt Top 3 Khởi nghiệp Quốc gia năm 2022.
HTX giữ vai trò “bà đỡ”
Sự phát triển của các HTX có được nhờ sự đồng hành sát sao của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lào Cai. Thông qua các chương trình hỗ trợ, HTX được tiếp cận đào tạo nghề, kỹ thuật trồng – chế biến dược liệu, vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển HTX để đầu tư máy móc, nhà xưởng. Đồng thời, được tư vấn xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, hoàn thiện hồ sơ OCOP và tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ vùng cao.
Bên cạnh vai trò "bà đỡ” cho người dân địa phương, nét mới trong hoạt động của kinh tế tập thể là các HTX đã chủ động tìm hiểu về nhu cầu, thế mạnh của nhau, để rồi từ đó liên kết, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, từ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình HTX chuyên ngành, tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đồng thời khai thác, phát huy giá trị sản phẩm có thế mạnh của địa phương như: HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh; HTX Lũng Lô; HTX Quế Khánh Thành…
Nhờ đó, đời sống người dân địa phương ngày càng ổn định, đặc biệt công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo số liệu thống kê trước ngày 1/7/2025, tỉnh Lào Cai cũ có 181.603 hộ. Năm 2024 có 20.411 hộ nghèo, chiếm 11,24% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và 18.058 hộ cận nghèo, chiếm 9,94% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. So với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,7%, tương ứng giảm 6.380 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm 0,31%, tương ứng giảm 317 hộ.
Còn tại tỉnh Yên Bái cũ, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm mạnh từ 18,07% năm 2021 xuống chỉ còn 5,68% vào cuối năm 2024. Mức giảm này tương đương 12,39%, trung bình mỗi năm giảm 4,13%. So với mục tiêu giảm 3,3% mỗi năm của tỉnh và 3% mỗi năm của Trung ương, Yên Bái đã có bước tiến vượt bậc.
Nhật Nam