Tại tỉnh Vĩnh Long (cũ), thời gian gần đây, các HTX không chỉ đảm nhận vai trò tổ chức sản xuất, mà còn là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ. HTX tham gia từ khâu chọn giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, quản lý phân bón, thuốc BVTV đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân.
Lợi nhuận tăng theo từng năm
Tháng 7/2018, HTX nông nghiệp Long Hiệp ra đời, với 61 thành viên, diện tích hơn 50ha trồng lúa, kết hợp nuôi tôm càng xanh. Nhờ làm ăn hiệu quả, bà con bắt đầu tin tưởng tham gia và hiện nay, HTX có đến 72 thành viên, sản xuất trên diện tích 220ha.
Anh Trầm Minh Thuần (31 tuổi), giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp kể: “Ban đầu, việc vận động người dân tham gia HTX vô cùng khó khăn vì họ thấy tôi còn trẻ, điều kiện kinh tế chưa phát triển và nhiều HTX khác đang hoạt động hiệu quả không cao. Tôi phải cố gắng thuyết phục, cam kết cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận và đặc biệt nông dân sẽ được thu mua lúa với giá cao hơn so với giá thị trường nên bà con tin tưởng tham gia”.
![]() |
Năm 2024, lợi nhuận của HTX nông nghiệp Long Hiệp vào khoảng 1,4 tỷ đồng. |
Anh Thuần còn tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo, đưa nghề sản xuất lúa gạo hữu cơ - kết hợp nuôi tôm càng xanh ngày càng phát triển bền vững. Sau đó, anh quyết định chuyển sang làm sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo riêng cho HTX là “Hạt Ngọc Rồng”. Sản phẩm gạo “Hạt Ngọc Rồng” của HTX nông nghiệp Long Hiệp đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.
“Khi có đối tác, HTX quyết định chuyển sang làm sản phẩm gạo sạch từ hạt lúa hữu cơ và xây dựng thương hiệu gạo. Sau khi thu mua lúa của nông dân, đem về thuê nhà máy xay xát ra gạo rồi đóng gói, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm là “Hạt Ngọc Rồng” và đem ra giới thiệu thị trường”, anh Thuần nói.
Hiện, đa số các thành viên HTX nông nghiệp Long Hiệp gieo sạ các giống lúa như ST25, OM18, OM5451. Riêng vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa đạt từ 6-7,5 tấn/ha, cao hơn năm 2024.
“HTX khi xây dựng thương hiệu gạo phải theo quy trình an toàn, sạch và hướng đến hữu cơ. Để làm được điều đó, Ban quản trị HTX đưa ra quy trình canh tác để các thành viên làm theo, dần dần đưa từ an toàn, sạch rồi đến hữu cơ.
Hiện, các thành viên đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để vừa có sản phẩm gạo chất lượng mà còn thu được thêm nguồn lợi thủy sản tôm càng xanh”, anh Thuần chia sẻ.
Năm 2024, lợi nhuận của HTX nông nghiệp Long Hiệp vào khoảng 1,4 tỷ đồng; năm 2023 là 1,1 tỷ đồng. Về định hướng phát triển HTX trong thời gian tới, HTX cho biết sẽ mua máy bay không người lái (drone) để làm dịch vụ phun thuốc, bón phân. Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ tăng thêm 30% diện tích vùng trồng lúa cho HTX (tăng khoảng 100ha), cùng với đó là tăng sản lượng bao tiêu và hướng tới xuất khẩu.
Từ cái tâm và trách nhiệm
Sau hơn 14 năm thành lập, từ 6,5ha với 15 thành viên, HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ với 65 thành viên tham gia sản xuất.
Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cho biết, mục tiêu của HTX là tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng nhưng phải bảo vệ môi trường, nhiều năm nay HTX đã làm được và đang tiếp tục thực hiện theo kim chỉ nam này.
Hiện nay, HTX có khoảng 30ha diện tích trồng lúa được cấp chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế gồm USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) với những giống lúa chủ lực là lúa thơm ST24, Đài thơm 8, OM4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt.
Từ thực trạng chi phí sản xuất cao, đầu ra bấp bênh, trong khi môi trường đất trồng lúa bị tồn dư hóa chất độc hại, gây ô nhiễm, với sự hướng dẫn của lãnh đạo HTX, các thành viên đã bắt tay vào việc trồng lúa hữu cơ. Đây là quy trình sản xuất lúa gắn liền với việc sử dụng nước sạch, phân bón và thuốc BVTV hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu hàm lượng các chất gây hại.
Dựa vào lợi thế vùng đất lúa, thành viên là những nông dân có kinh nghiệm trong nghề trồng lúa nước và có cơ sở hạ tầng đồng ruộng thuận lợi, nên HTX mạnh dạn sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đó là sản xuất theo hướng hữu cơ và đã thành công.
![]() |
Mỗi tháng, HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt cung ứng cho thị trường 15-20 tấn sản phẩm. |
Theo ông Tài, nhờ thực hiện sản xuất an toàn, hữu cơ nên khi triển khai Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao có những thuận lợi nhất định cho HTX.
“Trước khi triển khai thực hiện đề án, tôi đã trực tiếp tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm trong sản xuất. Đồng thời, tập huấn cho các thành viên chủ chốt của HTX nắm bắt được công nghệ. Trong năm 2025, HTX đăng ký thực hiện đề án với diện tích 350ha trong 3 vụ lúa. Hiện, HTX gần như đã hoàn thiện các điều kiện để thực hiện theo đề án, đang hoàn thiện trạm bơm để đưa vào sử dụng trong vụ mùa tới”, ông Tài cho hay.
"Mỗi tháng, HTX cung ứng cho thị trường 15-20 tấn sản phẩm, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. HTX có lợi nhuận, có hướng đi đúng đắn, có thành công thì mới thu hút được nhiều nông dân tham gia vào HTX. Từ đó, hình thành vùng sản xuất lớn, bền vững hơn”, ông Tài chia sẻ.
Sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp và ứng dụng công nghệ 4.0 vào đồng ruộng, thực chất là giảm mức đầu tư, đồng nghĩa tăng lợi nhuận cho nông dân. Các thành viên HTX đã có thu nhập ổn định, nhiều gia đình có “của ăn của để”, không còn lo thu nhập bếp bênh như trước đây.
Chuyển biến về số lượng và chất lượng
Có thể khẳng định, trước thời điểm sáp nhập với tỉnh Bến Tre và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Long mới, khu vực KTTT của tỉnh Vĩnh Long (cũ) đã phát triển cả về lượng và chất, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. KTTT mà nòng cốt là HTX kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau đã thể hiện vai trò là chỗ dựa cho kinh tế hộ phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.
Nhờ những nỗ lực đó mà năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại tỉnh Vĩnh Long giảm 1.350 hộ, đạt tỷ lệ 0,46%. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 112,2%, tính trên kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo đề ra trong năm là 0,41%.
Theo Ban chỉ đạo (BCĐ) Phát triển KTTT, các cấp đã tập trung, quyết liệt lãnh chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan đến chiến lược, chương trình, kế hoạch… để hoàn thành các mục tiêu phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Các sở ngành, địa phương, các đoàn thể đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ cho HTX.
Trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX như: hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, hỗ trợ khuyến công, khuyến nông, đào tạo nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, mã số vùng trồng; tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng và quỹ hỗ trợ phát triển HTX… Theo đó, khu vực KTTT, HTX có chuyển biến tích cực cả về chất lượng và số lượng.
Liên minh HTX tỉnh cho biết, năm 2024 toàn tỉnh có 14 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX toàn tỉnh là 207 HTX, 3 liên hiệp HTX và 5 quỹ Tín dụng nhân dân. Doanh thu bình quân cả năm của HTX đạt 1,275 tỷ đồng/HTX, tăng 35 triệu đồng; lợi nhuận bình quân đạt 292 triệu đồng/HTX, tăng 2 triệu đồng so cùng kỳ.
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 120 HTX được xếp từ loại khá trở lên, chiếm tỷ lệ 78,43% tổng số HTX đủ điều kiện xếp loại, tăng 35,76 điểm % so năm 2021. Đây là kết quả, tín hiệu khá tích cực đối với sự phục hồi và phát triển của khu vực KTTT, HTX. Nhiều mô hình HTX hoạt động đã có hiệu quả, qua đó đã giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò, bản chất của HTX, càng tin tưởng vào hoạt động, lợi ích của HTX mang lại.
Hoàng Hà