Đặc biệt, vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức Lớp tập huấn “Nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho thành viên HTX, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trực tiếp "cầm tay chỉ việc"
Tham gia tập huấn có 60 học viên đến từ 14 HTX và đại diện 12 hộ sản xuất kinh doanh thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Lớp tập huấn diễn ra trong 02 ngày với 01 ngày học lý thuyết và 01 ngày đi tham quan học tập thực tế.
Về phần lý thuyết, các học viên đã được đại diện Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường giới thiệu tổng quan về thương mại điện tử và khuyến nghị với người mua và người bán trong lĩnh vực thương mại điện tử, thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam như Shoppe, Lazada, Tiki, mạng xã hội Facebook, TikTok, một số lưu ý khi bán hàng đa kênh, giới thiệu và hướng dẫn thực hành sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng trong triển khai công việc và kinh doanh, cách thiết kế tờ rơi, banner, card visit, video chuyên nghiệp, livestream bán hàng trên các nền tảng…
![]() |
Nhờ tiếp cận phương thức bán hàng mới bằng cách áp dụng nền tảng số, bà con nông dân đã mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ hàng hóa. |
Tại buổi đi thực tế, các học viên đi tham quan, học tập thực tế tại HTX Sản xuất và kinh doanh hàng nông sản Bốn Vân, phường Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ. Tại đây, học viên đã được tham quan cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm sản phẩm OCOP, tìm hiểu về quy trình trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nghệ, hướng dẫn cách quay video ngắn để quảng bá sản phẩm, chia sẻ của HTX về cách thức bán hàng trên các kênh Facebook, Tiktok, zalo… và cách liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm.
“Thông qua lớp tập huấn, học viên có thêm cơ hội nắm bắt các kiến thức cơ bản, hiểu thêm những giải pháp, cách thức ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao các kỹ năng thực hành, đưa sản phẩm của mình lên sàn giao dịch thương mại điện tử và quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số. Để từ đó thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm nông sản, hàng hóa một cách có hiệu quả”, đại diện Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cho hay.
Làm chủ “sân chơi” thương mại điện tử
Ông Phạm Đình Nghĩa, Giám đốc, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà, huyện Sơn Hà chia sẻ, tham gia buổi tập huấn, HTX chúng tôi đã được hướng dẫn kỹ năng bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như: Lazada, Shoppe, Tiki.
Đặc biệt là các thành viên của HTX cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn về cách bán hàng trên Zalo, Facebook, TikTok. Kể từ khi biết cách đăng bài bán hàng trên Facebook, chị Đinh Thị Nga, thành viên HTX nông nghiệp sạch Sơn Hà chia sẻ, trước đây, khi chưa tham gia các lớp tập huấn, chị chưa tự tin để đăng bán hàng qua kênh Zalo, Facebook vì không biết viết câu giới thiệu như thế nào cho hấp dẫn.
Từ ngày được tham dự các lớp tập huấn, chị đã biết sử dụng AI để thiết kế cũng như đặt những câu giới thiệu hấp dẫn cho sản phẩm của mình trên mạng xã hội. Cũng nhờ vậy mà chị ngày càng tự tin bán hàng trên mạng, khách hàng biết đến sản phẩm của chị ngày càng nhiều hơn.
Chị Nga cho biết, gia đình chị tham gia vào HTX từ năm 2020. Đến nay, các sản phẩm chính của gia định là ớt Xiêm rừng đang rất được thị trường ưa chuộng. Đây là loại cây gắn bó với “người nghèo” vì thời gian thu hoạch rất dài. Ớt bắt đầu cho thu hoạch sau 60 ngày trồng cây non và thời gian thu hoạch ớt kéo dài tới 45 ngày.
Đây là đặc tính rất khác biệt giúp nhiều nông dân nghèo theo đuổi nghề trồng ớt bởi ngày nào cây cũng cho thu hoạch. Nếu các loại cây trái khác thường chỉ thu hoạch vài ngày và chờ cả năm mới tới vụ sau thì ớt nhanh cho trái và thời gian cho trái rất dài.
Đặc biệt, thời gian qua, giá ớt tăng cao khiến nhiều nông dân vùng đồng bào DTTS&MN nơi đây rất vui mừng. Đợt này, gia đình chị Nga thu hơn 60 triệu đồng từ bán ớt. Giá ớt cao, thu nhập ổn định đã giúp gia đình chị thoát nghèo, vươn lên làm giàu..
Ông Phạm Đình Nghĩa cho hay, với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã thể hiện được vai trò trong trong tác xóa đói, giảm nghèo đối với các thành viên và nhân dân địa phương.
![]() |
Thành viên của các HTX cũng tích cực tham gia livestream bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, giảm nghèo bền vững. |
Doanh thu của HTX liên tục tăng từng năm, tiêu thụ được nông sản cho bà con đồng bào DTTS&MN, qua đó góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi diện mạo nông thôn tại địa phương đúng với chủ trương phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ngãi.
Hiên nay, HTX có12 loại sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP: Gà Kiến Sơn Hà, Gà Đen S, Mắm Cá Niên S, Khổ Qua Rừng Sấy S, Ớt Xiêm Rừng Ngâm Dấm. Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã được bày bán trong các cửa hàng của hệ thống siêu thị BigC và một số chuỗi, cửa hàng mini khác.
Diện mạo mới sau nửa thế kỷ dựng xây dựng
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau ngày giải phóng, tỷ lệ đói, nghèo của tỉnh ở mức rất cao, đặc biệt là khu vực đồng bào DTTS&MN.
Đảng, Nhà nước dành nhiều nguồn lực và quan tâm đến công tác xóa hộ đói, giảm nghèo. Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Năm 1989, tỷ lệ đói, nghèo ở mức cao, chiếm hơn 47,45%. Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,69%, trong đó, miền núi giảm còn 26,41%. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo DTTS&MN còn hơn 16,6%.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm còn 6,19%; có thêm 1 huyện miền núi thoát nghèo, giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, những năm qua, tỉnh tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN, ưu tiên và tập trung xây dựng, phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực miền núi giảm hơn 7%, vượt 2,5% chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh giao. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. Văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS được bảo tồn và phát triển, tình hình an ninh chính trị trong vùng được giữ vững.
“Thời gian tới, ngoài thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức tự lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm thoát nghèo nhanh, hiệu quả và mang tính bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên nhấn mạnh.
Hoàng Hằng