Ở địa bàn xã Lăng (cũ) có HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình được xem điển hình trong việc phát triển chuỗi liên kết trồng cây dược liệu ba kích, từ đó giúp cải thiện sinh kế cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Vai trò dẫn dắt của HTX
Với mô hình ươm giống, sản xuất dược liệu theo hợp đồng liên kết, trong thời gian đầu, HTX này có 11 thành viên (phần lớn là người Cơ Tu) và có vườn ươm giống ba kích rộng 1.500 m2, có thể ươm tạo 400.000 cây giống ba kích tím mỗi năm.
![]() |
Sản phẩm “Cao Ba kích” của HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. |
Để giúp bà con đỡ vất vả, tăng năng suất lao động, tăng giá trị kinh tế cho nông sản dược liệu, HTX đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ việc sơ chế, rửa, sấy nông sản, máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm.
Là người đã giúp đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang trồng cây dược liệu một cách “chuyên nghiệp” hơn, ông Nguyễn Bá Hiển, Giám đốc HTX Thiên Bình, cho biết từ cách đây vài năm, HTX đã mở rộng thêm 9ha về trồng vùng nguyên liệu cây ba kích.
Bên cạnh đó, HTX còn xây dựng trang trại nuôi 39 con dê, 12 con bò; làm vườn rau lủi, rau dớn rộng 2 ha để “lấy ngắn nuôi dài”. HTX tạo việc làm tại chỗ cho 32 người Cơ Tu, lợi nhuận đạt hơn 300 triệu đồng/năm.
Nhờ vào sự tính toán, làm ăn bài bản của Hội đồng quản trị HTX Thiên Bình, nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc tham gia trồng và chế biến dược liệu.
Không chỉ vậy, HTX còn tham gia chương trình OCOP với sản phẩm mà mình dồn hết tâm huyết là “Cao Ba kích” đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Như chia sẻ của ông Hiển, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống sản xuất mặt hàng nông sản sẵn có để đăng ký OCOP.
Bên cạnh đó, HTX sẽ xây dựng vườn dược liệu tập trung 50ha, kết hợp du lịch trải nghiệm dược liệu. HTX còn hướng đến xây dựng trung tâm nuôi cấy mô quy mô lớn để bảo tồn, phát triển hàng hóa dược liệu chính, qua đó giải quyết việc làm cho 100 lao động người Cơ Tu.
Với cách làm hiệu quả của HTX Thiên Bình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng. Chính vì vậy, các hoạt động hỗ trợ đã được triển khai như tổ chức kết nối cung cầu để giúp HTX tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho HTX gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu.
Tư duy sản xuất thay đổi tích cực
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam còn phối hợp cùng Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây và nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng đã đẩy mạnh triển khai cơ chế chính sách về phát triển kinh tế tập thể ở Tây Giang như tuyên truyền, vận động thành lập HTX, đào tạo, tập huấn bồi dưỡng năng lực cán bộ HTX, chính sách thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại các HTX…
![]() |
Tham gia chuỗi liên kết trồng cây dược liệu giúp cho người dân Tây Giang thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ngày càng tích cực hơn. |
Nhờ đó mà HTX Thiên Bình từng bước khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của Tây Giang, đặc biệt có đóng góp ý nghĩa vào giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Ngoài HTX nêu trên, thời gian qua ở Tây Giang đã xây dựng 2 vườn ươm giống ba kích và đảng sâm tại địa bàn 2 xã cũ là A Tiêng và Lăng. Đây là cơ sở để cung cấp các loại cây giống dược liệu bản địa, đảm bảo chất lượng cho người dân trồng, phát triển.
Hơn thế nữa, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh việc phát triển chuỗi liên kết trồng cây dược liệu, phát triển các sản phẩm OCOP đang ổn định đầu ra, nâng tầm dược liệu địa phương với vai trò dẫn dắt của HTX. Nhất là HTX đã chế biến nông sản dược liệu thành sản phẩm đa dạng thay cho những sản phẩm thô, giá trị kinh tế thấp như trước kia.
Nhờ đó mà tư duy sản xuất dược liệu của người dân Tây Giang đang thay đổi tích cực, từ trồng để sử dụng, chú trọng số lượng và canh tác truyền thống thì nay họ đã chuyển hướng sản xuất ra để bán, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây dược liệu.
Khi không còn lo lắng đầu ra cho dược liệu, người dân ở Tây Giang đã yên tâm phát triển, siêng năng lao động để thoát nghèo. Các hộ dân trong chuỗi liên kết còn chủ động thay thế diện tích trồng keo, sắn sang trồng quế kết hợp dược liệu. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình trồng ba kích dưới tán rừng, vừa tạo sinh kế, vừa bảo vệ rừng.
Nhờ chú tâm tham gia chuỗi liên kết trồng dược liệu mà nhiều hộ gia đình từ hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá, giàu. Một số mô hình kinh tế đem lại hiệu quả như trồng cây ba kích tím, đẳng sâm ở các địa bàn như xã Lăng (cũ) hay xã A Tiêng (cũ) đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Như chia sẻ của gia đình ông Nguyễn Văn Sao ở thôn Agrồng thuộc địa bàn xã A Tiêng (cũ), trước đây gia đình ông trồng keo nhưng thu nhập không cao. Hơn 3 năm qua, ông chuyển sang trồng cây dược liệu ba kích, giúp nguồn thu nhập ổn định hơn.
Hướng tới chuỗi giá trị dược liệu
Ông Sao cho biết ban đầu vay vốn ngân hàng để mua khoảng 10.000 cây ba kích tím giống và trồng trên diện tích 1ha. Nhờ khí hậu phù hợp, cây phát triển tốt và dễ chăm sóc. Hiện nay, ba kích tím có giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch, vườn ba kích có thể mang lại khoảng 2 tỷ đồng.
![]() |
Các loại cây dược liệu như đẳng sâm, ba kích được đánh giá hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng và tập quán canh tác của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang. |
“Tôi trồng 10 ngàn cây, bước đầu có động lực để mình tiếp tục, nếu có nguồn vốn, năm nay thì tôi phát triển thêm vườn nữa cả cây ba kích tím và một số cây dược liệu quý như cây râu hùm, sâm bảy lá một hoa” - ông Sao nói.
Hoặc như anh Cơlâu Thái Ngọc ở thôn Pơ’ning thuộc địa bàn xã Lăng (cũ) là tấm gương tiêu biểu với mô hình trồng ba kích tím kết hợp chăn nuôi. Nhờ học hỏi các hộ trồng ba kích hiệu quả trong vùng, nghiên cứu tài liệu khoa học để cải tiến kỹ thuật, anh Ngọc mở rộng vườn ba kích lên 3ha, mỗi năm xuất bán 150-200kg củ ba kích, thu về 75-100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư máy móc lập cơ sở nấu rượu ba kích.
Hiện nay, thu nhập bình quân các hộ dân có trồng dược liệu quý tại một số địa bàn ở xã Tây Giang ước tính khoảng 40 triệu đồng/người/năm, trong đó nguồn thu từ cây dược liệu chiếm khoảng 50% tổng thu nhập.
Nhiều người dân cho biết, trước hiệu quả của cây ba kích, bà con sẽ mở rộng diện tích trồng và bổ sung một số cây dược liệu quý khác như râu hùm, sâm 7 lá 1 hoa... Bà con cũng mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ vay vốn, cung cấp máy móc, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để việc trồng dược liệu đạt hiệu quả cao hơn.
Các loại cây dược liệu như đẳng sâm, ba kích được đánh giá hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng và tập quán canh tác của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang. Chính quyền xã Tây Giang mới (sau sáp nhập từ 4 xã cũ của huyện Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam trước đây là Lăng, A Tiêng, A Nông, Dang) đã xác định 2 cây dược liệu chủ lực gồm ba kích, đảng sâm.
Bên cạnh đó, một số cây dược liệu cũng đang ưu tiên phát triển như sâm 7 lá 1 hoa, quế, sả hương Tây Giang, sa nhân tím… Địa phương cũng ưu tiên các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị.
Thanh Loan