Giai đoạn 2021–2025, công tác giảm nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025 tổ chức vào ngày 19/6 vừa qua, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm bình quân 1,76%/năm, vượt chỉ tiêu được giao. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm tới 6,42%/năm, còn tại các huyện nghèo, mức giảm lên tới 9,25%/năm, cao hơn 4,75% so với mục tiêu Trung ương đề ra.
Gà ủ muối Trà Bình mang lại ấm no
Tại xã miền núi Trà Bình nay là xã Đông Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, HTX Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ Trà Bình đang từng bước khẳng định vai trò là cầu nối giữa nông dân và thị trường, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho thành viên, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu năm 2023, HTX đã chủ động triển khai mô hình chăn nuôi gà kiến (giống gà bản địa thịt thơm ngon) theo chuỗi liên kết. Trên cơ sở liên kết giữa các thành viên và HTX, mô hình không chỉ hỗ trợ con giống, thức ăn, kỹ thuật mà còn đảm bảo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi thông qua việc HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm. Trong năm đầu triển khai, HTX đã hỗ trợ chăn nuôi 3.600 con gà kiến.
Không dừng lại ở chăn nuôi, HTX Trà Bình còn chủ động nghiên cứu, tìm kiếm hướng đi mới trong chế biến sâu. Trên cơ sở khảo sát thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, HTX đã chọn phát triển sản phẩm gà ủ muối đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX cử thành viên đi học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, đồng thời chủ động nghiên cứu kỹ thuật chế biến qua nhiều kênh khác nhau.
![]() |
Sản phẩm gà ủ muối Trà Bình được nhiều người ưa chuộng. |
Giám đốc HTX, ông Lê Văn Biên cho biết, sau nhiều lần thử nghiệm, HTX đã hoàn thiện công thức chế biến gà ủ muối đạt chuẩn về hương vị và độ an toàn. Gà được chọn phải là gà mái đã đẻ 1 – 2 lứa để thịt săn chắc và béo, sau đó được làm sạch, tẩm ướp với lá chanh, sả, gừng, nghệ… rồi đem ủ và hấp chín ở nhiệt độ phù hợp. Sản phẩm cuối cùng phải giữ được độ ngọt tự nhiên, vị thơm đặc trưng và thịt giòn mềm.
Ban đầu, sản phẩm gà ủ muối được giới thiệu trong nội bộ HTX và bán thử nghiệm qua kênh cá nhân. Nhờ chất lượng vượt trội và phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, sản phẩm nhanh chóng được lan tỏa rộng rãi. HTX đã đưa sản phẩm gà ủ muối tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại. Sản phẩm không chỉ được người dân địa phương ưa chuộng mà còn được các đơn vị tổ chức sự kiện, dịch vụ ẩm thực chọn làm món ăn chính trong các dịp tiệc, cưới hỏi.
Từ sự thành công của sản phẩm gà ủ muối, HTX Trà Bình đã từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa tại địa phương. Hơn hết, mô hình đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và tự tin vươn lên thoát nghèo.
Đồng hành với sự phát triển của các HTX, từ năm 2021 đến giữ năm 2025, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 106 HTX với hơn 300 lượt mặt hàng, sản phẩm HTX tham gia triển lãm tại Hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại – xúc tiến cung cầu trong và ngoài tỉnh. Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tìm hiểu thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác doanh nghiệp để giới thiệu, tư vấn, hỗ trợ giúp cho doanh nghiệp liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định, chất lượng, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, góp phần xóa bỏ tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong sản xuất nông nghiệp…
HTX kết nối cộng đồng, làm giàu từ mô hình cầy vòi hương
Một mô hình HTX tiêu biểu khác là HTX Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát (xã Thiện Tín). Khởi nguồn từ mô hình nhỏ lẻ của hộ ông Hồ Duy Trung, nghề nuôi cầy vòi hương đã phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn.
Năm 2007, ông Trung mua cặp cầy vòi hương từ một người dân miền núi với ý định nuôi làm cảnh. Sau một thời gian chăm sóc, ông nhận thấy loài vật này khá dễ nuôi, ít tốn công, thức ăn đơn giản nên bắt đầu thử nghiệm sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Dù ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ kiên trì học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, ông đã thành công trong việc nhân giống và phát triển đàn.
Đến nay, gia đình ông Trung đã sở hữu hàng trăm con cầy vòi hương trong các chuồng nuôi chuyên biệt. Theo ông, chi phí chăm sóc mỗi con chỉ từ 2.000–3.000 đồng/ngày, chủ yếu ăn cháo cá loãng hoặc trái cây. Loài vật này ít bệnh, chỉ cần giữ chuồng sạch, khô ráo và thoáng mát. Quan trọng hơn, giá trị kinh tế của cầy rất cao: mỗi cặp giống bán ra thị trường có giá khoảng 10 triệu đồng, còn thương phẩm có giá 1,4 triệu đồng/kg.
![]() |
Ông Trung đã cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cầy vòi hương cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. |
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, người dân trong xã bắt đầu học theo. Với sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình từ ông Trung, hơn 100 hộ dân ở Thiện Tín đã tham gia nuôi, tổng đàn lên đến khoảng 1.000 con. Tỷ lệ rủi ro thấp, chi phí đầu tư không lớn nhưng lợi nhuận cao giúp mô hình nhanh chóng lan rộng.
Để phát triển nghề nuôi theo hướng bài bản, tháng 5/2022, HTX Nông nghiệp Chăn nuôi cầy vòi hương Thiện Phát được thành lập với 40 thành viên, do ông Hồ Duy Trung làm Giám đốc. Đây là HTX đầu tiên trên địa bàn Quảng Ngãi chuyên nuôi và cung cấp giống, thương phẩm cầy vòi hương.
Không dừng lại ở đó, HTX định hướng phát triển theo chuỗi giá trị bền vững. Ngoài cầy giống và thương phẩm, ông Trung còn trồng 1ha cà phê để thử nghiệm sản xuất cà phê chồn – sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Xa hơn, ông kỳ vọng có thể khai thác xạ hương để chế tạo nước hoa, nâng cao giá trị đầu ra.
Với tinh thần hợp tác và chia sẻ, ông Trung đã hỗ trợ giống trả chậm, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các hộ nghèo, cận nghèo trong xã để cùng nhau phát triển, hướng tới mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững.
Giảm nghèo gắn xây dựng nông thôn mới
Tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Quảng Ngãi đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tỉnh tập trung đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện nghèo, các khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện địa phương được triển khai hiệu quả, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và kết nối thị trường tiêu thụ nông sản...
Song song với chương trình giảm nghèo, tỉnh Quảng Ngãi còn đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo động lực để giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giai đoạn 2021–2025, tổng nguồn vốn dành cho chương trình nông thôn mới của tỉnh đạt trên 1.990 tỷ đồng. Nguồn vốn này giúp các xã miền núi từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.
Việc tạo sinh kế ổn định được xem là giải pháp căn cơ để thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng mở rộng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và người yếu thế. Đây được coi là “thước đo” cho tính bền vững của chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới – không chỉ dừng ở con số hộ nghèo giảm, mà phải phản ánh được chất lượng sống và sự thay đổi về tư duy, cách thức sản xuất của người dân.
Qua những mô hình cụ thể như HTX Trà Bình, HTX Thiện Phát, có thể thấy rõ vai trò then chốt của KTTT trong công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững tại Quảng Ngãi. Các HTX không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, mà còn giúp định hình tư duy sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, là điểm tựa vững chắc cho nông dân trong hành trình vươn lên làm giàu.
Thu Thảo