Ngay từ cuối năm 2022, UBND tỉnh Lào Cai (cũ) đã cho phép HTX Nông nghiệp Nghĩa Lộ đăng ký, quản lý và sử dụng tên địa danh "Nghĩa Lộ” để tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Thanh Long ruột đỏ Nghĩa Lộ”; "Bưởi Nghĩa Lộ” và xác nhận bản đồ khu vực địa lý tương ứng gắn với sản phẩm. Theo đó, HTX Nông nghiệp Nghĩa Lộ có trách nhiệm quản lý, sử dụng và phát triển Nhãn hiệu tập thể "Thanh Long ruột đỏ Nghĩa Lộ” và "Bưởi Nghĩa Lộ” theo đúng quy định.
Điểm sáng Nghĩa Lộ
Việc UBND tỉnh cho phép HTX Nông nghiệp Nghĩa Lộ đăng ký, quản lý và sử dụng tên địa danh "Nghĩa Lộ” để tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể giúp cho sản phẩm thanh long ruột đỏ và bưởi của xã Nghĩa Lộ rõ nguồn gốc, thu hoạch, bảo quản theo quy trình đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó, người nông dân yên tâm mở rộng diện tích, chủ động đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đây là cơ hội lớn để Nghĩa Lộ giới thiệu, quảng bá, liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
![]() |
Kinh tế các hộ gia đình nông dân ở phường Nghĩa Lộ có chuyển chuyển biến tích cực, khởi sắc nhờ kết quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. |
Ông Phạm Minh Long, ở thôn 9, phường Nghĩa Lộ, cho biết: “Trước kia kinh tế của gia đình tôi chủ yếu phụ thuộc và trồng chè, vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương phát triển xây dựng nông thôn mới, gia đình tôi đã chuyển đổi sang mô hình trồng cam xen canh với chè trên diện tích 3ha, thu nhập khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Kể từ khi phát triển kinh tế trồng trọt theo hướng này tôi thấy hiệu quả hơn rất nhiều”.
Gia đình chị Hoàng Thị Thúy, ở bản Khinh, phường Nghĩa Lộ cũng là một trong những điển hình về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nông nghiệp, khi chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Chị Thúy cho biết: “Sau khi tìm hiểu học hỏi kỹ thuật canh tác, gia đình tôi đã chuyển sang trồng dưa hấu, đây là loại cây cũng dễ trồng, dễ chăm sóc, thu nhập cũng khá hơn so với việc canh tác các loại cây trồng truyền thống như lúa ngô, chè, trung bình mỗi vụ dưa hấu đem lại nguồn thu cho gia đình bà Thúy khoảng 50 - 60 triệu đồng”.
Hàng năm, các hộ gia đình người dân ở phường Nghĩa Lộ còn chú trọng phát triển các loại cây trồng hoa màu như ngô, rau màu, mướp đắng, dưa các loại, ớt, bí đỏ lấy hạt, ớt xanh Nhật Bản, dưa lê, dưa hấu… Những vùng đất lúa kém hiệu quả trước đây giờ đây đã "thay áo mới” bằng những vườn cây ăn quả, ruộng rau màu cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần.
Kinh tế phát triển giúp cải thiện mức sống cho người dân ở phường Nghĩa Lộ, đặc biệt là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế tốt hơn, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế còn tạo ra môi trường sống tốt hơn, văn minh hơn, thúc đẩy sự giao lưu, hội nhập và phát triển văn hóa ở địa phương.
Hiệu quả kinh tế cao
Không riêng Nghĩa Lộ, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ghi nhận hiệu quả kinh tế tích cực từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Chẳng hạn, việc chuyển đổi đất nương đồi trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng chè và mở rộng diện tích thâm canh cây chè theo hướng hàng hóa đang là hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con A Lù, huyện Bát Xát (cũ).
Ông Tẩn Láo Tả cho biết: "Nhận thấy lợi ích lâu dài của cây chè đem lại, gia đình tôi đã chuyển hơn 1 ha đất nương trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè".
Không chỉ gia đình ông Tả, nhiều hộ khác trong xã cũng chuyển đổi đất nương đồi trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng chè. Hộ gia đình bà Thào Thị Chao có gần 50 gốc chè cổ thụ. Trước đây, gia đình cũng chỉ hái để uống; từ khi sản phẩm chè Shan được thị trường ưa chuộng bà đã thu hái để bán cho HTX. Nhờ đó, bà có tiền để trang trải chi phí trong gia đình.
“Bây giờ, chè bán được giá, gia đình cũng thường xuyên làm cỏ, bón phân chuồng hoai mục để chè có nhiều búp hơn. Vì thế mà sản lượng những năm gần đây cũng cao hơn nhiều so với trước”, bà Chao cho biết.
Trước đây, do giao thông không thuận lợi, việc tiêu thụ chè khó khăn nên cây chè chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của các hộ, người dân để chè mọc tự do, không chăm sóc, đốn tỉa. Chính quyền các cấp cùng doanh nghiệp đã khảo sát vùng chè, thành lập HTX nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn, giúp nhiều hộ có nguồn thu ổn định.
Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chè của bà con, HTX chè Hướng Tâm và HTX sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp A Mú Sung… đã đầu tư máy móc, nhà xưởng để bao tiêu sản phẩm cũng như sản xuất ra nhiều loại chè cung ứng ra thị trường.
![]() |
HTX giúp việc tiêu thụ chè thuận lợi hơn, nhiều hộ có nguồn thu ổn định. |
Cùng với đó, để có nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, các HTX đã cử cán bộ về từng hộ gia đình hướng dẫn tuân thủ quy trình, từ khâu trồng đến thu hái. Trong quá trình bà con trồng mở rộng diện tích cũng phải tuân thủ thiết kế nương đồi, trồng cây che bóng, áp dụng các biện pháp thâm canh, bón phân hữu cơ, phân vi sinh…
“Nhờ được tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thâm canh chè, cây chè phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao hơn, được thu mua với giá tốt hơn trước đây”, bà Thào Thị Chao cho biết.
Được biết, người dân cũng như các HTX mong muốn tiếp tục được ban lãnh đạo tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ công nghệ chế biến chè để nâng cao hơn nữa chất lượng, giá bán…
Hướng đi chiến lược của tỉnh
Giai đoạn 2021–2025, Lào Cai (cũ) đã tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm nâng cao chất lượng nông sản, tăng năng suất, sản lượng và cải thiện hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Riêng trong năm 2024 toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm (rau màu các loại; dược liệu cỏ ngọt, đương quy, đan sâm, hoàng sin cô; hoa) được 47,81 ha. Trong đó 12,11 ha đất lúa 2 vụ và 35,7 ha đất lúa 1 vụ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa 2 vụ sang trồng cây lâu năm (cây táo, cây đào cảnh, cây bưởi) đạt 2,3 ha. Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản (cá chép, ốc dạ) 6,5 ha; trong đó 1,5 ha đất lúa 2 vụ và 05 ha đất lúa 1 vụ.
Mục tiêu lớn hơn là hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững, có khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Tỉnh Lào Cai (cũ) đã có những bước đi rõ ràng trong việc xác định các cây trồng chủ lực cần ưu tiên chuyển đổi giống, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản.
Nhờ đó, kết quả giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả cao. Theo số liệu trước 1/7/2025, toàn tỉnh Lào Cai (cũ) có 181.603 hộ. Năm 2024 có 20.411 hộ nghèo, chiếm 11,24% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và 18.058 hộ cận nghèo, chiếm 9,94% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. So với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,7%, tương ứng giảm 6.380 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm 0,31%, tương ứng giảm 317 hộ.
Mặc dù quá trình chuyển đổi giống cây trồng trong những năm qua tại Lào Cai đã bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi thực sự đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân.
Có thể nói, việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp, HTX vào quá trình sản xuất, đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố then chốt. Do đó thời gian tới Lào Cai cần nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Đồng thời phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX thành lập thêm nhiều HTX để cung cấp giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật canh tác cũng như hỗ trợ bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.
Giang Nguyễn