Cùng với những đóng góp của các HTX, những thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại, từ đó xóa nghèo, làm giàu cho người dân, không thể không kể đến vai trò đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam với các chương trình hỗ trợ thiết thực.
Hiệu quả sản xuất sạch
Cách thành phố Cao Bằng (cũ) hơn 130 km, xã Thể Dục (nay thuộc xã Nguyên Bình) từng được biết đến là một địa phương nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo và nghèo chiếm phần lớn dân số.
Nhưng chỉ sau vài năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đưa cây lê đặc sản vào trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đời sống người dân trên địa bàn xã đã có bước khởi sắc rõ rệt.
![]() |
Cây lê đang trở thành một trong những cây giảm nghèo ở Cao Bằng (Ảnh: BCB). |
Từ năm 2019, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, xã Thể Dục đã triển khai dự án trồng cây lê với 159 hộ tham gia.
Đến nay, toàn xã có hơn 12 ha trồng các giống lê như lê vàng, VH6, trong đó gần 7,5 ha đã cho thu hoạch với sản lượng gần 120 tấn mỗi năm. Cây lê phát triển trên nền tảng sản xuất khoa học, ứng dụng canh tác thông minh, an toàn sinh thái, đã nhanh chóng bén rễ đất cằn, mang lại giá trị kinh tế vượt trội.
Hộ bà Đặng Mùi Ghển, xóm Nặm Boóc là một điển hình. Trồng gần 100 cây lê trên diện tích 0,3 ha, nhờ được tập huấn kỹ thuật và áp dụng đúng quy trình sản xuất VietGAP, vườn lê của gia đình bà cho năng suất vượt trội, mỗi năm thu gần 3 tấn quả, bán giá từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, thu nhập trên 200 triệu đồng.
“Từ ngày được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận VietGAP, thương lái và người tiêu dùng đến tận vườn nhà tôi đặt mua, không còn lo đầu ra như trước”, bà Ghển phấn khởi chia sẻ.
Cùng với cây lê, xã Thành Công (nay thuộc xã Thành Công mới) lại chọn cây dong riềng làm cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp.
Hiện, toàn xã có gần 136 ha dong riềng (thống kê trước ngày 1/7/2025), năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha. Đặc biệt, một số hộ đã mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, qua đó giúp tăng năng suất và giá trị sản phẩm.
Liên kết tạo sức mạnh
Ông Lý Văn Piền, xóm Bành Tổng là một trong những hộ có diện tích trồng lớn nhất ở địa phương, với tổng số hơn 3 ha dong riềng. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 180 tấn củ, thu nhập gần 450 triệu đồng.
Tương tự, bà Du Thị Say, một nông dân khác tại xóm Phia Đén, đã tận dụng toàn bộ nguyên liệu để chế biến miến dong, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, giá bán luôn ổn định.
Sự thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp VietGAP tại Cao Bằng không thể không kể đến vai trò của các HTX nông nghiệp địa phương. HTX không chỉ giúp người dân tổ chức sản xuất theo hướng tập thể, giảm chi phí đầu vào, mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại.
![]() |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điểm tựa xóa đói giảm nghèo ở vùng cao tỉnh Cao Bằng (Ảnh: BCB). |
Hiện nay, tại nhiều khu vực đã hình thành các HTX chuyên sản xuất lê, dong riềng, chè, miến dong, được hỗ trợ đào tạo quản trị, kỹ thuật, vốn vay ưu đãi thông qua các chương trình của Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng và Liên minh HTX Việt Nam.
Một số HTX tiêu biểu như HTX Nông nghiệp sạch Phia Đén, HTX Sản xuất và tiêu thụ lê Thể Dục… đã từng bước xây dựng thương hiệu, đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường ra cả Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang…
Ông Nông Văn Thức, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Phia Đén cho biết: “Chúng tôi được hỗ trợ từ khâu tập huấn kỹ thuật, cấp máy móc chế biến miến đến kết nối tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của HTX không chỉ bán trong tỉnh mà đã vươn ra thị trường lớn, được người tiêu dùng đánh giá cao”.
Thêm động lực vươn tầm
Đang có những thành công đầy tích cực, tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc phát triển sản xuất theo VietGAP tại Cao Bằng vẫn gặp không ít khó khăn. Chi phí đầu tư cao, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt khiến nhiều nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi. Một phần do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết bền vững với doanh nghiệp.
Hơn nữa, việc phân biệt sản phẩm VietGAP với sản phẩm truyền thống trên thị trường vẫn là rào cản lớn. Như chia sẻ của ông Lê Quang Chiến, một hộ trồng lê ở xóm Bản Nùng (xã Thể Dục): “Dù quả lê nhà tôi đã có chứng nhận VietGAP, nhưng khi mang ra chợ vẫn phải bán chung giá với lê thường vì người tiêu dùng không nhận diện được. Điều này khiến chúng tôi chùn bước khi định mở rộng vườn”.
Chính vì vậy, chính quyền các địa phương cùng các cơ quan chuyên môn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo nông dân, đồng thời khuyến khích các HTX liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị khép kín – từ sản xuất đến tiêu thụ.
Thực tế, trong 3 năm qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ hàng chục HTX trong tỉnh thông qua các chương trình đào tạo quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ, đầu tư thiết bị chế biến nông sản, xúc tiến thương mại.
Mặt khác, các chương trình hỗ trợ phát triển HTX tại Cao Bằng của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đang từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số vươn xa hơn, có chỗ đứng trên thị trường, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.
Từ những vườn lê trên núi cao Thể Dục, những thửa dong riềng xanh mướt ở Phia Đén, đến những gói miến sạch mang thương hiệu HTX… tất cả đang góp phần làm thay đổi diện mạo vùng cao tỉnh Cao Bằng. Những mô hình VietGAP không chỉ nâng tầm giá trị nông sản mà còn là “chìa khóa” để mở cánh cửa thoát nghèo cho người dân tại nhiều địa phương vùng cao.
Trong tương lai, nếu được đầu tư đúng mức và có cơ chế liên kết hiệu quả giữa HTX – nông dân – doanh nghiệp, cùng với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch tại Cao Bằng sẽ tiếp tục lan tỏa, trở thành trụ cột vững chắc trong phát triển nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo ở vùng cao.
An Chi