Trong việc phát triển liên kết sản xuất ở xã Đông Giang mới phải kể đến mô hình làng du lịch cộng đồng ĐhRôồng ở địa bàn Tà Lu (cũ) có 35 hộ tham gia với 82 lao động thường xuyên.
Kết hợp dệt thổ cẩm với du lịch
Là một người dân tộc thiểu số tham gia vào mô hình liên kết này, chị Briu Thị Hạnh, thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn ĐhRôồng, cho biết ngày trước, thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, bây giờ nhờ liên kết mà sản phẩm của tổ hợp tác làm ra được khách du lịch mua làm quà lưu niệm, từ đó cuộc sống của bà con trong thôn đã đổi thay.
![]() |
Nhờ kết hợp giữa nghề dệt thổ cẩm với mô hình du lịch cộng đồng đã giúp cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Đông Giang. |
Theo chị Hạnh, một tấm khố dệt bán ra thị trường có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng, váy ngắn 500.000 đồng, tấm choàng đôi 1,2 triệu đồng. Dân làng cũng dệt những thứ khác làm quà lưu niệm như túi đeo, túi đựng điện thoại, túi đựng bút…
Ngoài tham gia tổ hợp tác dệt thổ cẩm, chị Hạnh cùng những người dân khác trong thôn còn là thành viên đội ẩm thực và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Nhờ đó mà thu nhập của bà con trong làng ngày càng nâng lên.
Trong việc phát triển của tổ hợp tác này cũng cần ghi nhận sự quan tâm của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây đối với việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp nghề truyền thống ở Đông Giang.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan này và một tổ chức quốc tế mà Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng đã ra đời với 18 thành viên ban đầu là chị em phụ nữ ở thôn Đhrôồng. Nếu như trước đây việc sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún và thuần tự cung tự cấp thì việc tổ hợp tác ra đời đã mở ra hướng phát triển cho làng nghề truyền thống ở vùng cao.
Từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn ĐhRôồng trong việc đào tạo nghề, phát triển sản phẩm, kết nối giao thương...Tổ hợp tác hoạt động dựa trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự trang trải chi phí hoạt động, hợp tác và phát triển cộng đồng, sản xuất tập trung tại một địa điểm.
Cách làm này không chỉ góp phần duy trì và bảo tồn nghề truyền thống, phát huy hiệu quả kinh tế mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Không chỉ vậy, gắn với tiềm năng du lịch cộng đồng bắt đầu được đánh thức trên địa bàn Đông Giang, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng đã phát huy được lợi thế của sản phẩm du lịch bản địa, mang lại lợi ích thiết thực cho những thành viên tham gia sản xuất.
Không còn chịu cảnh thiếu đói
Từ quy mô ban đầu của tổ hợp tác chỉ xuất phát từ 18 thành viên, tính đến nay, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng có 35 thành viên. Hàng ngày, những phụ nữ Cơ Tu ở đây miệt mài bên khung cửi từ 7 đến 16h30 để giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của mình. Từ đôi bàn tay khéo léo, họ đã dệt nên những tấm thổ cẩm vô cùng đặc sắc.
![]() |
Sản phẩm của Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn ĐhRôồng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng bày tỏ mong ước là nghề dệt thổ cẩm phát triển gắn với du lịch, mở được các điểm trưng bày quảng cáo sản phẩm truyền thống này ở các đô thị lớn. Việc này sẽ là động lực đưa Đhrôồng thành điểm thu hút các tour du lịch miền núi của Tp. Đà Nẵng.
Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây và nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng, cũng như sự đồng hành của một tổ chức quốc tế, các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng đã được đào tạo về thiết kế, phối màu, sử dụng phương tiện máy móc hỗ trợ và sản xuất theo các mẫu đều được tập huấn kỹ. Vì vậy giá trị thổ cẩm truyền thống của tổ hợp tác này được nâng lên rõ rệt.
Ngoài tổ hợp tác này, nhờ vào việc liên kết sản xuất mà đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn Tà Lu (cũ) ngày càng nâng lên. Như chia sẻ của anh Alăng Thân, người dân tộc thiểu số thôn A Réh-ĐhRồng, từ đói ăn, thiếu mặc, cuộc sống khó khăn, giờ đây bà con không còn lo cảnh thiếu đói, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, có của ăn của để.
Anh Alăng Thân còn vận động bà con trong thôn sửa chữa lại Gươl (ngôi nhà làng truyền thống) và khôi phục đội múa cồng chiêng. Một số ngành nghề thủ công truyền thống, như đan lát, dệt vải…cũng đang mở ra cơ hội cải thiện đời sống cho người Cơ Tu trong thôn khi tham gia liên kết phát triển du lịch cộng đồng.
Việc liên kết sản xuất ở xã Đông Giang mới còn có thể kể thêm ở địa bàn thị trấn Prao (cũ) khi 40 hộ dân ở đây đã hợp tác với nhau để làm nên thương hiệu rượu cần thôn Tà Vạc được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Rượu cần ở thôn Tà Vạc được làm từ sắn và một loại men đặc biệt được ủ từ các loại vỏ cây. Nhờ liên kết, chỉ bảo lẫn nhau mà người dân Cơ Tu ở đây vẫn giữ gìn phương pháp chế biến truyền thống, tạo nên hương vị đặc trưng của rượu cần sắn.
Bà con chăm lo làm ăn
Ngoài ra, ở địa bàn Prao (cũ), chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường chăm lo làm ăn, liên kết sản xuất để phát triển kinh tế bền vững nhằm tăng thu nhập, nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
![]() |
Liên kết nuôi hươu lấy nhung mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân Đông Giang. |
Điển hình như anh ATing Nấu ở thôn Prao, thị trấn Prao (cũ). Trước đây, hai vợ chồng anh trồng keo lá tràm nhưng hiệu quả thấp. Qua tìm hiểu các mô hình liên kết làm ăn kinh tế cho hiệu quả cao tại địa phương, anh đã đầu tư mở trang trại nuôi heo cỏ, gà vịt, đào ao nuôi cá và trồng nhiều loại cây ăn quả như sầu riêng, cây lòn bon. Từ việc liên kết đầu ra cùng HTX và doanh nghiệp đã giúp cho anh có nguồn thu lớn, trở nên khá giả.
Anh ATing Nấu cho biết: Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích vườn đồi trồng thêm chuối và dứa. Nhiều bạn trẻ thường xuyên lên thăm mô hình của tôi để trao đổi kinh nghiệm cho họ cách làm theo. Ngoài ra, tôi sẽ mở rộng nuôi thêm bò và heo, trồng thêm cây chuối, nuôi ăn và gà, vịt heo…
Còn ở địa bàn xã Zà Hung (cũ) có các mô hình trồng keo, quế, kinh tế vườn, nuôi heo, bò, hươu sao lấy nhung, nuôi dúi đã hình thành, mang lại hiệu quả. Người lao động ở đây vào làm việc ở các công ty, nhà máy đã đem lại thu nhập cho hộ gia đình.
Trên địa bàn Zà Hung (cũ) có dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị con hươu sao với sự tham gia của 10 hộ dân ở 2 thôn A Xanh Gố và Kà Dâu, được hỗ trợ nuôi 50 con hươu sao lấy nhung.
Thức ăn của hươu sao rất dễ kiếm ở Zà Hung, gồm các loại cỏ, mít, chuối,... Những con hươu nuôi của người dân đến hiện tại phát triển tốt, con vật nuôi thích nghi và phù hợp với điều kiện của địa phương, dễ chăm sóc. Đã có vài lứa đã được bà con thu hoạch nhung có chất lượng tốt.
Với giá trị của nhung hươu, bà con tại Zà Hung (cũ) có thể bán trên 10 triệu đồng/kg. Nhờ đó, mỗi đợt lấy nhung hươu có chất lượng đã mang lại nguồn thu hàng chục triệu đồng cho từng hộ chăn nuôi tạo niềm phấn khởi cho họ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Bên cạnh đó, Zà Hung cũng đang mở rộng diện tích trồng quế Yên Bái, để về lâu dài người dân có nguồn thu nhập cao hơn.
Thanh Loan