Trước khi thực hiện sáp nhập với tỉnh Tiền Giang, mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 2021-2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,2% mỗi năm, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Đồng thời, thu nhập bình quân của hộ nghèo sẽ tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung vào việc giải ngân hết 100% vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được giao trong giai đoạn 2021-2025.
Đột phá từ mô hình điểm
Một yếu tố quan trọng trong thành công của công tác giảm nghèo tại Đồng Tháp là sự thay đổi tư duy của người dân khi tham gia vào mô hình phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Một trong những mô hình điểm là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình có trên 1.000 thành viên, hơn 712 ha canh tác lúa cùng các loại cây ăn trái, rau màu…
Những năm qua, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình đã triển khai hệ thống quản lý canh tác thông minh, áp dụng các thiết bị cảm biến IoT để đo độ ẩm, nhiệt độ, pH đất và theo dõi sâu bệnh. Thông tin được cập nhật liên tục lên nền tảng số giúp bà con nông dân điều chỉnh quy trình chăm sóc cây trồng kịp thời.
![]() |
Các HTX ở Đồng Tháp ứng dụng chuyển đổi số, tăng hiệu quả trong sản xuất. |
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Trước đây, việc bón phân, tưới nước chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Giờ đây, với dữ liệu số, chúng tôi biết chính xác cây cần gì, khi nào. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm khoảng 20%, sản lượng tăng 15% so với trước”.
Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ trong sản xuất, HTX còn kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản. Qua đó, sản phẩm được đưa trực tiếp đến tay người tiêu dùng, loại bớt khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Nhiều HTX khác cũng đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số như HTX Rau an toàn Mỹ Lợi, HTX Nông sản xanh Hòa An... Các đơn vị này đều đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, giúp minh bạch thông tin sản phẩm và nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Theo đó, với sự hỗ trợ từ chương trình chuyển đổi số cấp huyện, HTX Rau an toàn Mỹ Lợi đã đầu tư hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động và ứng dụng phần mềm quản lý nông trại FarmERP. Mỗi sản phẩm của HTX đều gắn mã QR, giúp người tiêu dùng truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, thành viên HTX Mỹ Lợi: “Nhờ chuyển đổi số, công việc được chuyên môn hóa, có quy trình rõ ràng. HTX cũng tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi”.
Hỗ trợ phát triển HTX
Số liệu thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm có 232/236 HTX hoạt động có lợi nhuận. Liên minh HTX tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn bộ THT, HTX, Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát động phong trào phát triển kinh tế HTX nhanh và bền vững, qua đó góp phần phát triển kinh tế theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
6 tháng cuối năm, Liên minh HTX tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành địa phương nhằm hỗ trợ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách đặc thù góp phần nâng cao hoạt động của HTX.
Có thể thấy, hành trình phát triển của hệ thống HTX tại Đồng Tháp là câu chuyện ấn tượng về sự thích ứng, đổi mới và vươn lên. Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều HTX đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ IoT, xây dựng thương hiệu sản phẩm sạch, "số hóa" quy trình quản lý và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Điển hình là mô hình sản xuất lúa 3 vụ/năm trên diện tích gần 1.200ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, nơi gần 100% nông dân đã sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật. HTX này cũng ứng dụng công nghệ số vào hầu hết các khâu, từ quản lý thông tin sản phẩm bằng mã QR đến sử dụng phần mềm kế toán, thuế điện tử, hóa đơn điện tử.
![]() |
Mỗi sản phẩm của HTX Rau an toàn Mỹ Lợi đều được gắn mã QR, giúp người tiêu dùng truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất. |
Một ví dụ khác là HTX sầu riêng Phú Hựu với 70ha sầu riêng VietGAP. HTX đã chủ động liên kết với các đối tác, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Thành công của các HTX tại Đồng Tháp đến từ nhiều yếu tố, trong đó có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương thông qua các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường.
Theo đánh giá của Liên minh HTX Việt Nam, Đồng Tháp có tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả cao (trên 70%). Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình HTX kiểu mới, đẩy mạnh liên kết, hợp tác, xây dựng thương hiệu HTX Đồng Tháp.
Tuy nhiên, các HTX Đồng Tháp vẫn cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xây dựng thương hiệu và liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Tỉnh Đồng Tháp khẳng định sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, hỗ trợ để các HTX phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Khát vọng bứt phá trên vùng đất mới
Việc sáp nhập tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang thành tỉnh Đồng Tháp mới không chỉ đơn thuần là sự hợp nhất về địa giới hành chính mà còn tạo ra “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Trên vùng đất mới rộng lớn hơn, các HTX tại Đồng Tháp nhanh chóng nắm bắt cơ hội, hiện thực hóa khát vọng vươn lên bằng những dự án sáng tạo, mô hình sản xuất xanh. Bên cạnh tinh thần tiên phong, các HTX còn kỳ vọng sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh để cùng nhau kiến tạo những bước tiến đột phá.
Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Đông Nghi, xã Long Hưng, tỉnh Đồng Tháp (thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cũ) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi dê sữa khép kín, từ việc phát triển đàn dê chất lượng cao đến chế biến đa dạng các sản phẩm từ sữa dê tươi. Hiện tại, với 14 sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được công nhận, HTX Nông nghiệp Đông Nghi không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn góp phần nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Hoạt động sản xuất gần khu vực phường Mỹ Tho tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô, HTX Nông nghiệp Đông Nghi đang “ấp ủ” nhiều dự định lớn, từ việc tăng sản lượng, nâng cấp công nghệ chế biến đến đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm vươn ra các thị trường lớn hơn trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về những kỳ vọng sau cột mốc sáp nhập, chị Lê Khắc Đông Nghi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Nghi, cho biết: “Sau khi sáp nhập tỉnh, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh mới. Cụ thể, HTX rất mong muốn tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông lớn, tạo điều kiện về quỹ đất hoặc mặt bằng thuận lợi để mở rộng cơ sở sản xuất và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Những hỗ trợ này sẽ là động lực quan trọng giúp HTX phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang khẳng định: “Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát lại quy hoạch tổng thể, tích hợp không gian phát triển một cách khoa học, hiệu quả. Mục tiêu là phát huy tối đa thế mạnh truyền thống của vùng trái cây và nông nghiệp, đồng thời quyết liệt khắc phục những hạn chế, thách thức còn tồn tại. Với địa bàn rộng lớn và tiềm lực mới được mở ra sau sáp nhập, tỉnh cần cách tiếp cận tích hợp và đồng bộ. Điều này nhằm tạo mọi điều kiện để HTX, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đổi mới sáng tạo, từ đó cùng tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững và thịnh vượng chung”.
Huyền Mi