Ba kích là một trong những loài dược liệu quý được huyện miền núi Quảng Nam đưa vào trồng thử nghiệm. Với nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, ba kích được kỳ vọng sẽ là một trong những cây dược liệu giúp bà con dân tộc tại các huyện miền núi thoát nghèo.
Phát triển vùng dược liệu
Tại Đông Giang, ba kích được trồng thử nghiệm trên diện tích 4 ha ở vùng trồng cây dược liệu thuộc thôn Aduông.
Cuối năm 2018, mô hình trồng cây ba kích tại đây đã được UBND huyện Đông Giang giao cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai. Đến nay, đã có hơn 26.000 cây giống ba kích được trồng dưới tán rừng, tỷ lệ sống đạt từ 85 – 90%.
![]() |
Củ sâm ba kích - cây thần dược giúp bà con dân tộc miền núi thoát nghèo (Ảnh: TL) |
Theo đó, Nhà nước đã đầu tư 100% cây giống ba kích, phân bón hữu cơ vi sinh, hỗ trợ công chăm sóc, kỹ thuật trồng. Không chỉ vậy còn hỗ trợ thành lập THT sản xuất để nhóm hộ tham gia bảo tồn, phát triển cây ba kích, tạo đà phát triển vùng dược liệu.
Khi tham gia vào mô hình trồng cây ba kích ở huyện Đông Giang, các nhóm hộ đồng bào Cơ Tu được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: Kỹ thuật xây dựng vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích.
Bên cạnh đó, để giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về quy hoạch, bảo tồn, phát triển cây dược liệu.
UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030, với diện tích gần 64.200ha.
Đại diện UBND xã Lăng cho biết, bình quân 1ha trồng được 10.000 cây ba kích, thời gian sinh trưởng trong vòng 3 năm cho thu hoạch 5 cây cho 1kg củ.Tính ra sẽ được 2 tấn, với giá bán 500.000 đồng/kg thu về 1 tỷ đồng.
“Đấy là tôi tính bình quân vậy, chứ ba kích trồng ở những cánh rừng nguyên sinh, có lớp mùn dày thì 3 cây sau 3 năm cho 1kg củ. Hiện thương lái nhiều nơi lặn lội đến xã Lăng săn lùng liên tục nhưng chẳng có mà bán. Người dân địa phương thu hoạch ba kích từ việc trồng hoặc khai thác ngoài tự nhiên được củ nào là người ta mua sạch”. Vị đại diện nói.
Đến nay, xã Lăng đã hình thành vùng bảo tồn cây ba kích rộng 6 ha do Hạt Kiểm lâm Bắc Sông Bung quản lý. Hiện, ngoài HTX Thiên Bình còn có 2 THT giúp bà con trồng cây ba kích cũng như xây dựng thương hiệu ba kích.
Đưa ba kích trở thành sản phẩm OCOP
HTX Thiên Bình hoạt động theo Luật HTX kiểu mới năm 2012 với 11 thành viên, phần lớn là người Cơ Tu. HTX có vườn ươm giống ba kích rộng 1.500m2, có thể ươm tạo 400.000 cây giống ba kích tím mỗi năm.
Năm 2018, HTX đã đầu tư khoảng 760 triệu đồng vào nhà làm việc, khu vực sơ chế, quầy trưng bày sản phẩm tại xã Lăng. Bên cạnh đó, HTX còn đưa vào thu hoạch đại trà hom giống để phát triển nguồn giống bản địa, mở rộng và bảo tồn cây ba kích.
![]() |
Vườn ươm cây ba kích của HTX Thiên Bình (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho cây ba kích từ việc dẫn nước đầu nguồn, phục vụ trồng thâm canh cây ba kích cho năng suất, sản lượng cao hơn cách thức canh tác truyền thống. Không những thế, HTX còn đầu tư mua sắm 4 loại máy móc phục vụ sơ chế, rửa nông sản, máy ngâm ủ, lọc rượu ba kích, đẳng sâm và máy sấy nông sản (chè dây, măng rừng, thịt heo).
Ông Nguyễn Bá Hiển, giám đốc HTX Thiên Bình nói rằng, phần lớn thành viên HTX là người đồng bào Cơ Tu, không có vốn nên HTX phải đứng ra vay mượn nhiều tỷ đồng, hỗ trợ xã viên chi phí trong suốt thời gian triển khai mô hình. Chặng đường đi rất gian nan, phải mất 4 - 5 năm gầy dựng mới đâu vào đấy được.
Hiện nay, giá ba kích là 400 - 500 nghìn đồng/kg, HTX đang nỗ lực tạo nguồn giống ba kích thương phẩm, giúp hạ giá thành nguyên liệu ba kích xuống còn 150 - 200 nghìn đồng/kg tươi.
“Giá thành ba kích quá cao không phải người tiêu dùng nào cũng có thể tiếp cận được nên HTX quyết tâm tạo sản phẩm nhiều, chỉ có nguồn nguyên liệu dồi dào thì mới có thể hạ giá thành, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp chế biến sâu về cây dược liệu”, ông Hiển nói.
Hiện nay, mục tiêu của HTX là hoàn thiện công nghệ sản xuất cao ba kích, nhằm tạo sản phẩm cao có công dụng kích thích vị giác, giúp tiêu hóa tốt, ngủ ngon và giúp tăng cường sinh lực. Sản phẩm sẽ được đóng chai, gắn tem, nhãn mác lưu thông trên thị trường, đồng thời đưa sản phẩm cao ba kích trở thành sản phẩm OCOP của Tây Giang.
Ngọc Giang