Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 320 HTX với hơn 290.000 thành viên, trong đó 304 HTX đang hoạt động hiệu quả. Năm 2024, có 30 HTX mới thành lập, tổng số lao động thường xuyên trong HTX là hơn 3.800 người. Doanh thu bình quân của mỗi HTX đạt khoảng 2,1 tỷ đồng/năm
Đẩy mạnh xóa nhà tạm, phát triển sinh kế
Tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều bước tiến quan trọng trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Một trong những điểm sáng nổi bật là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát với sự đồng hành của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cộng đồng dân cư. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức triển khai xây dựng 5.222 nhà trên tổng số 6.628 nhà cần xóa bỏ, đạt tỷ lệ 78,79%. Hai huyện Ba Tơ và Sơn Tây đã hoàn thành chương trình, các huyện khác đang gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2025, riêng huyện Trà Bồng sẽ hoàn thành vào ngày 30/8/2025, vượt tiến độ so với yêu cầu của Chính phủ.
Cùng với việc xóa nhà tạm, công tác giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm đều qua từng năm, đặc biệt là hộ nghèo trong đồng bào DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo nhóm này giảm từ 7% năm 2022 xuống còn khoảng 6% năm 2023 và giảm khoảng 7% trong năm 2024. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã có 8 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng lên 13 xã, góp phần thay đổi căn bản diện mạo nông thôn miền núi.
![]() |
Anh Lế Tấn Hoàng (HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Hoàng Lê) tham gia xúc tiến thương mại tại Hội chợ Xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, HTX Bạc Liêu - năm 2025 do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức. |
Song hành với xóa đói giảm nghèo, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều hỗ trợ thúc đẩy các mô hình HTX, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân mở rộng, phát triển. Đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các HTX là Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2024, Liên minh đã giải ngân hơn 4,3 tỷ đồng cho 9 HTX và hộ thành viên vay vốn, đồng thời hỗ trợ 74 lượt HTX tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại với hơn 200 mặt hàng được giới thiệu. Bên cạnh đó, hàng loạt lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản trị cũng được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX…
Đặc biệt, ngày 10/3/2025, Liên minh HTX Việt Nam bàn giao dự án “Mô hình cải tạo và phát triển chăn nuôi cá Tầm” cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tây với 25 hộ tham gia, gồm 12.000 con cá Tầm giống Nga và Siberi cùng 20 tấn thức ăn công nghiệp. Dự án có tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng. Các hộ được tập huấn kỹ thuật nuôi, hướng tới nâng cao sản lượng, thu nhập.
Từ những sự hỗ trợ thiết thực của tỉnh và hệ thống liên minh HTX các cấp mà nhiều mô hình HTX kiểu mới đã được ra đời và phát triển hiệu quả.
HTX kiểu mới – "đòn bẩy" giảm nghèo bền vững
Thành lập năm 2023, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Trà Bồng tại xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng là điển hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc Đặng Vỹ Thuyên, HTX nhanh chóng phát triển với 21 thành viên, chuyên sản xuất meo giống, phôi nấm và nuôi trồng nhiều loại nấm như nấm mối đen, nấm linh chi, nấm bào ngư xám, nấm hầu thủ.
Hiện, HTX vận hành 3 trang trại nấm trên diện tích 3.000m², đầu tư hệ thống nhà kính, công nghệ sinh học và quy trình sản xuất khép kín. Nguồn nước tưới được xử lý đảm bảo an toàn. Mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 10 tấn nấm tươi và cung cấp 60.000 bịch phôi nấm, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân liên kết trong tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Đặc biệt, HTX đã được Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) chứng nhận chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm nấm mối đen và nấm bào ngư xám của HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích sản xuất 0,5 ha, sản lượng dự kiến 60 tấn/năm.
![]() |
Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) lấy mẫu sản phẩm của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Trà Bồng (Ảnh: Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi). |
Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi và Viện Khoa học Công nghệ đã hỗ trợ HTX trong tập huấn, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Thành tựu của HTX Trà Bồng góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo tại huyện Trà Bồng.
Một trong những điển hình khác trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Quảng Ngãi khác là anh Lê Tấn Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Hoàng Lê ở xã Bình Khương, huyện Bình Sơn. Sau nhiều lần thất bại với các mô hình nuôi chim cút, gà thả vườn do dịch bệnh và giá thức ăn tăng cao, anh đã chuyển sang nuôi ốc bươu đen – một loài đặc sản có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, ít công chăm sóc và phù hợp với điều kiện địa phương.
Với diện tích hồ nuôi chỉ 200m², trại ốc của anh sản xuất đều đặn hơn 30.000 con giống mỗi tháng. HTX Hoàng Lê đã kết nối cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật cho hơn 150 hộ dân trong và ngoài tỉnh, hình thành vùng nuôi ốc liên kết rộng khắp.
Ngoài nuôi ốc, anh Hoàng còn đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến từ ốc như ốc nhồi ống nứa, ốc gác bếp, muối ớt… Trong đó, sản phẩm “Ốc gác bếp Hoàng Lê” đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, minh chứng cho sự đổi mới, sáng tạo không ngừng của HTX.
Câu chuyện thành công của HTX Hoàng Lê đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ và nông dân tại Bình Sơn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Nông dân vùng cao “lên sàn”
Chuyển đổi số đang mở ra hướng đi mới cho kinh tế nông nghiệp ở nhiều vùng khó khăn. Tại tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là ở huyện miền núi Sơn Tây – nơi đồng bào DTTS chiếm đa số – nhiều HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử và liên kết sản xuất để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Một trong những điểm sáng nổi bật là mô hình trồng ổi VietGAP của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây). Mô hình này không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ DTTS, mà còn góp phần thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Anh Đinh Văn Thiếu, người dân tộc Ca Dong, là một trong những thành viên tiêu biểu của HTX. Cách đây 4 năm, anh bắt đầu trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích đất đồi vốn trước kia chỉ trồng sắn và ngô. Ban đầu, anh bỡ ngỡ với kỹ thuật canh tác mới, nhưng được HTX hướng dẫn tận tình, hỗ trợ giống, kỹ thuật và hệ thống tưới tiết kiệm. Từ năm 2020, nhờ khoản đầu tư 135 triệu đồng của HTX, anh Thiếu đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp tiết kiệm nước, công lao động và đảm bảo năng suất.
“Có lúc thu hoạch hơn 2 tấn ổi mỗi tháng mà vẫn không đủ hàng giao cho thương lái. Trước đây không dám nghĩ đến chuyện trồng cây ăn quả mà lại bán chạy như vậy,” anh Thiếu chia sẻ. Nhờ mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng chục triệu đồng – con số đáng mơ ước với người dân vùng cao.
![]() |
Kết nối đưa nông sản sạch của huyện Sơn Tây đến với khách hàng. |
HTX Sơn Liên hiện đang phát triển vùng trồng ổi VietGAP trên tổng diện tích 4 ha với gần 20 hộ tham gia. Không chỉ dừng lại ở cây ổi, HTX còn định hướng bà con mở rộng sang các loại cây trồng khác có giá trị như dứa, chuối mốc, bưởi da xanh, mít, mắc ca... Hình thức liên kết giữa HTX và hộ nông dân đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị nông sản.
Bên cạnh sản xuất, HTX còn tích cực hỗ trợ bà con tiếp cận với thương mại điện tử. Nhiều thành viên được tập huấn sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu sản phẩm qua các nền tảng như Zalo, Facebook, TikTok. Các sản phẩm đặc sản địa phương như ổi VietGAP, chuối, nấm mối đen, rượu chuối... được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee...
Có thể thấy, nhờ sự đồng hành của các HTX và tổ hợp tác, diện mạo kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS miền núi Quảng Ngãi đang dần khởi sắc. HTX không chỉ là hạt nhân phát triển KTTT, mà còn đóng vai trò là cầu nối liên kết các hộ dân. Thông qua việc hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, truy xuất nguồn gốc, thiết kế nhãn mác và xây dựng chiến lược tiếp thị..., các HTX đã giúp nông dân từng bước tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế hộ, tạo sinh kế bền vững, góp phần giảm nghèo cho người dân.
Tân Long