Hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đang thịnh hành nuôi các giống bò lai, bò ngoại cho sản lượng thịt cao - được coi là "cỗ máy sản xuất thịt" như: bò 3B, bò lai Sind, bò Brahman... Tuy nhiên, HTX Nông nghiệp Thanh Phong lại chọn hướng đi ngược lại, đó là quay trở về với giống bò ta.
Đi ngược xu hướng
Lý giải về điều này, ông Phạm Thanh Xuân, Chủ tịch HĐQT HTX cho hay, mặc dù sản lượng thịt của bò ta không cao bằng các giống bò lai, bò ngoại nhưng bò ta rất dễ nuôi lại ít gặp dịch bệnh. Bên cạnh đó, chất lượng thịt của bò ta cũng ngon hơn so với bò lai, chính vì vậy HTX Nông nghiệp Thanh Phong đã lựa chọn giống bò ta để chăn nuôi.
Giống bò vàng có thể chịu đựng tốt với điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, thích nghi với nhiều vùng khí hậu, đặc biệt là bò thành thục sớm, mắn đẻ.
"Bò vàng có ưu điểm nhất là khả năng sinh sản tốt, 30-34 tháng tuổi đẻ lứa đầu, nhịp đẻ năm một (1 năm 1 lứa) và 3 năm 2 lứa là phổ biến. Bởi vậy, HTX đã lựa chọn giống bò vàng để nuôi sinh sản", ông Xuân cho biết.
![]() |
Bò ta rất dễ nuôi lại ít gặp dịch bệnh, khả năng sinh sản tốt. |
Anh Phạm Văn Chung, thành viên HTX chia sẻ, gia đình anh đang nuôi 10 con bò sinh sản. Công việc mỗi ngày của anh tại HTX là buổi sáng tiến hành vệ sinh chuồng trại và cho bò ăn, đến buổi chiều sẽ đi cắt cỏ chuẩn bị cho bữa tối và sáng hôm sau cho đàn bò.
Ngoài thức ăn là cỏ tươi, anh Chung cùng các thành viên trong HTX thường trộn với men vi sinh cùng với cỏ tươi, sau đó ủ chua để làm thức ăn cho đàn bò. Cách làm này đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí, trong khi đàn bò được tăng cường sức đề kháng, khỏe mạnh và hạn chế được dịch bệnh.
Điều đặc biệt tại trang trại nuôi bò sinh sản của HTX đó là bò của các gia đình là các thành viên của HTX đều nuôi chung tại một khu chuồng trại.
"Không giống như các mô hình khác, nhà nào nuôi tại nhà đó, mỗi nhà đều có chuồng trại riêng, nuôi nhốt lẻ tẻ. Tại đây, bò của các thành viên trong HTX được nuôi nhốt tập trung, không chỉ hàng ngày làm việc với nhau, mọi người cũng có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò", ông Xuân thông tin.
Cũng theo ông Xuân, các thành viên từ khi tham gia vào HTX đã có thu nhập ổn định, bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng. So với chăn nuôi lợn, gà... thì chăn nuôi bò sinh sản có thu nhập ổn định, ít bị thua lỗ.
Hiệu quả kinh tế cao
Tương tự HTX Nông nghiệp Thanh Phong, HTX nông lâm nghiệp Bình Minh cũng bắt tay xây dựng thêm trang trại chăn nuôi bò, bên cạnh sản xuất giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả, dịch vụ nông lâm nghiệp.
Trên diện tích 6 ha, HTX đã đầu tư chuồng nuôi, bể nước, sân chơi… và 4 ha trồng cỏ. Nhờ vậy, doanh thu của HTX đã được cải thiện đáng kể, đồng thời tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Thành công này đã giúp các thành viên HTX yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, khi số vốn HTX bỏ ra để mua bò giống, đầu tư làm chuồng trại, mua máy móc thiết bị chế biến thức ăn cho bò khá lớn.
"HTX đã xây dựng trang trại để nuôi bò sinh sản với quy mô hơn 100 con. Tôi thấy hiệu quả kinh tế thu lại rất tốt. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thêm nguồn thu nhập cho các thành viên", bà Nguyễn Thị Thiêu, Giám đốc HTX cho biết.
Hoạt động hiệu quả chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của các HTX trên địa bàn tỉnh Lào Cai được đánh giá là tín hiệu tích cực cho mục tiêu phát triển loại hình kinh tế tập thể, vừa tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho các thành viên HTX, vừa mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho phát triển kinh tế tại địa phương.
Theo chia sẻ của chị Lương Thị Hường - một hộ dân chăn nuôi bò, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp, tuy nhiên, vợ chồng chị không nản chí mà thường xuyên trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm trong chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình vững mạnh.
Ngoài tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức, chị Hường còn thường xuyên theo dõi các kênh truyền hình giới thiệu các mô hình chăn nuôi giỏi và hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Thường xuyên chăn nuôi với số lượng lớn nên để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, gia đình chị đã tận dụng diện tích đất quanh nhà để trồng cỏ voi và xây dựng chỗ chứa thức ăn cho bò.
Để tiết kiệm chi phí, ngoài việc dùng máy cắt nhỏ cỏ voi trộn với cám ngô, cám gạo, chị còn tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như: gốc ngô, khoai, sắn cho bò ăn. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị Hường rất chú trọng đến công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc - xin phòng bệnh cho bò và lựa chọn giống bò tốt.
![]() |
Nhờ mở rộng nuôi bò, doanh thu của HTX nông lâm nghiệp Bình Minh cải thiện đáng kể, đồng thời tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. |
Nhờ đó, đàn bò của gia đình chị Hường phát triển khỏe mạnh, ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“Có tháng, gia đình xuất bán được 12 con bò với giá từ 16 - 18 triệu đồng/con. Trừ chi phí thu về trên 150 triệu đồng tiền lãi. Nguồn thu nhập này đã được dùng để tái đàn và tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi”, chị Hường chia sẻ.
Ưu tiên phát triển nuôi bò ta
Với những hiệu quả tích cực từ mô hình nuôi bò ta, thời gian qua, tỉnh Lào Cai (cũ) đã chủ trương ưu tiên đầu tư, phát triển chăn nuôi bò.
Cụ thể, tổng đàn năm 2025 phấn đấu đạt trên 24.500 con, sản lượng thịt hơi 850 tấn. Vùng thấp chăn nuôi các giống bò ngoại, bò lai cao sản hướng thịt. Vùng cao phát triển bò địa phương. Xây dựng vùng giống bò tại khu vực huyện Mường Khương và Si Ma Cai cũ. Phương thức chăn nuôi, nuôi nhốt thâm canh, bán chăn thả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật (giống, thức ăn, phòng trị bệnh). Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa ở những vùng có điều kiện thuận lợi (khu vực Văn Bàn, Bảo Yên, Bát Xát cũ...).
Đại diện tỉnh nhận xét, hiện nay, chăn nuôi giống bò ta tại nhiều địa phương đã phát triển ổn định, là nghề đem lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Theo số liệu thống kê trước 1/7/2025, năm 2024, Lào Cai có 20.411 hộ nghèo, chiếm 11,24% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và 18.058 hộ cận nghèo, chiếm 9,94% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. So với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,7%, tương ứng giảm 6.380 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm 0,31%, tương ứng giảm 317 hộ.
Thời gian tới, tỉnh cho biết sẽ phối hợp với các cấp chính quyền liên quan, hỗ trợ người dân tham gia phát triển nuôi bò ta, nhằm cải thiện đời sống, giúp người dân vươn lên làm giàu.
Bên cạnh đó, tỉnh cho biết để chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá, kết nối tiêu thụ để không bí đầu ra. Theo đó, tỉnh sẽ phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh thành lập thêm nhiều HTX nhằm hỗ trợ cho bà con trong việc tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con yên tâm phát triển mô hình.
Ngọc Giang