Điển hình như mô hình phát triển kinh tế du lịch dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống ở làng A Nôr thuộc địa bàn xã Hồng Kim (cũ), được xem là “điểm sáng” cải thiện sinh kế cho đồng bào.
Tăng thu nhập từ du lịch cộng đồng
Hiện nay, khi làng du lịch cộng đồng A Nôr trở thành điểm đến hấp dẫn thì cũng là lúc nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao có cơ hội tìm kiếm việc làm và cải thiện sinh kế gia đình.
![]() |
Hoạt động của HTX Du lịch sinh thái A Nôr ngày càng chuyên nghiệp giúp tăng thu nhập đáng kể cho bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. |
Với đội dịch vụ, hơn 10 chị em phụ nữ bản địa hằng ngày vẫn lên nương, rẫy bình thường. Đến dịp cuối tuần, khi khách du lịch tham quan và ở lại trong các homestay, muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm thì đội dịch vụ sẽ hướng dẫn và tham gia nhiều hoạt động với khách. Thu nhập từ du lịch đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân.
Trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa bàn Hồng Kim (cũ) phải kể đến vai trò “đầu tàu” của HTX Du lịch sinh thái A Nôr với 90 thành viên, chủ yếu là đồng bào Pa Cô. Trước kia, bà con chủ yếu làm nông, nay vừa canh tác vừa làm du lịch, giúp tăng thu nhập đáng kể.
Theo ông Hoàng Thanh Duy, ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú homestay, HTX còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm đậm bản sắc dân tộc như tham gia lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa, thưởng thức ẩm thực bản địa, xông hơi thảo dược, tắm suối nước nóng tự nhiên...
Ông Duy cho biết HTX kết hợp với doanh nghiệp lữ hành tổ chức đón các đoàn khách nhằm gia tăng nguồn thu. HTX cũng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, như cải tạo đường vào làng, xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái bằng nhà sàn, tạo không gian sạch, đẹp để thu hút khách du lịch. Các thành viên là đồng bào Pa Cô trong HTX được tập huấn về kỹ năng hướng dẫn viên du lịch, phục vụ ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn để nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Lúc chưa làm du lịch cộng đồng thì bà con Pa Cô trong thôn chủ yếu là làm nông, bây giờ có khu du lịch rồi, bà con vừa làm nông, vừa làm du lịch. Làm nông, bà con chủ yếu phục vụ cho chính gia đình, khi tham gia làm du lịch mỗi thành viên thu nhập thêm khoảng 4-5 triệu/tháng, những tháng cao điểm thì nhiều hơn”, ông Duy nói.
Lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp
Thời gian qua, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao thông qua việc hình thành các HTX với mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Và tính hiệu quả của HTX Du lịch sinh thái A Nôr đã minh chứng cho điều đó.
![]() |
Lúc chưa làm du lịch cộng đồng thì bà con Pa Cô ở thôn A Nôr (xã A Lưới 1) chủ yếu là làm nông, bây giờ có khu du lịch rồi thì vừa làm nông, vừa làm du lịch. |
Theo đó, các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Huế đã tổ chức những chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho thành viên HTX khi làm du lịch cộng đồng. Những nội dung như xây dựng tour tuyến, marketing du lịch nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số, quản trị nhân lực…, đang giúp cho hoạt động của HTX Du lịch sinh thái A Nôr ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Không chỉ với làng du lịch cộng đồng A Nôr, để khuyến khích, hỗ trợ các HTX phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong thời gian tới nhằm cải thiện sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số ở xã A Lưới 1 (mới) sau sáp nhập từ các xã cũ là Hồng Kim, Hồng Vân, Hồng Thủy, Trung Sơn thuộc huyện A Lưới trước đây, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Huế đã xác định giải pháp tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý và nghiệp vụ, thành viên, người lao động trong HTX nhận biết những cơ hội lớn phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, từ đó hình thành ý tưởng đầu tư phát triển du lịch.
Tiếp theo đó là việc lựa chọn các HTX có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở A Lưới 1 để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình sản xuất gắn với kinh doanh, dịch vụ du lịch hay mô hình HTX chuyên kinh doanh, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để nhân rộng. Đồng thời, tăng cường sự liên kết, phát triển các tuyến điểm du lịch giữa doanh nghiệp với HTX nhằm tạo thành các chuỗi liên kết để đưa du khách về với làng du lịch cộng đồng.
Ngoài mô hình phát triển du lịch cộng đồng, việc lựa chọn triển khai những mô hình phù hợp nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới 1 phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu.
Như ở xã Hồng Văn (cũ), nơi bà đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số, cũng là một trong những địa bàn vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện biên giới A Lưới trước đây với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao với trên 60%.
Chính vì thế, chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ nhằm giúp đồng bào cải thiện sinh kế. Cụ thể như hỗ trợ hàng ngàn con gà, vịt, heo giống; duy trì mô hình “Du lịch cộng đồng - đồng hành cùng người nghèo”…
Tự tin phát huy nội lực để thoát nghèo
Đồng thời, ở địa bàn xã Hồng Văn (cũ), bà con dân tộc thiểu số được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian qua, các hoạt động tặng bò giống, dê giống cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được triển khai, và các hoạt động hướng dẫn trồng chuối, ngô lai, lúa nước... để bà con chủ động, mạnh dạn mở rộng sản xuất, tăng nguồn thu.
![]() |
Việc cấp bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi đang giúp bà con dân tộc thiểu số ở xã A Lưới 1 cải thiện sinh kế. |
Hoặc như ở địa bàn xã Trung Sơn (cũ), bà con dân tộc thiểu số đã được được cấp chính quyền kết nối hỗ trợ bò giống, tạo công ăn việc làm, phát triển chăn nuôi, tận dụng được đồng cỏ để phát triển kinh tế.
Chị Hồ Thị Nga, người dân tộc Pa Cô ở thôn A Niềng Lê Triêng 1 thuộc xã Trung Sơn (cũ) cho biết việc cấp bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi là hết sức thiết thực, giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn như nhà chị phát triển sinh kế, từng bước ổn định cuộc sống.
“Những con bò giống vừa là niềm mơ ước và là niềm an ủi lớn lao để giúp các hộ gia đình nghèo như chúng tôi có điều kiện phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo”, chị Nga nói.
Để bà con dân tộc thiểu số ở xã A Lưới 1 sau sáp nhập phát triển chăn nuôi bền vững, chính quyền địa phương trong thời gian tới sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tu sửa, che chắn chuồng trại trước mỗi mùa mưa rét; tổ chức xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp chuồng trại theo quy định.
Từ thực tế nhiều năm thực hiện các chương trình phát triển kinh tế ở vùng cao biên giới của các xã cũ như Hồng Kim, Hồng Vân, Hồng Thủy, Trung Sơn (nay thuộc xã A Lưới 1) cho thấy việc hỗ trợ sinh kế là một trong những biện pháp hiệu quả giúp người dân giảm nghèo bền vững. Trong đó, mô hình tặng bò giống đang mang lại những hiệu quả tích cực do phù hợp với khí hậu cũng như tập quán chăn nuôi của người dân địa phương.
Và như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã A Lưới 1: “Trong những ngày đầu tổ chức hoạt động, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được đặt lên hàng đầu”.
Tin rằng với các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, với cách làm mới thì bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới A Lưới 1 sẽ cảm thấy hài lòng, sẽ tự tin phát huy nội lực để thoát nghèo.
Thanh Loan