Tỉnh Tiền Giang (cũ) có hơn 200 HTX hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm vượt mục tiêu đề ra.
Phát triển vì lợi ích thành viên
Những năm qua, tỉnh đã khẳng định vị thế qua các sản phẩm đặc sản nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của các HTX. Trong đó, một số sản phẩm đặc trưng có thể kể đến như: Xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Cai Lậy, khóm Tân Phước; lúa - gạo chất lượng cao từ các vùng chuyên canh lúa, nổi bật với các giống lúa thơm đặc sản VD20 của vùng Gò Công; sản phẩm chế biến xoài sấy, sầu riêng sấy, yaourt sữa dê, mứt khóm, mứt sơ ri, trà mãng cầu, trà thảo dược, rượu nhung hươu, rượu đông trùng hạ thảo…
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này giảm xuống còn 0,79%, vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu là dưới 1%.
![]() |
Giống xoài cát Hòa Lộc "chính gốc" vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. |
Mô hình HTX nông nghiệp khóm Tân Phước là một điển hình. Từ khi thành lập đến nay, HTX không chỉ hỗ trợ kỹ thuật, mà còn tổ chức dịch vụ mua bán khóm (quả dứa), sản xuất giống sạch bệnh và hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoa học cho bà con nông dân địa phương. Sự đồng hành của HTX đã giúp bà con nông dân thay đổi thói quen sản xuất từ truyền thống sang kỹ thuật hiện đại, giúp giảm chi phí tăng hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, thành viên HTX cho biết khi tham gia vào HTX nông nghiệp khóm Tân Phước các thành viên có nhiều lợi thế như được hướng dẫn chăm sóc vườn, có các kỹ sư đến tận vườn để khám bệnh cho cây, cân đối dinh dưỡng cho cây. Đồng thời các thành viên sẽ tiếp cận được các kỹ thuật trồng mới.
“Trước đây bệnh đỏ đầu lá thường làm nhiều diện tích trồng khóm bị thiệt hại nặng, người nông dân chỉ điều trị theo kinh nghiệm nhưng không hiệu quả, từ khi có sự hỗ trợ trực tiếp của HTX được phát hiện đúng nguyên nhân, xử lý bài bản khóm phục hồi rõ rệt”, ông Thạch cho hay.
Đến nay HTX nông nghiệp khóm Tân Phước đã hỗ trợ trên 20 hộ nông dân với 20ha khóm được canh tác theo quy trình chuẩn, cho năng suất và giá trị cao hơn. Đáng chú ý, HTX nông nghiệp khóm Tân Phước không đơn thuần là nơi tiêu thụ sản phẩm, mà còn trở thành “điểm tựa” cho nông dân trồng khóm. Khi người nông dân thấy được lợi ích thiết thực, mô hình HTX còn phát triển góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xây dựng nền nông nghiệp bền vững ở Đồng Tháp.
Tương tự, tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Phát là đơn vị chuyên sản xuất cây giống nuôi cấy mô. Đối với HTX, việc minh bạch về nguồn gốc cây giống và quy trình canh tác không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường, mà còn là cam kết, trách nhiệm với người dân cũng như đối tác liên kết. Hiện nay, HTX đã triển khai áp dụng mã vạch cho toàn bộ lô cây giống dứa MD2. Mã vạch này sẽ theo sát từ phòng ươm, kiểm nghiệm phòng Lab, quá trình chăm sóc, xử lý giá thể, điều kiện đất đai đến thời điểm giao cây giống cho nông dân và cả quá trình quản lý vùng trồng thương phẩm.
Theo đại diện HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Phát, nhờ ứng dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc, HTX và người trồng có thể dễ dàng theo dõi được thông tin về lô giống sản xuất ngày nào, tình trạng kiểm dịch thực vật, nhật ký chăm sóc, bón phân, phun thuốc, ngày thu hoạch dự kiến…, giúp tăng độ tin cậy với đối tác nhập khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm… Đồng thời, hạn chế rủi ro trong quá trình kiểm tra chất lượng, nhất là khi tham gia đấu thầu cung ứng giống cho các dự án phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Hành trình kiến tạo giá trị
Một HTX khác cũng cần nhắc đến trong câu chuyện này là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Quý. Ngay từ khi chính thức thành lập vào cuối năm 2020, HTX đã xác định một hướng phát triển bền vững “lấy chất lượng làm nền tảng, lấy công nghệ làm công cụ và lấy sự đồng thuận tập thể làm động lực”. HTX không chạy theo sản lượng mà kiên trì xây dựng chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, với quy trình quản trị minh bạch, bài bản, gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với thị trường và người tiêu dùng.
Tính đến năm 2025, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Quý có 130 thành viên, tăng 23 thành viên so với năm 2024, với tổng vốn điều lệ đạt 2,5 tỷ đồng. HTX tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đội ngũ quản lý gồm 5 người có trình độ đại học, đảm bảo năng lực điều hành và tổ chức sản xuất quy mô lớn.
![]() |
Sản xuất các sản phẩm tại HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Quý. |
Trong năm 2024, tổng doanh thu HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Quý đạt 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 24 triệu đồng. Đây là kết quả từ hoạt động sản xuất và tiêu thụ hơn 340 tấn nông sản các loại. Trong đó, nổi bật có 158 tấn gạo lức, gần 30 tấn rau ngót Nhật, hơn 27 tấn xà lách xoăn Nhật, gần 10 tấn chuối chín, 55.000 trái dừa khô và gần 48.000 trái dừa tươi… HTX vừa trực tiếp sản xuất, vừa thu mua từ thành viên theo hợp đồng liên kết, đảm bảo ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Điểm nhấn nổi bật trong hoạt động phát triển sản phẩm của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Quý chính là Trà Sâm Toshiha - dòng sản phẩm chủ lực được nghiên cứu, chế biến từ các loại thảo dược trồng theo hướng hữu cơ như sâm Ấn Độ, dây thìa canh, kim ngân hoa, cỏ ngọt, bạc hà... HTX chủ động đầu tư từ khâu giống, hướng dẫn kỹ thuật, thu hoạch đúng chuẩn, sấy lạnh và đóng gói theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tháng 3-2025, Trà Sâm Toshiha chính thức được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu riêng của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Quý được cấp chứng nhận. Không chỉ là sự công nhận về chất lượng, chứng nhận này còn mở ra cánh cửa đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối chính quy, phát triển thương hiệu và tiến tới thị trường xuất khẩu. Đây là minh chứng cho tư duy sản xuất hiện đại, dám làm, dám chuyển mình của HTX trong nền nông nghiệp đổi mới.
HTX khá, giỏi chiếm 79,3%
Câu chuyện về 3 HTX kể trên chỉ là một "lát cắt" trong hàng trăm HTX tên tuổi ở Đồng Tháp (mới) hôm nay. Trước thời điểm sáp nhập giữa tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, đổi tên thành tỉnh Đồng Tháp, tại một hội nghị tổng kết được tổ chức tháng 1/2025, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, cho biết giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh thành lập mới 104 HTX với 2.927 thành viên, vốn góp đạt 136,93 tỷ đồng; giải thể 52 HTX. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 275 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, đạt 100,7% kế hoạch năm 2024.
Tổng vốn điều lệ của HTX đạt hơn 1.498 tỷ đồng; tổng nguồn vốn hoạt động đạt trên 6.238 tỷ đồng. Tổng doanh thu cuối năm 2024 ước đạt hơn 2.967 tỷ đồng, tăng 5,51%; tổng lợi nhuận ước đạt 54,8 tỷ đồng. Các HTX có khoảng 97.579 thành viên; tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 32.257 người. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt khoảng 80,6 triệu đồng/người/năm…
Số HTX được đánh giá, phân loại là 218 HTX, chiếm 79,27% tổng số HTX của tỉnh. Trong đó, số HTX khá, giỏi là 173/218 HTX, chiếm 79,3%, HTX trung bình là 34/218 HTX, chiếm 15,5%; HTX yếu, kém là 11/218 HTX, chiếm 5%. Tổng số HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động điều hành và sản xuất - kinh doanh là 57 HTX, quỹ tín dụng nhân dân; có 26 HTX với 39 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Theo đánh giá, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã tạo nên những thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy KTTT và HTX. Đây là mô hình phối hợp thực tế, linh hoạt với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh, đảm bảo các chính sách hỗ trợ KTTT được thực thi hiệu quả. Các HTX được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn ưu đãi, đất đai, kỹ thuật, hỗ trợ hạ tầng, xúc tiến thương mại… Qua đó, giúp HTX giải quyết được những khó khăn cơ bản và mở rộng quy mô hoạt động, đã tạo ra những bước tiến lớn trong phát triển KTTT và cải thiện chất lượng đời sống người dân.
Do đó, sau sáp nhập, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, nhất là những kinh nghiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Việc phát triển các mô hình HTX bền vững, có khả năng thích nghi với thị trường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp và nông dân cần được chú trọng hơn nữa. Các chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cần được xây dựng một cách bài bản, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định và gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực cũng là yếu tố then chốt. Các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng quản lý, ứng dụng công nghệ và xây dựng thương hiệu cần được triển khai rộng rãi để nâng cao năng lực cạnh tranh của các HTX. Đồng thời, việc thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia vào các HTX là một nhiệm vụ cần thiết, mang lại sức sống mới cho các mô hình KTTT.
Huyền Mi