Trên địa bàn xã Phước Mỹ (cũ) có tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 12.000ha. Với hơn 95% đồng bào Giẻ Triêng sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, làm lúa rẫy, trồng sắn, bắp, cây keo… Từ chủ trương “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, bà con nơi đây đã tham gia mô hình chuỗi liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, từ đó thay đổi thói quen sản xuất, cải thiện sinh kế.
Mở ra hướng sinh kế mới
Cách đây hơn 1 năm, đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở Phước Mỹ (cũ) đã tham gia mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng ở khu vực vành đai của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
![]() |
Mô hình chuỗi liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng mở ra hướng sinh kế mới cho bà con dân tộc thiểu số ở Phước Năng. |
Qua mô hình này, hàng chục hộ dân đã được tập huấn các kiến thức kỹ thuật liên quan đến trồng cây ba kích dưới tán rừng như làm vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ở ngoài rừng…Với 44.000 cây ba kích giống được trồng trên diện tích 6ha, đến nay tỷ lệ sống đạt 90%, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.
Chị Hồ Thị Phượng, một phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng trồng cây ba kích tại Phước Mỹ (cũ) chia sẻ, trước đây, người dân chỉ biết trồng lúa rẫy, đi làm thuê hoặc vào rừng khai thác những sản vật theo mùa để mưu sinh. Khi tham gia mô hình, chuyển sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, thời gian đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, bà con dần dần làm chủ được quy trình trồng và chăm sóc cây.
Tham gia mô hình, bà con trong thôn đã được tập huấn các kiến thức kỹ thuật liên quan đến trồng cây ba kích dưới tán rừng như làm vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ở ngoài rừng… Nhờ đó mà cây ba kích phát triển tốt, cho năng suất củ cao, đầu ra thuận lợi, giá cả hợp lý nên mang lại thu nhập đáng kể cho bà con.
Ngoài mô hình nêu trên, những năm gần đây, bà con dân tộc thiểu số ở Phước Mỹ (cũ) đã được các cấp chính quyền hỗ trợ trồng và chăm sóc hàng chục ha cây dược liệu dưới tán lá rừng. Qua đó mở ra một hướng sinh kế mới, bền vững và lâu dài cho đồng bào và thay thế cây keo - loại cây trồng vừa có hiệu quả kinh tế không cao, vừa là tác nhân của tình trạng sạt lở núi trong mùa mưa lũ.
Tiếp cận theo chuỗi giá trị
Với phương pháp tiếp cận theo chuỗi giá trị, bà con dân tộc thiểu số tham gia trồng cây ba kích dưới tán rừng ở địa bàn Phước Mỹ (cũ) còn được trang bị kỹ năng về cách chế biến rễ ba kích khô, cách đóng gói, tiếp thị sản phẩm. Hiện tại, một số doanh nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với đại diện tất cả các nhóm hộ trồng ba kích tại đây.
![]() |
Phát triển kinh tế dưới tán rừng đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Năng. |
Từ định hướng quy hoạch vùng trồng, không chỉ ở Phước Mỹ (cũ), các địa bàn khác của xã Phước Năng mới sau sáp nhập là Phước Năng (cũ) và Phước Đức (cũ) cũng tập trung hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số tại địa phương phát triển kinh tế từ việc tham gia liên kết trồng các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực.
Và để chuỗi liên kết trồng cây dược liệu thật sự vững chắc, mang lại niềm tin cho bà con dân tộc thiểu số ở Phước Năng thì HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng đã được thành lập, thu hút hàng chục hộ dân tham gia.
Là người dân tộc Giẻ Triêng ở thôn 2 xã Phước Năng, anh Hồ Văn Beo cho biết việc tham gia HTX là bước ngoặt trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của anh trong việc chăm sóc vườn ươm cây giống dược liệu.
Theo anh Beo, sau khi tham gia vào HTX, bản thân anh được tạo điều kiện về công ăn việc làm. Và từ mô hình HTX, anh cũng nắm vững quy trình sản xuất của cây trồng, kỹ thuật trồng dược liệu, rồi cùng HTX tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con trong thôn, trong xã về phương thức canh tác mới.
Với việc ươm các loại cây giống như keo, quế, ba kích, dổi, đẳng sâm…, đồng bào nơi đây được HTX mời cán bộ có chuyên môn về hướng dẫn kỹ thuật về quy trình chăm sóc, bón phân, trị sâu bệnh để nâng cao năng suất. Riêng đối với anh Hồ Văn Beo, qua mô hình vườn ươm cây giống, anh vừa có thêm thu nhập, vừa nâng cao trình độ sản xuất so với trước đây.
“Khi tham gia HTX, tôi có việc làm ổn định, từ mô hình của HTX, mình học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn. Bản thân tôi sau khi được nâng cao nhận thức thì cũng mạnh dạn tuyên truyền cho bà con phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm để việc sản xuất được hiệu quả hơn”, anh Beo nói.
Thực ra, thời gian đầu, bà con Giẻ Triêng ở xã Phước Năng khá bỡ ngỡ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và tính hiệu quả của HTX nên bà con thấy được lợi ích của mình và tham gia ngày càng tích cực.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX, cho biết luôn cố gắng vận động bà con dân tộc thiểu số ở Phước Năng tham gia cùng HTX để sản xuất ra các sản phẩm dược liệu đặc trưng để bán lấy tiền. HTX cũng đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP để giúp bà con Giẻ Triêng ở Phước Năng thoát nghèo bền vững.
Nhân rộng cách làm hiệu quả
Để nhân rộng các mô hình liên kết trồng dược liệu đạt hiệu quả, chính quyền xã Phước Năng (sau sáp nhập từ 3 xã cũ là Phước Mỹ, Phước Đức, Phước Năng của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trước đây) đang tiếp tục hướng tới mở rộng diện tích trồng cây dược liệu bản địa dưới tán rừng. Chẳng hạn như với cây sâm ba kích tím tự nhiên có giá dao động 400 nghìn đồng/kg, nếu được nhân giống, mở rộng diện tích trồng, thì bà con vùng cao sẽ có cơ hội giảm nghèo nhanh và vươn lên khá giả.
![]() |
HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng được hỗ trợ kỹ thuật để trồng cây dược liệu phát triển tốt, cho năng suất củ cao, đầu ra thuận lợi, giá cả hợp lý, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con dân tộc thiểu số. |
Hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong thời gian qua đã xác định muốn phát triển kinh tế dược liệu thì việc tận dụng lợi thế về kinh nghiệm sản xuất của người dân, thành viên HTX là điều quan trọng để hình để hình thành các vùng chuyên canh lớn. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế dược liệu ở vùng đất Phước Năng thì mô hình hiệu quả của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng rất cần được nhân rộng.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam trước đây và nay là Liên minh HTX Tp. Đà Nẵng đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực để phát triển, nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX dược liệu (trong đó có HTX ở Phước Năng). Cụ thể như hỗ trợ tập huấn cho bà con dân tộc thiểu số và các thành viên HTX thay đổi nhận thức để phát triển cây dược liệu trong rừng nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái. Đồng thời, hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến trong trồng, sản xuất, chế biến dược liệu để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam còn cùng với địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ HTX và bà con dân tộc thiểu số tổ chức vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn và nâng cao trình độ nhân lực của HTX tham gia trong chuỗi giá trị dược liệu…
Tin rằng với động lực mới từ xã mới Phước Năng sau sáp nhập thì việc phát triển chuỗi liên kết trồng cây dược liệu ở nơi đây ngày càng vững chắc, HTX tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt, là chỗ dựa vững chắc để giúp bà con dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên, có cuộc sống ấm no hơn.
Thanh Loan