HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Sơn tại xã Bạch Hà (xã Đại Sơn thuộc huyện Đô Lương cũ) do ông Nguyễn Trọng Bình làm giám đốc là một trong những mô hình nông nghiệp trồng cây ăn quả không dùng thuốc bảo vệ thực vật mang lại giá trị kinh tế cao.
Hướng đi mới từ sản xuất hữu cơ
Mùa nào thức nấy, người dân xã Bạch Hà cũng như các xã lân cận thường xuyên đến tận vườn của gia đình ông Bình để tìm mua trái cây. Đa số người dân nơi đây đều yên tâm, ưa thích ổi và các loại trái cây của gia đình ông Bình trồng vì vừa ngọt đậm vừa giòn, giá bán hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Được biết, việc đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe của con người luôn được ông Bình đặt lên trên hết. Đối với hàng nghìn gốc ổi, bưởi, táo, mít tại các vườn của gia đình, các loại quả đều được bọc cẩn thận bằng túi bảo vệ quả, không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu. Bên cạnh đó, để ổi, táo, bưởi có chất lượng cao, giòn ngọt, ông còn bổ sung thêm phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh.
![]() |
Chất lượng cây trồng và sản phẩm ổi tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Sơn do ông Nguyễn Trọng Bình làm Giám đốc được công nhận chuẩn OCOP 3 sao. |
Chia sẻ về thành quả của mình, ông Bình cho hay, hiện ông đang đầu tư trồng 3.000 gốc ổi, hơn 100 gốc bưởi da xanh và gần 200 gốc táo đại theo chuẩn VietGAP. Các loại quả được bọc lớp bao bảo vệ từ lúc mới hình thành cho đến thu hoạch, vừa cách ly được côn trùng, sâu bệnh gây hại, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm khi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Mỗi năm, vườn ổi của ông Bình cho thu hoạch 2-3 lứa, mỗi lứa thu hoạch được 3-4 tạ, được bán tại vườn với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Ổi mỗi khi thu hái đều được người dân, thương lái đến mua hết trong ngày.
“Nhờ được lựa chọn giống tốt và chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây ổi tại vườn đều nhanh cho trái và chất lượng quả ngọt đậm, giòn, độ cứng vừa phải nên được nhiều khách quen đặt hàng.”, ông Bình cho biết.
Tương tự, HTX công nghệ cao Nông Thịnh ở xã Thái Hòa III (xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa cũ) được thành lập với phương châm "xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng”. Những năm qua, nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên.
Trong số chuỗi phát triển sản phẩm sạch dưới nhà màng như dưa lưới, dưa chuột, cà chua, hoa ly, hoa cúc…, "đứa con tinh thần" đầu tiên của HTX Nông Thịnh là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái cho giá trị cao.
Ông Trần Hoài Thanh, Giám đốc HTX Nông Thịnh cho hay, tính ưu việt của mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao là không dùng thuốc kích thích hay phân hóa học, thay vào đó là các loại phân hữu cơ, thân thiện môi trường đã qua xử lý đảm bảo an toàn thực phẩm, tất cả đều theo quy trình tự động.
Nhờ đầu tư bài bản, sản xuất ổn định, 100% thành viên của HTX Nông Thịnh đều có mức thu nhập cao. Người lao động có thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/tháng. Vào mùa cao điểm, HTX còn huy động thêm hàng chục lao động thời vụ phục vụ khâu chăm sóc, thu hái và đón tiếp khách du lịch.
Làm giàu bền vững
Được biết, những mô hình nông nghiệp hữu cơ như 2 HTX vừa kể trên đã và đang được khích lệ và mở rộng tại nhiều địa phương tại tỉnh Nghệ An, góp phần phát triển hiệu quả các đặc sản, sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ở mỗi vùng quê, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giảm nghèo bền vững.
![]() |
Dưa lưới của HTX công nghệ cao Nông Thịnh được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái cho giá trị cao. |
Cán bộ UBND xã Bạch Hà cho biết, tại địa phương, hơn 70% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Sơn do ông Nguyễn Trọng Bình làm giám đốc cùng 4 thành viên trong ban điều hành đã giúp HTX phát huy ngày càng hiệu quả.
Ông Hờ Pà Chù, người dân xã Bạch Hà chia sẻ: "Là thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Sơn, tôi rất may mắn được HTX hỗ trợ cây giống, cách trồng, chăm sóc và tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm. Như vậy, gia đình tôi không chỉ có việc làm thường xuyên mà còn bán sản phẩm được giá cao. Cuộc sống gia đình tôi khấm khá lên nhờ có HTX”...
Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ quan tâm của chính quyền tỉnh Nghệ An cũng như Liên minh HTX tỉnh, đã giúp người dân xây dựng kế hoạch, đề án định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đặc điểm từng vùng để khai thác được hết các tiềm năng trên đất nông nghiệp; lựa chọn các sản phẩm chủ lực để tập trung quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung và đến nay đã xây dựng vùng chuyên canh rau màu rộng hơn 500ha và sản phẩm cung cấp cho các siêu thị trong cả nước.
Đặc biệt, các địa phương rất thành công trong việc khuyến khích đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ...
Tiếp tục đẩy mạnh các nguồn lực hỗ trợ
Có thể nói trong những năm qua, mô hình HTX tại các địa phương đã khẳng định vai trò kết nối, tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, đặc biệt là tạo việc làm cho thành viên thuộc hộ nghèo và lao động thường xuyên ở khu sản xuất của HTX.
Cũng nhờ tham gia vào HTX, các thành viên có cơ hội được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các thông tin, kiến thức về thị trường, liên kết với doanh nghiệp trong khâu cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm.
![]() |
Nông dân, HTX tỉnh Nghệ An đang gây ấn tượng mạnh với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. |
Với những nỗ lực không ngừng, Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX tại từng địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng một nền kinh tế nông thôn hiện đại, bền vững và thịnh vượng.
Đặc biệt, các HTX tại các huyện miền núi đã góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, tiêu thụ nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng cao của tỉnh, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi của địa phương.
Trong năm 2024, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hoạt động theo hướng liên kết chuỗi, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn trên các lĩnh vực thương mại, sản xuất chế biến nông sản, đặc sản, hải sản, dược liệu... giúp nâng cao giá trị nông sản.
Tính đến hết năm 2024 toàn tỉnh Nghệ An có 545 HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả, chiếm 61,4% tổng số HTX đang hoạt động và tăng 8,2% so với năm 2023. Trong năm đã có 3 HTX trên địa bàn tỉnh được Liên minh HTX Việt Nam bình chọn, tôn vinh trong top 100 HTX tiêu biểu của toàn quốc và trao giải thưởng Ngôi sao HTX Việt Nam 2024.
Sự đồng hành của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam chính là yếu tố giúp các thành viên, HTX nhỏ lẻ chuyển mình thành những trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, hiệu quả, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi số nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Nghệ An.
Hồng Hương