Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim là đơn vị tiên phong trong “cuộc cách mạng” xanh hóa rừng tự nhiên biên giới tỉnh Hà Tĩnh.
Tiên phong mở hướng đi mới
Năm 2017, sau khi được kiện toàn, Liên hiệp HTX đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Lĩnh và Sơn Hồng (cũ) về tầm quan trọng của quản lý rừng bền vững. Chỉ một năm sau, hàng trăm ha keo tại đây đã được Tổ chức Green Freight Asia của Đức cấp chứng chỉ FSC.
Qua thời gian, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tăng lên theo từng năm, làm tiền đề để tích trữ carbon, chuẩn bị xuất bán ra thị trường theo định hướng của Chính phủ.
![]() |
Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim tiên phong trong “cuộc cách mạng” xanh hóa rừng tự nhiên biên giới tỉnh Hà Tĩnh. |
Ông Võ Văn Biển, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Liên hiệp HTX cho biết, đến nay đã có hơn 978/ hơn 6.000 ha rừng tự nhiên của Liên hiệp HTX được công bố là rừng FSC carbon, với trữ lượng carbon tích trữ đạt 7.500 tấn/năm.
Để năng cao hiệu quả kinh tế dưới tán rừng, đến năm 2026, Liên hiệp HTX phấn đấu phát triển diện tích rừng tự nhiên FSC carbon thêm khoảng 2.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC khoảng 1.500 ha.
Ngoài ra, đơn vị xây dựng phương án tăng cường carbon cao với dự án trồng làm giàu rừng bằng cây lim xanh, mây và cây dược liệu (thiên niên kiện) trong rừng tự nhiên. Cụ thể, diện tích lim phấn đấu trồng 10ha, cây mây 5ha và thiên niên kiện 5ha.
“Việc trồng dược liệu dưới tán rừng được xem là “lợi đơn, lợi kép”, vừa giúp cây rừng phát triển tốt hơn, góp phần tăng độ che phủ, tăng trữ lượng carbon, vừa tăng thu nhập trên đơn vị diện tích với mức bình quân đạt từ 45-50 triệu đồng/ha”, ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Sơn thông tin.
Nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường
Cây thiên niên kiện là một loại dược liệu quý có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện bóng râm, ẩm mát, nên rất phù hợp để trồng dưới tán rừng. Việc trồng thiên niên kiện dưới tán rừng mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như: tận dụng hiệu quả diện tích đất rừng, góp phần đa dạng hóa sinh kế cho người dân miền núi, đồng thời giữ gìn và phát triển nguồn gen dược liệu bản địa. Bên cạnh đó, cây thiên niên kiện còn giúp bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững.
Đây là cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Sau 3 năm có thể thu hoạch bói, từ 5 năm trở lên thu hoạch đại trà. Theo tính toán, mỗi ha có thể mang lại nguồn thu từ 45-50 triệu đồng, cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác. Việc trồng thiên niên kiện còn giúp cho các loại cây lâm sản trong rừng phát triển tốt hơn do trước khi trồng, người dân sẽ phải phát quang cây dây leo, cây bụi.
Không những vậy, việc trồng cây thiên niên kiện kết hợp với bảo vệ rừng giúp người dân có thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ để cải thiện đời sống.
Đặc biệt, trồng loại cây này, mỗi ha người dân còn được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết số 51/2021/NQ – HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngày 16/12/2021 về “Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022 – 2025".
Hiện tại, Hà Tĩnh đã trồng được hơn 1.200 ha cây thiên niên kiện, tập trung tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Hồng, Sơn Tây. Trong đó, Sơn Kim 1 trồng nhiều nhất với tổng diện tích gần 600 ha.
Xã Sơn Kim 1 có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm tới 96% tổng diện tích tự nhiên. Với đặc trưng đó, để làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, 2 năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân trồng dược liệu dưới tán rừng, trong đó đáng chú ý là việc trồng cây thiên niên kiện.
Xác định rõ vai trò của rừng đầu nguồn và để làm giàu từ rừng, với 9 ha rừng tự nhiên được giao chăm sóc, bảo vệ, cuối năm 2024, ông Nguyễn Công Tuân ở thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1 đã tích cực trồng cây thiên niên kiện. Hiện, 9 ha rừng tự nhiên của gia đình ông đã được phủ kín cây thiên niên kiện và cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.
“Được chính quyền giao bảo vệ rừng, chúng tôi quyết tâm cao nhất trong việc bảo vệ tài nguyên xanh này. Với chủ trương của cấp trên, chúng tôi tiến hành trồng cây dược liệu, nhất là cây thiên niên kiện để từ đó có điều kiện nâng cao thu nhập, phát huy tốt hơn nguồn lợi từ rừng. Quan trọng hơn, cây dược liệu này còn góp phần xây dựng thảm thực vật xanh chống xói mòn đất”, ông Tuân cho hay.
![]() |
Trồng cây thiên niên kiện kết hợp với bảo vệ rừng giúp người dân có thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ để cải thiện đời sống. |
Cũng như ông Tuân, nhiều hộ dân ở xã Sơn Kim 1 sau khi nhận bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên đã tiến hành trồng cây thiên niên kiện. Đây là cây dược liệu được tỉnh khuyến khích trồng và được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha theo Nghị quyết 51/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Người dân đã liên kết với doanh nghiệp, HTX trong việc cung ứng cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
“Trồng dược liệu dưới tán rừng thể hiện sự thay đổi suy nghĩ của người dân. Trước đây, nói về kinh tế rừng, người dân chỉ chuyên tâm đến lâm sản trong rừng thì nay đã biết nâng cao thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ”, ông Trần Quang Trung, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn nhận xét.
Việc các hộ dân trồng cây thiên niên kiện dưới tán rừng tại Sơn Kim 1 là hướng đi đúng đắn trong bảo vệ, phát triển rừng. Điều này không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập từ rừng mà còn là giải pháp quan trọng để bảo tồn nguồn gen quý, phát triển ngành dược liệu và gìn giữ hệ sinh thái rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.
Khuyến khích mở rộng phát triển kinh tế
Ông Trần Quốc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết, địa phương đang tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích bởi cây thiên niên kiện dễ trồng, chi phí thấp và đặc biệt rất phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn.
Điều này không chỉ giúp người dân bảo vệ tốt hơn diện tích rừng tự nhiên đã được giao mà còn là giải pháp quan trọng để bảo tồn nguồn gen quý, phát triển ngành dược liệu và gìn giữ hệ sinh thái rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.
Đại diện tỉnh thông tin, thời gian tới sẽ thúc đẩy để hình thành các nhóm sản xuất cộng đồng và ký hợp đồng thu mua sản phẩm để người dân yên tâm trồng và phát triển mô hình này dưới tán rừng, bằng cách phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh để thành lập HTX nhằm kết nối người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù đây là mô hình mới nhưng có thể nói đã mở ra được hướng phát triển cho rừng cộng đồng, từ đó nâng cao được hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên được giao. Không chỉ tạo được nguồn thu ổn định cho người dân, mà còn tạo sinh kế bền vững, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo chung của tỉnh.
Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 9.236 hộ nghèo, tỷ lệ 2,40% (giảm bình quân 0,76%/năm); 11.736 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,04% (giảm bình quân 0,68%/năm).
Ngọc Giang