Phát huy lợi thế của địa bàn rừng núi, từ lâu, người dân Vũ Quang đã biết thuần hóa những đàn ong rừng đưa về nuôi và trở thành một nghề truyền thống của địa phương. Mật ong nơi đây nhờ đó đã nức tiếng gần xa.
Nghề truyền thống địa phương
Sau thời gian tham gia quân ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu (thôn 4, xã Vũ Quang) trở về quê hương. Tận dụng lợi thế nhà gần rừng, ông đã học cách nuôi ong.
Thời gian đầu, ông Sửu nuôi vài ba tổ, sau khi có kinh nghiệm từ chăm sóc đến cách thu hoạch lại tiếp tục tăng đàn lên. Đến nay, gia đình ông đã có hàng chục đàn ong, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Ông Sửu chia sẻ: "Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chúng tôi được chuyên gia Canada về tập huấn kể cả cách lấy mật và thời gian lấy mật, độ lấy mật như thế nào để luôn đảm bảo chất lượng... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho những người nuôi sau để nuôi ong lấy mật luôn đảm bảo chất lượng tốt nhất".
Cũng như ông Sửu, ông Nguyễn Văn Dũng sau khi nghỉ công tác hội tại địa phương đã học cách nuôi ong lấy mật. Sau nhiều năm nuôi ong lấy mật, ông trở thành người giàu kinh nghiệm, tích cực truyền dạy kỹ thuật, hỗ trợ ong giống cho hàng trăm hộ dân khác để cùng vươn lên làm giàu.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Dũng tích cực truyền dạy kỹ thuật, hỗ trợ ong giống cho hàng trăm hộ dân khác để cùng vươn lên làm giàu. |
Ông Dũng cho biết: "Mật ong quê tôi đậm đà hương vị núi rừng Vũ Quang. Đặc biệt, người nuôi đã nắm vững khoa học kỹ thuật nuôi ong nên lượng mật tiêu thụ rất dễ dàng".
Từ việc biết khai thác món quà ngọt ngào mà thiên nhiên ban tặng, nhiều người dân đã minh chứng tình yêu nghề, sự sáng tạo và khát vọng vươn xa. Nhiều mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Vũ Quang đã liên kết với cách nuôi theo tiêu chuẩn mới, giúp người dân phát triển quy mô, xây dựng HTX, làm nên sự khác biệt của sản phẩm mật ong riêng có giữa đại ngàn.
Xây dựng HTX, gắn sao cho mật ong
HTX nuôi ong Ân Phú (xã Vũ Quang) có 27 thành viên, nuôi trên 800 đàn ong, sản lượng mật thu được hàng năm khoảng 6,5 tấn, với giá 260.000/kg, mỗi năm HTX thu về gần 1,7 tỷ đồng.
Bên cạnh sản phẩm mật ong nguyên chất, mỗi năm HTX còn cung cấp trên 300 đàn ong giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, cũng như đa dạng các sản phẩm từ mật ong, xã Vũ Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tìm hiểu, sản xuất các sản phẩm dược liệu chế biến từ mật ong, như: Mật ong ngâm hoa đu đủ đực, viên tinh nghệ mật ong,..
Đồng thời, quy trình hóa các khâu trong sản xuất như: đóng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Trong đó nổi bật là sản phẩm mật ong ngâm hoa đu đủ đực của ông Đậu Khắc Mạnh, thành viên HTX đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cuối năm 2023. Sản phẩm này là sự kết hợp giữa mật ong thiên nhiên và hoa đu đủ đực, có tác dụng hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp tăng cường sức bền và khả năng làm việc. Đồng thời, giúp bổ sung vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch và phòng ngừa các bệnh về tim mạch, tiểu đường…
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và chất lượng nhất, gia đình ông Mạnh tự trồng 1ha cây đu đủ đực theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; về mật ong, gia đình chủ yếu sử dụng từ từ 60 đàn ong trong vườn và của thành viên HTX với số lượng khoảng 2 tấn mật/năm.
Trước khi đưa vào ngâm với mật ong, hoa sẽ được sơ chế, rửa sạch và phơi khô. Sau thời gian ngâm từ 3- 6 tháng sẽ cho ra thành phẩm có màu vàng óng, mùi thơm dịu, vị ngọt thanh.
![]() |
Sản phẩm mật ong ngâm hoa đu đủ đực của ông Đậu Khắc Mạnh, thành viên HTX nuôi ong Ân Phú đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3. |
Hiện, sản phẩm mật ong ngâm hoa đu đủ đực của ông Mạnh có mức giá từ 100 – 215.000 đồng/hũ tuỳ vào khối lượng. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông bán được khoảng 100 hũ, đem về nguồn thu từ 10 - 15 triệu đồng. Ngoài bán trực tiếp tại nhà, ông Mạnh còn tận dụng các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook để quảng bá, xuất bán sản phẩm.
Việc xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm mật ong ngâm hoa đu đủ đực đã giúp gia đình ông Mạnh ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập và yên tâm gắn bó với nghề nuôi ong.
Nâng tầm thương hiệu và giá trị sản phẩm địa phương
Được biết, từ những năm 2002, nghề nuôi ong bắt đầu xuất hiện tại xã Vũ Quang khi khu sinh quyển Vườn quốc gia Vũ Quang được quy hoạch và bảo vệ. Đến nay, toàn xã có hơn 800 hộ nuôi ong với trên 5.000 đàn. Sản phẩm mật ong Vũ Quang được tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà khắp cả nước, đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân. Đó cũng là động lực để người nuôi ong tiếp tục nhân đàn và xây dựng các quy trình kỹ thuật để tạo ra những dòng mật chất lượng và thơm ngon nhất đến tay người tiêu dùng.
Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, xã Vũ Quang đã tích cực đưa người hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào quá trình nuôi, đa dạng các sản phẩm chế biến từ mật ong, đẩy mạnh thành lập các tổ hợp tác (THT), HTX hoạt động hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống... Đặc biệt, xã cũng đã thành lập Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang nhằm kết nối các hộ nuôi với nhau, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu các chính sách, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập.
Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tạo mọi điều kiện cho các HTX, THT tham gia các hội nghị, hội chợ thương mại được tổ chức trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá về các sản phẩm mật ong Vũ Quang.
Nhờ chất lượng thơm ngon đặc trưng, cùng với sự đồng hành của các cấp, các ngành trong việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm mật ong Vũ Quang ngày càng được khách hàng yêu thích, tin tưởng sử dụng. Qua đó, giúp bà con bán được giá và ổn định đầu ra, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; đưa mật ong trở thành sản vật đặc trưng và là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã.
Hiện, trên địa bàn xã đã có 3 sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 3 sao của HTX nuôi ong Ân Phú, HTX nuôi ong xã Thọ Điền và HTX nuôi ong xã Đức Giang.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang cho biết: Nghề nuôi ong phát triển ổn định và là nguồn thu nhập lớn cho bà con nhân dân xã Vũ Quang. Để đồng hành cùng bà con trong việc nâng tầm sản phẩm, thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã cũng đã quan tâm kết nối thị trường, hỗ trợ, động viên các HTX, THT xây dựng sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 3 sao….
Đại diện xã nhận xét, hiệu quả từ nghề nuôi ong lấy mật và việc xây dựng thành công thương hiệu mật ong Vũ Quang đã giúp người dân và các HTX, THT thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, gia tăng thu nhập, nâng tầm giá trị và thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo chung toàn xã.
Ngọc Giang